Sau hàng loạt vụ nổ xe, Honda có còn là lựa chọn số 1 của NTD?

Thứ tư, 07/12/2011, 00:00
"Tỷ lệ mình rơi vào tình trạng kém may mắn rất nhỏ nhưng xác suất là có, vì vậy, lựa chọn phương tiện đi lại nào đảm bảo tính mạng, sức khỏe là quan trọng nhất”.


"Nếu lỗi là do Honda, tôi sẽ cân nhắc hơn khi mua xe"

Khảo sát tại các phố chuyên bán xe máy như chùa Hà, phố Huế (Hà Nội), khi được hỏi: Có lo lắng không khi mua xe Honda, hầu hết người tiêu dùng đều trả lời rằng: Họ đang cân nhắc.

Vụ việc chiếc xe Honda Dream bỗng dưng phát nổ cướp đi sinh mạng của một người mẹ trẻ và khiến cháu bé 4 tuổi bị thương nặng ở Bắc Ninh đang gây xôn xao dư luận. Bên cạnh đó, liên tục những sự cố xe máy đang lưu thông trên đường bỗng dưng phát cháy trước đó càng khiến người tiêu dùng hoang mang.

Trên các diễn đàn online, nhiều cư dân mạng cũng đặt không ít những câu hỏi. Thậm chí, hoài nghi về chất lượng của xe Honda. Bạn athlon26 trên trang voz thắc mắc: “Tại sao cứ cháy nổ gì cũng lại là xe Honda thế?!”. Một số bà mẹ trên webtretho lại tư vấn bạn bè của mình nên mua xe nhập khẩu, bởi lẽ theo họ “dòng xe nhập khẩu đắt tiền vẫn an toàn hơn vì được quản lý kỹ thuật nghiêm ngặt hơn. Nếu sử dụng đúng cách thì chẳng bao giờ có chuyện phát nổ trời ơi như thế!”.

Chiều 6/12, tại cửa hàng chuyên bán xe máy đường Phố Huế (Hà Nội), anh Vũ Quốc Việt - khách hàng đang phân vân khi lựa chọn chiếc xe máy mới - cho biết: “Hôm trước, mình đọc tin xe Honda Dream phát nổ ở Bắc Ninh, nếu thực sự trong trường hợp này, lỗi là do xe Honda có vấn đề, mình sẽ cân nhắc hơn khi tư vấn cho người thân và gia đình trước khi lựa chọn hãng xe này”.

Anh Việt cho biết thêm: Hiện tại, anh đang đi chiếc xe Wave RSX của Honda, ngay sau khi nghe tin về vụ cháy, nổ, anh đã đem xe đi bảo dưỡng. “Tôi cũng sợ có sự cố gì đó xảy ra mà mình không lường trước được, mặc dù xe RSX của tôi còn khá mới, đi chưa thấy có hiện tượng gì”.

Là một khách hàng thường xuyên của Honda, từ trước tới nay vẫn tin tưởng vào chất lượng của hãng xe này, tuy nhiên, sau một loạt sự cố cháy rụi xe giữa đường, khách hàng tên Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) đã nhận định: “Từ xưa tới nay, Honda vẫn thống lĩnh thị trường, nhưng sau vụ việc này cùng với một loạt sự kiện trước đó, mình nghĩ ngôi vương của Honda khó giữ".
 

Sau hàng loạt sự cố liên quan tới cháy nổ xe Honda, khách hàng tên Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) tin rằng:
Ngôi vương của Honda sẽ khó giữ ở thị trường xe máy Việt..

 
Thừa nhận giá cả của Honda hợp lý so với mức chi trả của người dân Việt Nam, hơn nữa, điểm lợi thế, cạnh tranh của Honda so với nhiều hãng xe máy khác là dễ dàng thay thế phụ tùng, anh Nguyễn Đức Toàn (cư ngụ tại Lê Trọng Tấn, Hà Nội) “bật mí”: Lựa chọn từ trước tới nay của anh vẫn là xe Honda.

