Cổ phiếu định giá bằng… bạc lẻ
Chẳng phải sự so sánh để làm thê thảm thêm vấn đề, sự thực là những cổ phiếu giá rẻ tính bằng nghìn đồng đã phủ đầy trên bảng điện tử. Và lần đầu tiên, trên sàn đã xuất hiện mã có giá dưới 1.000 đồng. Đó là trường hợp cổ phiếu VKP của Công ty Cổ phần Nhựa Tân Hóa. Trong những lúc đỉnh cao, cổ phiếu VKP đã từng được định giá lên đến 40.000 đồng và trong giai đoạn khó khăn nhất là năm 2009, mệnh giá cổ phiếu này vẫn dao động quanh mức 20.000 đồng. Tuy nhiên, thời điểm khảo sát của bài báo này thì mệnh giá cổ phiếu này chỉ còn 600 đồng - số bạc lẻ mà gần như không còn lưu thông ngay ở các chợ dân sinh nữa.
Nếu theo dõi sát thị trường chứng khoán (TTCK) có thể nhận thấy, việc các cổ phiếu không ngừng đổ dốc, vượt xa mức tưởng tượng của các nhà đầu tư là do sự yếu kém của các doanh nghiệp như làm ăn thua lỗ liên tiếp, nguy cơ sụp đổ cận kề. Những khối lượng tài sản khổng lồ của những người đam mê chứng khoán giờ được định giá bằng… một cọng hành khiến nhà đầu tư ngán ngẩm quay lưng.
Nhìn nhận về tương lai của TTCK, nhiều nhà đầu tư kỳ cựu đều tỏ ra bi quan. Lạm phát, lãi suất cao, chi phí giá cả không ngừng thay đổi đẩy các doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Sẽ có những cổ phiếu không thể vực dậy được, dù thị trường có phép màu. Mức thanh khoản ở nhiều mã cổ phiếu thì gần như đóng băng, người muốn mua vào thì sợ “hố”, mà bán ra thì cũng không đành.
Hiện tại, khó khăn chung của nền kinh tế đã kéo dài quá lâu, các biện pháp hỗ trợ được cân nhắc kỹ lưỡng trong khi sức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt và nguy cơ phá sản, hủy niêm yết lớn hơn nhiều. Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì từ đầu năm tới nay, VN-Index giảm khoảng 16%. Kinh tế trong nước tác động khiến cho các doanh nghiệp niêm yết khó khăn, có đến 60% công ty lợi nhuận sụt giảm, giá cổ phiếu giảm còn 40-50% so với năm 2010, hiện có 71/105 công ty chứng khoán lỗ lũy kế (tổng lỗ khoảng 2.000 tỷ), hoạt động huy động vốn gặp nhiều khó khăn, thành công chào bán cổ phiếu giảm mạnh. “Về chỉ số Index, năm 2008 thị trường cũng bị sức ép mạnh về tâm lý khốc liệt khi từ đỉnh 1.200 điểm giảm sâu xuống ngưỡng dưới 300 điểm; còn năm nay dù tính ra mức suy giảm của VN-Index mới vào khoảng 16% nhưng do thị trường đang như một cơ thể yếu nên sức chịu đựng lần này kém hơn” - Ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết.
Rời sàn
Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp bằng mọi cách để được niêm yết thì thời điểm này không ít doanh nghiệp đã phải tính đến chuyện rời sàn. Bởi theo nhiều chuyên gia, việc niêm yết ở thời điểm này cũng tạo ra nhiều áp lực cho doanh nghiệp. Trước hết là mối lo bị thâu tóm. Điển hình phải kể tới vụ thâu tóm CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF - sàn HOSE) của một đại gia trong lĩnh vực hàng tiêu dùng - CTCP Hàng tiêu dùng Masan, thuộc Tập đoàn Man San (MSN - sàn HOSE). Chỉ sau đó hơn 1 tháng, hồi tháng 10 vừa rồi vụ việc đã đi đến hồi kết với việc Masan đã mua được số cổ phần mong muốn và ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Masan) và ông Trương Công Thắng (Tổng giám đốc Masan Consumer - MSF) đã ngồi vào HĐQT của VCF.
Nhiều người cho rằng, vụ thâu tóm quá nhanh cho thấy Masan đã chuẩn bị cho phương án này từ lâu và chỉ chờ cơ hội thị trường đi xuống và cổ phiếu dễ mua bán để tiến hành ý định của mình. Có thể nhận thấy đối với công ty đại chúng thì nguy cơ bị thâu tóm là rất lớn, bởi với VCF - một doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu của Nhà nước (Tổng công ty Cà phê Việt Nam) khá nhiều mà cũng dễ dàng bị thâu tóm.
Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp đã bị TTCK đánh giá một cách méo mó. Nhiều cổ phiếu có giá quá thấp, trong số 700 doanh nghiệp niêm yết thì có tới hơn 400 doanh nghiệp có thị giá thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng, trong khi giá trị sổ sách của hơn 90% các doanh nghiệp này cao hơn so với mệnh giá. Các doanh nghiệp này rất có thể sẽ rơi vào tầm ngắm của một số đại gia nếu tính đại chúng và thanh khoản của các doanh nghiệp này cao.
