Lạm phát một con số: Nhiệm vụ khả thi 2012

Thứ ba, 06/12/2011, 00:17
Cải thiện hệ thống phân phối hàng hóa, hướng dòng tín dụng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, phối hợp tốt hơn nữa giữa chính sách tài khóa (CSTK) và chính sách tiền tệ (CSTT)... là những yếu tố quan trọng để kéo lạm phát xuống và bình ổn kinh tế vĩ mô.

Đó là những chia sẻ của ông Dominic Mellor - Chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam khi trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng.


Mặc dù đã giảm tốc trong vài tháng gần đây nhưng lạm phát của Việt Nam vẫn đứng ở mức cao. Vì sao vậy, thưa ông?
 

Đến thời điểm hiện tại, lạm phát tại Việt Nam vẫn rất cao. Đây là hệ quả của nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân quan trọng từ giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (gồm lương thực, thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình) cao. Đáng lưu ý là trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam, nhóm hàng này chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40%).

Trên thực tế, nếu chúng ta so sánh tốc độ tăng giá lương thực, thực phẩm của Việt Nam với nhiều nước khác thì tốc độ tăng giá của Việt Nam cao hơn nhiều. Ví dụ, tốc độ tăng giá lương thực, thực phẩm tại Việt Nam trong vòng 1 năm trở lại đây lên tới gần 30% trong khi tại các nước khác chỉ vào khoảng 8% - 9%.
 

Là một nước nông nghiệp, xuất khẩu lương thực, nhưng giá lương thực, thực phẩm ở Việt Nam lại tăng cao một cách bất thường. Nghịch lý này đến từ đâu?

Theo tôi, một phần vì cấu trúc thị trường, cách thức sản xuất và phân phối lương thực, thực phẩm. Thậm chí chúng ta có thể thấy được sự khác biệt giữa giá lương thực, thực phẩm ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy trong dài hạn, để giảm được những bất ổn về giá lương thực thì cần có những chính sách để cải thiện hệ thống phân phối, nhất là bán buôn…

Nhưng tất nhiên, việc giải quyết sự kém hiệu quả của hệ thống phân phối nằm ngoài "tầm tay" CSTT. Bởi CSTT thường chủ yếu tập trung vào kiểm soát lạm phát cơ bản (core inflation). Và CSTT bao giờ cũng có một độ trễ nhất định cho đến khi ta nhìn thấy hiệu quả của nó trên thực tế.
 

Nhưng rõ ràng, lạm phát là một hiện tượng tiền tệ?

Nếu nhìn lạm phát dưới góc độ CSTT thì lạm phát cao hiện nay thực ra là hệ quả của thời gian trước. Cuối năm ngoái, đầu năm nay áp lực điều chỉnh tỷ giá VND/USD rất lớn trong khi tăng trưởng tín dụng cao cùng với nhiều khoản vay không hiệu quả… Điều đó đã tạo sức ép lạm phát trong khi không mang lại tốc độ tăng trưởng cao như kỳ vọng.

Mặc dù CSTK, CSTT thắt chặt đã được thực hiện từ đầu năm nay nhưng rõ ràng sẽ phải mất thời gian để thị trường ngoại hối thực sự ổn định trở lại; và nhất là để thay đổi kỳ vọng lạm phát cao hiện vẫn tồn tại.
 

Ông có cho rằng Chính phủ Việt Nam sẽ thành công trong việc thực hiện mục tiêu đưa lạm phát về mức 1 con số trong năm tới?

Tốc độ gia tăng lạm phát tính theo tháng đã giảm đáng kể trong những tháng vừa qua và nếu diễn biến này tiếp tục được duy trì thì việc đưa lạm phát về đâu đó xung quanh mức 10% cho năm tới là hoàn toàn có thể.

Các rủi ro đặt ra hiện nay là việc Chính phủ có thể nới lỏng chính sách quá sớm, cùng với đó là lạm phát thường tăng vào thời điểm cận tết hay việc các DN vay mượn ngoại tệ đến kỳ đáo hạn...
 

Nhìn nhận của ông về chính sách lãi suất của Việt Nam hiện nay?

Lãi suất cho vay vẫn khá cao và tất nhiên điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng nếu nhìn vào lãi suất huy động tiền gửi (được khống chế ở mức trần 14%/năm) thì cũng có người cho rằng, mức lãi suất ấy chưa đủ cao để khuyến khích người dân nắm giữ tiền đồng.

Nếu Chính phủ muốn chống đôla hóa thì cần khuyến khích người dân tin tưởng và nắm giữ tiền đồng thông qua một mức lãi suất tiết kiệm phù hợp để người dân có thể bảo toàn tài sản của họ trước rủi ro lạm phát.
 

Và cách thức phối hợp giữa CSTK và CSTT trong thời gian qua?

Năm 2011 đã chứng kiến một sự phối hợp khá tốt giữa Bộ Tài chính và NHNN trong triển khai Nghị quyết 11 với các biện pháp thắt chặt cả về tài khóa và tiền tệ. Tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn có thể được thúc đẩy tốt hơn trong thời gian tới.

Một trong những ví dụ để có thể cải thiện hơn nữa sự phối hợp này là cần đo lường được CSTK thắt chặt ở mức nào. Ở trường hợp của Việt Nam, một trong các biện pháp để đo lường mức độ thắt chặt tài khóa là tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP. Chính phủ Việt Nam đang cố gắng để giảm mức thâm hụt này xuống nhưng không bao gồm một số danh mục chi tiêu quan trọng đang được để ngoài ngân sách. Vì vậy, khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố mức độ thâm hụt ngân sách của Việt Nam theo các tiêu chuẩn quốc tế thì đôi khi có sự khác biệt với con số công bố chính thức của Chính phủ Việt Nam.

Như vậy, nếu muốn tăng cường sự phối hợp hiệu quả hơn giữa CSTK và CSTT thì có lẽ việc tính toán mức độ thâm hụt ngân sách nên bao gồm cả những khoản mục chi tiêu đang để ngoài ngân sách. Khi đó trong quá trình xây dựng CSTT, NHNN sẽ biết chính xác tình hình tài khóa.
 

Theo ông, cần làm gì để gia tăng sự gắn kết giữa CSTK và CSTT?

Những cách thức phối hợp chính sách đã có trong thời gian qua cần tiếp tục được duy trì. Bộ Tài chính, NHNN cần tiếp tục bàn bạc một cách cởi mở, chia sẻ thông tin cởi mở… Khi đó, hiệu quả phối hợp giữa CSTK và CSTT cũng sẽ ngày càng tốt hơn.

Tôi cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ vẫn phải dựa vào các biện pháp hành chính để kiểm soát tăng trưởng tín dụng. Nhưng về dài hạn, cần có những giải pháp để đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính. Chỉ khi nào có một thị trường tài chính đủ mạnh thì CSTT mới có cơ hội tốt để phát huy hiệu quả. Hiện tại, ngành Ngân hàng phụ thuộc quá nhiều vào số ít các ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước và  đây cũng là một trong những căn nguyên có thể dẫn tới rủi ro.

Xin cảm ơn ông!
 

Theo Thời báo ngân hàng

Các tin cũ hơn