“Tôi thường xuyên đi công tác, đã thử sử dụng Yamaha, tuy nhiên, Yamaha thay đồ rất khó, đặc biệt là ở các tỉnh lẻ hoặc các vùng sâu vùng xa, vì vậy, có thể nói Honda vẫn là thịnh hành nhất” – anh Toàn khẳng định.

Tuy nhiên, sau khi nghe kể về sự cố xảy ra đối với gia đình nạn nhân chị Quỳnh, anh Toàn thẳng thắn: “Nếu các trung tâm kiểm định chứng minh được vụ nổ là do lỗi kỹ thuật từ xe Honda, tôi sẽ phải xem xét lại,. Mặc dù, tỷ lệ mình rơi vào tình trạng kém may mắn ấy rất nhỏ nhưng xác suất là có, vì vậy, lựa chọn phương tiện đi lại nào đảm bảo tính mạng, sức khỏe cho mình là quan trọng nhất”.

Mặc dù người tiêu dùng có phần e dè, ngần ngại hơn khi mua xe Honda song theo khảo sát của phóng viên, lượng mua bán các loại xe này cũng không biến động nhiều khi thị trường xe máy Việt Nam không có nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng xe chất lượng, giá phải chăng, mẫu mã đa dạng.

Nhân viên bán hàng của cửa hàng ủy quyền của Honda tại 251 Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết: Mỗi ngày, Head này vẫn bán được trung bình tầm 50 chiếc xe đủ loại, “lượng bán không suy giảm so với những ngày trước đó”.

Nhiều hoài nghi xung quanh câu chuyện nổ xe ở Bắc Ninh

Mặc dù bước đầu đã có thông tin từ Viện Khoa học Hình sự Bộ CA về vụ nổ xe: Không có yếu tố gài mìn, trả thù cá nhân tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn đặt dấu chấm hỏi về nguyên nhân của vụ nổ bởi lẽ: “Xe máy cháy thì tôi thấy nhiều nhưng xe nổ với sức công phá lớn như vậy thì tôi chưa thấy bao giờ!”.

Là một nhân viên kỹ thuật của Honda, anh T. ở Head Honda trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết: Anh cũng thường xuyên được hãng cử đi kiểm tra xe sau các vụ cháy xe ở dọc đường. “Trong trường hợp của chị Quỳnh, không lường trước được việc xăng có tạp chất gì đó, do xăng tự kích nổ chứ không phải do thiết bị. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, hai mẹ con chị Quỳnh mới chỉ đi từ nhà ra được chừng vài mét, vì thế, tình trạng xăng có khả năng kích nổ là rất khó”.

Anh T. giải thích thêm: “Hồi cháy xe ở Hồ Tây, chúng tôi đã từng mở nắp bình xăng và châm lửa đốt, do hơi xăng bốc lên, nó cháy như đèn dầu ấy chứ nổ bùng như trong trường hợp của chị Quỳnh, tôi thấy rất khó tin”.

Ngoài ra, theo như kinh nghiệm của anh T.: Tất cả những xe bị cháy mà anh đã từng đi kiểm tra, đa phần đều chạy khoảng 10km mới cháy vì khi đó, động cơ của xe bắt đầu nóng lên, gió thổi, hơi xăng bay vào nhiều. Nếu cháy do giẻ rách vướng vào trong xe thì quãng đường đi cũng phải chừng 4 – 5 km mới đủ điều kiện để bốc cháy. Đằng này, theo như đo đạc của cơ quan chức năng, chị Quỳnh mới dắt xe máy ra khỏi cổng chừng vài mét.

“Xe máy cháy thì tôi thấy nhiều nhưng xe nổ với sức công phá lớn như vậy thì tôi chưa thấy bao giờ!”

Thêm vào đó, sức công phá của vụ nổ rất lớn, theo người hàng xóm kể lại: Những mảnh vỡ từ xe máy bắn tung tóe, văng xa tới chục mét, hai bức tường bên cạnh nơi chiếc xe nổ bị bong từng mảng vữa và thủng nhiều lỗ, những tán cây bên cạnh cao tới 2m cũng bị cháy sém.