Hiện tượng một số doanh nghiệp quyết định hủy niêm yết cho thấy nhiều người, cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đang ngày càng mất niềm tin vào TTCK. Có nhiều lý do khác nhau, ngoài nguy cơ bị thâu tóm thì có thể thấy việc huy động vốn ở thời điểm này rất khó khăn, trong khi giá cổ phiếu lại xuống thê thảm làm ảnh hưởng tới hình ảnh của các doanh nghiệp. Việc lên sàn chưa thấy lợi đâu, nhưng nhiều doanh nghiệp lo ngại về những ràng buộc rất lớn có thể ảnh hưởng tới quyết định kinh doanh nhanh của công ty.
Vì đâu nên nỗi
Tạm gác những vấn đề về kinh tế vĩ mô như lạm phát, lãi suất ngân hàng, thắt chặt tín dụng… vốn gây khó khăn chung cho nền kinh tế, thì bản thân các vấn đề nội tại của TTCK cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng hiện tại. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, mặc dù TTCK Việt Nam đã có 11 năm tuổi nhưng đến thời điểm này vẫn bộc lộ quá nhiều bất cập.
Một trong những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường, đó là tiêu chuẩn lên niêm yết. Nhiều công ty dù báo cáo lỗ liên tục vẫn tiếp tục giao dịch, dẫn đến việc cổ phiếu bị rớt giá, ảnh hưởng đến tâm lý chung của các nhà đầu tư. Ngoài ra là việc quản lý lỏng lẻo các công ty chứng khoán, mà điều quan trọng nhất chính là hoạt động tín dụng của các công ty này. Một số công ty chứng khoán rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán tiền cho các giao dịch chứng khoán và hoàn trả đủ các khoản vay Quỹ hỗ trợ thanh toán cho trung tâm lưu ký. Thị trường đang lo ngại sẽ có thêm nhiều công ty chứng khoán khác rơi vào tình trạng này.
Tất nhiên, bối cảnh khủng hoảng luôn tồn tại cơ hội cho một số người. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng cơ hội đó chỉ đến với những người còn tiền, và chọn đúng cổ phiếu để “đầu tư giá trị”, tức là hướng vào những doanh nghiệp thực sự sản xuất, kinh doanh, có đủ năng lực để vượt qua thời điểm khó khăn. Ngược lại những người với mục đích đầu cơ, lướt sóng mà thiếu hiểu biết về chứng khoán thì nên đứng ngoài thị trường kẻo sẽ sớm phải nếm “trái đắng”.
Ngoài ra, theo ông Hải, đây có thể sẽ là thời điểm sàng lọc thị trường: “Lúc này doanh nghiệp yếu kém thì chưa nên tham gia thị trường; còn doanh nghiệp khó khăn, bê bết chưa có hướng khắc phục cũng nên dừng cuộc chơi. Thị trường đang có hơn 700 doanh nghiệp tham gia, cũng đã là nhiều rồi”.
Chưa thể kỳ vọng
Những diễn biến kinh tế vĩ mô cho thấy sẽ còn rất nhiều khó khăn với các doanh nghiệp niêm yết. Lãi suất cho vay sẽ vẫn còn cao, việc kiềm chế lạm phát không phải đơn giản… khiến đa số các chuyên gia đều nhận định chưa thể kỳ vọng gì nhiều vào TTCK trong ngắn hạn và ngay cả đến hết năm 2012.
Mặc dù được trông đợi, nhưng ở thời điểm này, cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được biện pháp nào có thể cải thiện tình hình và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, tuy nhiên các giải pháp chỉ là dưới thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính, còn vấn đề lớn nhất và mấu chốt nhất vẫn là những quyết sách vĩ mô. Ông Vũ Bằng cho biết, sẽ kiên trì khẳng định vai trò của TTCK không chỉ với nền kinh tế, mà là với chính hệ thống ngân hàng. Thực tế, các ngân hàng của thập niên 90 có vốn chỉ vài chục tỷ đồng, nhưng chính nhờ có TTCK, vốn của ngân hàng đã được tăng đến hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Không chỉ khối ngân hàng, hàng trăm DN khác cũng đã huy động được vốn để phát triển thành những tập đoàn, tổng công ty, DN lớn trong nền kinh tế. Gần 500.000 tỷ đồng là số tiền mà các DN đã huy động được thông qua việc chào bán cổ phần, trái phiếu qua TTCK Việt Nam. UBCK sẽ tiếp tục đề xuất không gắn tín dụng chứng khoán với tín dụng phi sản xuất của hệ thống ngân hàng, với mong muốn khơi thông 2 kênh dẫn vốn lớn, để tạo điều kiện cho chính các DN huy động vốn dài hạn cho sản xuất, kinh doanh.
Tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chính tức đề cập đến “gói giải pháp ổn định vĩ mô”, trong đó có biện pháp phục hồi TTCK và thị trường BĐS. TTCK đã trải qua quá nhiều phép thử, và người ta đang chờ đợi một phép thử nữa.
Theo ANTĐ