Tòa nhà cao nhất Việt Nam liên tục gặp sự cố

Thứ năm, 08/12/2011, 07:40
Không chỉ nổi tiếng về số người chết khi thi công và mắc hàng loạt sai phạm, tòa nhà Keangnam Landmark Tower (Phạm Hùng- Hà Nội) còn đình đám vì chuyện thu phí dịch vụ khủng.

Dự án Keangnam Landmark Tower gồm 3 tòa tháp được khởi công đầu năm 2007 với tổng vốn đầu tư hơn một tỷ USD được coi là là tòa nhà hiện đại bậc nhất Việt Nam. Công trình gồm hai tháp căn hộ 48 tầng và tòa tháp thương mại 70 tầng, lắp đặt thiết bị sân bay trực thăng trên mái. Tòa tháp này đứng thứ 17 trên thế giới về chiều cao và đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích. Tuy nhiên, ngay từ khi xây dựng đến lúc đưa vào sử dụng, tòa nhà cao nhất Việt Nam liên tục gặp rắc rối.

Sau khoảng một năm khởi công, dự án gây xôn xao dư luận về chuyện chưa thấy bóng dáng công trình, nhưng chủ đầu tư đã bán khoảng 40% số căn hộ. Thậm chí trên một số trang rao vặt còn đăng tải các thông tin rao bán căn hộ từ tầng 20 đến tầng 40 với giá gốc từ 2.500 đôla đến 3.000 đôla mỗi m2, chưa bao gồm tiền chênh lệch. Sự việc nghiêm trọng đến mức Chính phủ phải yêu cầu UBND thành phố Hà Nội vào cuộc kiểm tra để báo cáo Thủ tướng.


Sau vụ lình xình về việc bán nhà trên giấy, Keangnam lại dính vào việc thách cược100 tỷ đồng, chủ đầu tư cam kết sẽ hoàn thành tiến độ đúng vào dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Do việc chạy đua tiến độ, tòa nhà cao nhất Việt Nam liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn khiến ít nhất 6 người thiệt mạng. Cùng với đó là hàng loạt các vụ hỏa hoạn xảy ra tại công trình được coi là hiện đại bậc nhất. Với hàng loạt sai phạm, 15 nhà thầu cả chính lẫn phụ tại công trình tòa nhà cao nhất Việt Nam đã bị xử phạt 235 triệu đồng và hơn chục thiết bị chưa có phiếu kiểm định cũng bị dừng hoạt động.
 

Cùng với hàng chục phiền toái xảy ra, năm 2011- một năm không ít sóng gió đối tòa nhà cao nhất Việt Nam- khi chính chủ đầu tư có nguy cơ bị cư dân khởi kiện do mâu thuẫn về phí dịch vụ. Trong suốt 6 tháng, qua nhiều lần họp bàn, thậm chí đến mức cư dân giăng biểu ngữ, dán tờ rơi, biểu tình phản đối mức phí dịch vụ thì chủ đầu tư mới hạ từ 0,99 USD, xấp xỉ 21.000 đồng mỗi m2 xuống còn 17.130 đồng mỗi m2 (chưa bao gồm VAT) vào hồi tháng 7. Tuy nhiên, mức phí này vẫn chưa được cư dân chấp thuận.
 

Không tìm được tiếng nói chung, chủ đầu tư Keangnam đã đơn phương hạn chế quyền sử dụng thang máy 370 hộ dân chưa đóng phí. Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi cư dân tràn vào văn phòng của Công ty TNHH Chestnut Vina, đơn vị quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam yêu cầu cấp lại thẻ thang máy và điện. Câu chuyện trở nên bi hài khi những cư dân bỏ hàng chục tỷ đồng sống trong căn hộ cao nhất Việt Nam lại không thể vào nhà bằng thang máy, thậm chí người dân đã phải "dựng lều" chuẩn bị thức ăn, nước uống, đốt than tổ ong để "sống trọ" ngay trước sảnh chung cư.
 