“Theo kinh nghiệm của tôi, trước khi bị nổ tung, xe phải bốc cháy và phải gây ra áp suất lớn với bình xăng. Đằng này vừa đề một cái đã nổ ngay, tức là nổ trước, rồi mới cháy sau, chứng tỏ xe đã bị cài thêm một thiết bị có khả năng phát nổ nào đó. Nhiều xe máy cháy rụi cả xe, nhưng không phát nổ như vậy” – anh T. vẫn không khỏi băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Giáo Dục Việt Nam, anh Nguyễn Văn Hùng, một thợ sửa xe trên đường Hoàng Văn Thái (Hà Nội) cũng đồng tình: Nổ xe thường rất hiếm khi xảy ra, và thường do những vụ va chạm mạnh, tạo ma sát lớn bên ngoài bình xăng, gây tia lửa điện, dẫn tới nổ bình xăng.

“Khả năng này cũng rất hi hữu bởi bình xăng thường được thiết kế và đặt ở nơi an toàn và ít khi xảy ra va chạm mạnh dẫn tới nổ xe. Những trường hợp chập điện cũng thường dẫn đến nguyên nhân cháy nhiều hơn là nổ xe” – anh Hùng nói.

Vì vậy, những người thợ sửa xe như anh Hùng hay dân kỹ thuật về xe máy như anh T. đều đang ngóng lòng chờ đợi kết quả giám định của Honda cũng như của các cơ quan chức năng, xem thực hư nguyên nhân của vụ cháy, nổ là do đâu. “Lần đầu tiên, tôi thấy một chiếc Dream cháy, nổ như vậy!’ – Anh Hùng quả quyết.

Làm thế nào để ngăn chặn rủi ro khi sử dụng xe máy?

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cháy nổ khi xe đang vận hành có rất nhiều. Tuy nhiên, việc ngăn chặn rủi ro là việc không quá phức tạp và nằm trong tầm tay của chủ xe. Báo Tiền Phong đưa ra những kinh nghiệm cũng như một số kiến thức tối thiểu cho những người sử dụng xe tránh được các sự cố không đáng có:

+ Để ý tới xe trước khi khởi hành: Hãy kiểm tra kĩ gầm xe và ống xả, nhặt bỏ các vật thể dễ cháy như giấy, rơm rạ khỏi gầm xe trước khi khởi hành. Các dây điện trên xe bị chuột cắn hoặc bị hư hỏng phần nhựa bọc cũng là nguyên nhân gây chập cháy. Hãy bảo dưỡng chiếc xe của bạn thường xuyên để kiểm tra và khắc phục những lỗi dây điện.

+ Không gắn thêm các thiết bị điện trên xe: Thông thường, tất cả điện được điều khiển tập trung và kiểm soát bởi cầu chì. Nếu cháy chập, cầu chì sẽ là bộ phận đảm bảo an toàn. Nhưng nếu do lắp đặt sai nguyên tắc (do nhà sản xuất hoặc do lắp thêm các thiết bị điện, do thợ sửa chữa bảo dưỡng tay nghề kém), dẫn tới đấu tắt, thậm chí tháo bỏ cầu chì, dễ dẫn tới cháy nổ.

+ Cẩn thận khi sử dụng xe: Hãy để ý một chút và vứt tàn thuốc vào nơi quy định. Thường xuyên lau sạch nắp bình xăng và xung quanh để làm sạch xăng khô đọng lại, giảm tối đa nguy cơ bắt lửa tới bình xăng gây cháy.

+ Bảo dưỡng định kỳ: Bảo dưỡng là cách tốt nhất để kiểm soát độ an toàn của chiếc xe. Những hệ thống dễ gây cháy nổ như hệ thống điện, bugi, bộ chế hòa khí, bình xăng... cần được kiểm tra kĩ để tránh dò xăng, hở điện gây cháy nổ.
 

Giáo dục VN

 

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích