Ngân hàng hợp nhất sẽ có vốn điều lệ 10.000 tỉ đồng

Thứ tư, 07/12/2011, 01:33
Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (FicomBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sẽ hợp nhất thành một ngân hàng. Ngân hàng mới này sẽ có vốn điều lệ 10.000 tỉ đồng, tổng tài sản là 150.000 tỉ đồng, và có hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch.

>>> Hợp nhất ba ngân hàng thương mại

Đại diện BIDV ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Ficombank, TinNghiaBank và SCB.


Thông tin này được Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Trần Minh Tuấn cho biết tại cuộc họp báo chiều 6-12, tại TPHCM. Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết hiện tên của ngân hàng mới chưa được quyết định.

Ông Tuấn nói các ngân hàng sẽ gửi đề án hợp nhất và điều lệ ngân hàng mới lên NHNN trước ngày 25-12 và dự kiến ngân hàng hợp nhất sẽ ra mắt ngày 1-1-2012.

Ficombank thành lập ngày 13-5-1993, hiện có vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng.

Vietnam Tin Nghia Bank, tiền thân là Ngân hàng TMCP Tân Việt được thành lập ngày 22-8-1992. Ngày 18-1-2006, Ngân hàng TMCP Tân Việt được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Thái Bình Dương. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2008, một lần nữa vào tháng 1-2009 Ngân hàng TMCP Thái Bình Dương đã được đổi tên thành Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa. Ngân hàng hiện có vốn điều lệ 3.399 tỉ đồng.

SCB được cấp phép hoạt dộng năm 1992, hiện có vốn điều lệ 4.184,7 tỉ đồng.

Lộ trình tái cơ cấu 3 ngân hàng sẽ được thực hiện trong ba năm. Năm đầu tiên, ngân hàng hợp nhất sẽ tập trung vào xử lý nợ xấu, giảm tài sản có theo các hệ số an toàn của NHNN đưa ra. Ông Tuấn cho rằng sau 3 năm, ngân hàng hợp nhất sẽ trở thành ngân hàng khỏe mạnh.

Theo ông Tuấn, thời gian gần đây, 3 ngân hàng trên đã có những thiếu hụt thanh khoản tạm thời do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và cho vay. Có những thời điểm khách hàng rút tiền với khối lượng lớn khiến các ngân hàng trên có những lúc mất thanh khoản tạm thời.

Việc hợp nhất dựa trên đề nghị của 3 ngân hàng và NHNN đã chấp thuận chủ trương cho các ngân hàng trên được tiến hành hợp nhất trên cơ sở tự nguyện và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Đến thời điểm này, các ngân hàng chưa sử dụng đồng vốn nào của Nhà nước mà mới chỉ hoàn toàn vay mượn trên thị trường liên ngân hàng.

Ông Tuấn cam kết: “Việc hợp nhất 3 ngân hàng trên sẽ không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mỗi ngân hàng cũng như của cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại 3 ngân hàng trên luôn được bảo đảm, quyền lợi chính đáng của các ngân hàng thương mại khác trong quan hệ cho vay vốn được quan tâm và giải quyết một cách hợp lý”.

Trả lời câu hỏi của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online tại cuộc họp báo trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên BIDV Trần Bắc Hà nói rằng BIDV đã cấp 2.400 tỉ đồng hỗ trợ thanh khoản cho ba ngân hàng này. Song ông Hà khẳng định đây không phải là việc BIDV thâu tóm ba ngân hàng cổ phần.

“BIDV hỗ trợ thanh khoản và các vấn đề kỹ thuật không có nghĩa tham gia vào kinh doanh cụ thể. BIDV chưa tham gia vào phần vốn của ba ngân hàng này. Các nghĩa vụ nợ, các phí hợp nhất và các chi phí phát sinh hoàn toàn ba ngân hàng phải chịu”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng khẳng định việc hỗ trợ thanh khoản cho ba ngân hàng không ảnh hưởng đến Bảng cân đối tài sản của BIDV trước và sau cổ phần hóa.

Tại cuộc họp giao ban báo chí hàng tuần của Bộ Thông tin và Truyền thông diễn ra sáng 6-12, tại Hà Nội, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng khẳng định việc hợp nhất 3 ngân hàng trên là nhằm đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. "Quyền lợi của các cổ đông sẽ tuân theo pháp luật và các khoản nợ sẽ được xử lý theo quy trình để tránh việc phá sản. Nhà nước sẽ không để ngân hàng nào phá sản", ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết, sắp tới, các bên liên quan sẽ tiến hành đánh giá lại hoạt động của cả 3 ngân hàng Ficombank, TinNghiaBank và SCB, đánh giá các khoản nợ, vốn, tài sản còn lại của các ngân hàng. Sau khi có đánh giá chính thức của kiểm toán, NHNN sẽ xem xét tỷ lệ tham gia vốn Nhà nước trong các ngân hàng này.

Đây là 3 ngân hàng đầu tiên được phép hợp nhất kể từ khi NHNN công bố chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng vào tháng 10-2011. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, từ nay đến hết quí 1-2012, sẽ hoàn tất quá trình đánh giá lại cũng như sắp xếp, phân loại các ngân hàng theo tình trạng sức khỏe, để có biện pháp xử lý phù hợp.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) đã được NHNN giao nhiệm vụ trực tiếp tham gia hỗ trợ về nguồn vốn, nhân lực và tham gia hoạt động quản trị, kinh doanh của ngân hàng được thành lập sau hợp nhất ba NHTM cổ phần trên.

Theo The SaigonTimes

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích