Những chiêu thức giữ chân khách hàng của CTCK

Thứ năm, 08/12/2011, 15:30
Trong bối cảnh thị trường hiện nay, nhiều CTCK không “dám” đặt mục tiêu thu hút thêm khách hàng mới mà chỉ “khiêm tốn” ở mức giữ chân khách hàng cũ.
 
Theo khảo sát của ĐTCK tại một số CTCK, ngoài các phương thức “cổ điển”, như giảm phí giao dịch, tặng số dư ban đầu…, các CTCK đang chú trọng đến việc phát triển, nâng cấp các dịch vụ cơ bản để hỗ trợ khách hàng.

Ông Nguyễn Thọ Phùng, Phó tổng giám đốc CTCK Ngân hàng Công thương (VietinbankSC) cho biết, để hỗ trợ khách hàng, Công ty đang triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng mới qua Internet, bao gồm: chuyển tiền trực tuyến, ứng trước trực tuyến, bán lô lẻ trực tuyến và thực hiện quyền trực tuyến.

Theo ông Phùng, thời gian qua, CTS không chú trọng vào việc “tung” các sản phẩm dịch vụ hấp dẫn NĐT “lướt sóng” như cho vay chứng khoán, mà tập trung vào các nghiệp vụ chính của Công ty. “Một thuận lợi lớn đối với CTS là có Ngân hàng Vietinbank “đứng sau” hỗ trợ, nên về mặt tài chính, NĐT cũng thấy an tâm hơn”, ông Phùng nói.

Đại diện CTCK SHS cho biết, thời điểm này cũng là cơ hội để Công ty củng cố lại quy trình giao dịch, tăng chất lượng nhân sự để phục vụ tốt hơn cho khách hàng, giữ chân NĐT lâu dài. Ngoài ra, Công ty đang tập trung nâng cấp chất lượng tư vấn thông qua việc hàng ngày sẽ tổ chức họp trực tuyến từ trụ sở chính với tất cả các chi nhánh để đánh giá tổng quan về thị trường, từ đo, chia sẻ thông tin cho khách hàng.

Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc CTCK An Phát (APG) cho biết, lúc này, khuyến mãi giảm phí giao dịch không phải là điều có ý nghĩa với NĐT. Ông Hà cho rằng, lãnh đạo các CTCK cần tăng cường đối thoại trực tiếp với NĐT để họ phần nào an  tâm, hiểu được tình hình tài chính của công ty, nơi mà họ gửi “tài sản”.

Trên thực tế, để giữ chân và “kéo” NĐT đến với mình, các CTCK liên tục “chạy đua” ra mắt sản phẩm ứng dụng giao dịch chứng khoán trên điện thoại cho NĐT. Ngoài việc các CTCK phát triển các ứng dụng giao dịch chứng khoán trên điện thoại cho NĐT, nhiều doanh nghiệp phần mềm cũng phát triển và tung ra thị trường các sản phẩm dành cho NĐT sử dụng điện thoại di động để giao dịch.



Một số CTCK đang đánh mất khách hàng là NĐT do thanh khoản có vấn đề


Bên cạnh các chiêu thức hỗ trợ khách hàng, một “cuộc đua” nâng cấp công nghệ phục vụ hoạt động đầu tư chứng khoán đang được các CTCK thực hiện để đảm bảo thích ứng linh hoạt trước sự thay đổi của thị trường, đặc biệt là nhóm CTCK có thế mạnh về công nghệ như GBVS, FPT… Theo lãnh đạo các CTCK này, NĐT hiện nay đang chuộng các sản phẩm ứng dụng trên máy điện thoại vì sự tiện lợi của chúng.

Cũng không ngoài mục đích hỗ trợ và giữ chân khách hàng, bà Lê Thị Thanh Bình, Tổng giám đốc CTCK Đông Nam Á (SeASecurities) cho biết, giai đoạn này, Công ty đang chú trọng đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ. Tại SeASecurities, Công ty đang áp dụng mức phí ưu đãi 0,15% tổng giá trị giao dịch cho các khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ giao dịch trực tuyến STrade đến hết ngày 31/12/2011.

Kết nối thông tin thường xuyên với khách hàng cũng là cách mà nhiều CTCK như CTCK Thăng Long, CTCK Bảo Việt, CTCK FPT, CTCK SHS… áp dụng. Các công ty này đều thường xuyên gửi thông tin phân tích về thị trường để NĐT nắm rõ hơn. Một số khác thì thường tổ chức các buổi hội thảo để NĐT có cái nhìn xác thực hơn về thị trường…

Dù thị trường có diễn biến ra sao, việc chăm sóc khách hàng không bao giờ thừa. Thời điểm này cũng là cơ hội để các CTCK củng cố lại quy trình giao dịch, tăng chất lượng nhân sự để ngày càng phục vụ tốt hơn cho khách hàng, giữ chân họ ở lại lâu dài.       


Theo ĐTCK

Các tin cũ hơn