Euro mất giá, hàng xuất khẩu Việt Nam sẽ khó cạnh tranh

Thứ tư, 07/12/2011, 00:38
Việc đồng tiền chung châu Âu euro đang mất giá so với nhiều đồng tiền khác tuy chưa ảnh hưởng đến thu nhập của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, nhưng nó có thể làm hàng hóa Việt Nam kém cạnh tranh hơn.



Giày dép, dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường châu Âu.



Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện khách hàng ở thị trường các nước dùng đồng tiền chung euro thường chỉ sử dụng đô la Mỹ để thanh toán, nên việc đồng euro mất giá không ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, với việc ký hợp đồng và thanh toán bằng đô la Mỹ, giá sản phẩm Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu đang trở nên đắt đỏ hơn và điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam ở thị trường này.
 

Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng giám đốc Công ty đồ gỗ Hiệp Long ở Bình Dương, cho biết tác động này đến nay vẫn chưa rõ ràng, nhưng hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu sẽ trở nên đắt hơn, và chắc chắn sẽ tác động xấu đến sức của của thị trường này.

Với ngành da, giày, tình hình thị trường châu Âu đang xấu đi nhanh chóng. Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty giày Liên Phát, cho biết đồng euro mất giá đang làm cho xuất khẩu vào châu Âu trở nên khó khăn hơn. Theo bà Liên, số đơn hàng da giày đang giảm 10-15% đối với doanh nghiệp lớn của Việt Nam, và có thể trên 30% đối với doanh nghiệp nhỏ. Bà dự đoán, tình hình sụt giảm đơn hàng trong ngành giày, vốn phụ thuộc chủ yếu vào thị trường châu Âu, có thể kéo dài từ cuối năm nay đến hết năm 2012.
 

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường châu Âu khác cũng nhận thấy sự sụt giảm đơn hàng từ thị trường này và không lạc quan về tình hình xuất khẩu trong năm 2012. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đang xuất hàng ổn định sang châu Âu thì nhận thấy có thay đổi trong cung cách làm ăn của đối tác.
 

Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hùng Vương, cho rằng suy thoái kinh tế của khu vực châu Âu khó tác động đến xuất khẩu cá tra qua thị trường này, do giá cá Việt Nam khá rẻ. Tuy nhiên, ông Minh nhận thấy, trong bối cảnh kinh tế không thuận lợi, nhiều nhà nhập khẩu đã chuyển các công đoạn cuối cùng như bao gói sản phẩm sang Việt Nam trước khi xuất khẩu, thay vì bao gói tại nơi đến, để cắt giảm chi phí.
 

Hiện giày dép, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê và thủy sản là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Theo tờ Wall Street Journal, đồng euro hôm 6-12 tiếp tục rớt giá so với các đồng tiền chính của châu Á do các nhà đầu tư chuyển sang các đồng tiền an toàn, như đô la Mỹ và yen Nhật sau khi có cảnh báo từ Standard and Poor’s về tình trạng nợ công của châu Âu.

Vào lúc 11g50 trưa nay, theo giờ Tokyo, đồng euro giảm từ mức 1 euro đổi được 1,34 đô la Mỹ trong phiên giao dịch hôm qua, xuống còn 1,3371 đô la Mỹ. Theo hãng tin Reuters, đà giảm này nối tiếp tình trạng mất giá của euro trong tháng 11-2011. Vào ngày 25-11, đồng euro đã giảm xuống mức 1 euro đổi được 1,321 đô la Mỹ.

Vào cuối ngày 5-12, hãng xếp hạng tín dụng Standard and Poor’s cho biết có thể hạ hai bậc mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng đối với Pháp và dọa có thể hạ bậc xếp hạng tín nhiệm tín dụng của 15 nước sử dụng đồng tiền chung euro, trong đó có Đức, Ý, và Tây Ban Nha.

Nguy cơ suy thoái của khu vực đồng euro và Mỹ đe dọa châu Á

Báo cáo theo dõi kinh tế châu Á (Asia Economic Monitor) số mới nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ tiếp tục ở mức trung bình trong năm 2012 do các vấn đề về nợ công tại châu Âu và triển vọng kinh tế không sáng sủa của Mỹ đang làm gia tăng nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Báo cáo cho rằng trong trường hợp cả khu vực đồng euro và nền kinh tế Mỹ đều suy giảm mạnh, tác động lên các nền kinh tế châu Á mới nối sẽ rất nghiêm trọng nhưng có thể kiểm soát  được.

Trong đó, các nền kinh tế công nghiệp mới, bao gồm Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore và lãnh thổ Đài Loan, sẽ có mức tăng trưởng chậm hơn trong năm nay cũng như năm sau, chủ yếu do phụ thuộc nhiều hơn vào thương mại quốc tế so với các láng giềng. Điều này khiến cho họ dễ chịu ảnh hưởng hơn khi có sự suy giảm kinh tế ở châu Âu và Mỹ.

Các nền kinh tế ASEAN cũng sẽ tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến trước đây. ADB đã hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới xuống còn 6,3% từ mức 6,5% mà ngân hàng này đã dự báo trong tháng 9 vừa qua.

 

Theo The SaigonTimes

Các tin cũ hơn