Lý do dẫn đến tranh cãi là bất đồng về mức phí nhưng nguyên nhân sâu xa là tranh chấp về diện tích chung riêng. Đại diện cư dân cho rằng, thang máy thuộc diện tích chung là quyền sở hữu của cư dân, việc tự ý cắt dịch vụ thang máy của tòa nhà là hành vi xâm phạm đến tài sản chung,vi phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng. Chủ đầu tư chỉ được phép thu phí dịch vụ ở mức trần 4.000 đồng mỗi m2 một tháng theo đúng quyết định 4520 của UBND thành phố.

 

Công an phải vào cuộc để giải hòa hai bên. Ảnh Hoàng Lan

Trong khi đó, chủ đầu tư cho rằng, thang máy là tài sản riêng, thuộc sở hữu của chủ đầu tư. Ông Ha Jong Suk, chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina cho rằng, hợp đồng mua bán quy định: “Phí quản lý tạm tính trả bởi người mua sẽ là giá trần ban hành bởi UBND thành phố Hà Nội hoặc, nếu giá trần dịch vụ này không được ban hành bởi UBND thành phố Hà Nội thì sẽ được quyết định bởi người bán”.
 

Keangnam Vina cho rằng, mãi tới ngày 29/9, UBND thành phố Hà Nội mới ban hành quyết định 4520 về giá trần dịch vụ nhà chung cư. Do đó, doanh nghiệp đã quyết định phí dịch vụ trước ngày ban hành quyết định 4520 nên chủ đầu tư sẽ áp dụng “theo thỏa thuận giữa các bên” như quy định trong hợp đồng mua bán.
 

Ngoài ra, phía chủ đầu tư khẳng định, nếu so sánh giá dịch vụ giữa quyết định 4520 và giá do Chesnut cung cấp thì, phía ban quản lý đã đã cung cấp nhiều dịch vụ hơn các dịch vụ quy định trong quyết định 4520, nên giá dịch vụ tại Keangnam phải cao hơn. "Nếu ban đại diện lâm thời không đồng ý với các mức phí dịch vụ, chúng tôi sẽ yêu cầu Chestnut cắt các dịch vụ không nêu trong quyết định 4520 và thu phí sử dụng các tiện ích công cộng thuộc sở hữu của chủ đầu tư", ông Ha nhấn mạnh.
 

Chỉ đến khi công an xã, huyện, cảnh sát 113 can thiệp, chủ đầu tư mới chịu nhún, cam kết không chặn thang máy của cư dân. Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về phí dịch vụ. Hôm 6/12, cư dân đã chính thức có đơn tố cáo chủ đầu tư lên UBND thành phố Hà Nội. Cư dân khẳng định sẵn sàng nộp phí cho Công ty Keang Nam với mức phí 4.000 đồng/m2/tháng như quy định. Trường hợp Công ty Keang Nam muốn cung cấp các dịch vụ gia tăng ngoài phạm vi dịch vụ nói trên, Công ty Keang có trách nhiệm phải thỏa thuận với từng hộ dân tại chung cư. Sự việc chưa đi đến hồi kết song phía cư dân cho biết, nếu không tìm được tiếng nói chung, họ sẽ khởi kiện chủ đầu tư.
 

Trao đổi với VnExpress.net về sự nổi tiếng và tai tiếng xung quanh tòa nhà cao nhất Việt Nam, ông Ha Jong Suk, Chủ tịch công ty TNHH một thành viên Keangnam Vina chia sẻ, trong kinh nghiệm lịch sử xây dựng của ông thì đối với với quy mô dự án như thế, con số tử vong 6 người là không nhiều. Bởi thực tế, đối với các công trình xây dựng lớn của Hàn Quốc, số người thiệt vọng có thể lên tới trên 10. "Không phải chúng tôi không coi trọng mạng người, mà chỉ đơn thuần muốn nói đối với các công trình xây dựng thì chuyện tại nạn là khó tránh khỏi. Chúng tôi là doanh nghiệp nước ngoài, không quen hoạt động truyền thông nên có thể số liệu không chính thức và bị thổi phồng lên mà thôi", ông Ha nói.


Theo VnEpress

Các tin cũ hơn