Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt: Cấp chứng nhận xuất xứ lỏng lẻo

Thứ tư, 07/12/2011, 07:44
Hiện tượng gắn mác “made in Vietnam” cho hàng hóa nguồn gốc Trung Quốc để xuất khẩu đi nước khác nhằm tận dụng những ưu đãi thuế quan mà một số thị trường xuất khẩu đang áp dụng cho VN cho thấy khâu cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) hiện khá lỏng lẻo và bị lợi dụng để trục lợi.



Trụ sở Công ty TNHH công nghiệp SPC Tianhua VN (100% vốn Trung Quốc) tại Đồng Nai 
đơn vị vừa bị phát hiện nhập hàng Trung Quốc về sau đó dán mác VN vào

Đối với các thị trường ưu đãi thuế quan, doanh nghiệp xuất hàng bắt buộc phải có C/O mới được hưởng sự ưu đãi đó. Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, dù hàng đã lọt cửa hải quan nhưng khâu C/O làm chặt, doanh nghiệp gian lận vẫn không thể đưa hàng vào nước nhập khẩu, hoặc không được hưởng ưu đãi thuế.

Chỉ kiểm tra trên... giấy

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay thủ tục cấp C/O khá đơn giản. Tại TP.HCM, doanh nghiệp có thể xin cấp C/O tại hai nơi là Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) tại TP.HCM và Phòng Thương mại và công nghiệp VN. Anh Nguyễn Văn Hưng, nhân viên xuất nhập khẩu một doanh nghiệp đồ gỗ ở TP.HCM, cho biết đã chuyên trách nhiệm vụ xin cấp C/O gần một năm nay. Trong suốt thời gian qua, cơ quan cấp C/O chỉ kiểm tra trên giấy tờ mà chưa một lần kiểm tra thực tế ở doanh nghiệp.

Về quy trình làm thủ tục cấp C/O, chị Nguyễn Huệ, nhân viên xuất nhập khẩu một công ty sản xuất thiết bị điện ở TP.HCM, cho biết vừa đi làm C/O cho một lô hàng xuất khẩu. Ngoài đơn xin cấp C/O theo mẫu có sẵn, doanh nghiệp phải trình tờ khai xuất khẩu, bảng kê khai nguyên liệu sử dụng cấu thành sản phẩm, hóa đơn nguyên liệu, bảng định mức sản phẩm, định mức nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất sản phẩm đó...

Chỉ cần bảng kê nguyên liệu khớp với số lượng hàng hóa xuất khẩu, số lượng nguyên liệu thì hồ sơ được coi hợp lệ và doanh nghiệp được cấp C/O để tận hưởng các ưu đãi thuế quan đang được áp dụng ở thị trường xuất khẩu với hàng hóa VN.

Tương tự, theo ông Lê Minh Phúc, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đồng Tâm, sau khi có vận đơn của lô hàng xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ làm hồ sơ gửi đến Phòng Thương mại và công nghiệp VN hoặc Phòng Quản lý xuất nhập khẩu để được cấp C/O cho lô hàng xuất khẩu. Dựa vào bảng kê nguyên liệu mà cơ quan chức năng có đồng ý cấp C/O cho doanh nghiệp hay không.

Ông Phúc cũng cho biết trong một số trường hợp đặc biệt như xuất khẩu sang Úc, sử dụng C/O form AANZ, cơ quan cấp C/O còn yêu cầu doanh nghiệp kèm theo quy trình sản xuất của nhà máy trong hồ sơ xin cấp C/O. Việc kiểm tra hồ sơ cấp C/O đều dựa trên bảng kê của doanh nghiệp và các biểu mẫu có sẵn.

Dễ dàng gian lận

Ông Võ Quốc Thắng, phó chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN (VIBCA), cho biết không phải hiện mới có tình trạng gạch nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ) vào VN. Phổ biến nhất là hình thức gạch nhập từ TQ dưới dạng bán thành phẩm (chưa đóng gói bao bì, chưa mài bóng...) được khai báo dưới tên gọi “nguyên liệu sản xuất”.

Khi vào VN, gạch này sẽ được mài sơ thêm và đóng gói bao bì đàng hoàng, sau đó xin cấp C/O tại VN để xuất tiếp đi nước khác. Ông Thắng cho rằng nếu nhìn vào quy trình để cấp C/O như hiện nay, việc giám sát và quản lý số lượng C/O đã cấp ra từ cơ quan chức năng có vẻ như chưa được chặt chẽ. Theo các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu, với quy trình kiểm tra và cấp C/O dựa theo khai báo của doanh nghiệp, hiện tượng gian lận dễ dàng xảy ra.

Ông Trần Quốc Mạnh, phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho rằng sơ hở để các thương nhân làm ăn gian dối có thể lợi dụng để biến hàng TQ thành hàng xuất xứ VN rồi xuất khẩu hưởng ưu đãi là ở khâu cấp C/O. Khâu này lỏng lẻo mới để “lọt lưới” cho các lô hàng gian lận.
 

Theo Tuoitre

 

 

Các tin cũ hơn