Vỡ quan hệ vì... sốt đất

Thứ năm, 08/12/2011, 15:59
 Cty TNHH MTV caosu Kon Tum (caosu Kon Tum) đã giao khoán hàng ngàn hécta vườn cây caosu cho người dân. Tuy nhiên bởi cơn sốt đất diễn ra, người nhận khoán ùn ùn đòi đất, rồi chuyển nhượng đất khoán dù sổ đỏ là của... Cty caosu Kon Tum.

Tại cơn sốt đất...

Sau khi chi trả tiền hỗ trợ bồi thường cho người dân để thuê đất Nhà nước trồng caosu, từ năm 1996 Cty caosu Kon Tum đã giao khoán cho người dân theo phương thức Cty đầu tư 100% vốn trồng, chăm sóc trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Người nhận khoán được nhận khoán ổn định, lâu dài, thu nhập tỉ lệ ăn chia theo giá bán mủ caosu nguyên liệu, giá lên thì được hưởng cao, giá xuống thì được hưởng thấp.


 

Một góc rừng cao su Kom Tum.Ảnh Ng.Trung

Nhưng quan hệ “cơm lành canh ngọt” giữa Cty và người nhận khoán dù kéo dài cả chục năm trời, nhưng vẫn không thể “bền” nổi khi cơn sốt đất bùng lên chỉ vài năm trở lại đây. Hàng loạt hộ nhận khoán đòi lại đất dù trước đây đã được nhận tiền hỗ trợ, đền bù và diện tích đất Cty đang áp dụng phương án khoán đều đã được cấp sổ đỏ. Đó là chưa nói, người dân ồ ạt mua bán chuyển nhượng diện tích nhận khoán ở nhiều nông trường! 


Theo báo cáo, trong hơn 10.000ha đất và vườn caosu của Cty thì có hơn 8.000ha bị đòi chia quyền lợi như vậy. Trong đó có hơn 4.000ha Cty đã giao khoán cho người dân.


Cùng với cơn sốt đất làm vỡ mối quan hệ, nhiều hộ nhận khoán còn ra điều kiện ăn chia tỉ lệ 50/50 dù trước ký kết 39%. Mặt khác, do diện tích giao, nhận khoán, liên kết bình quân thấp (trên dưới 1ha/hộ) do đó, khi giá mủ caosu trên thị trường thấp, thu nhập ít khiến các hộ này thờ ơ với vườn cây, chấp hành thời gian cạo kém, thường bỏ cạo. Năm 2010 có tới 1.253/3248 hộ không đạt sản lượng giao theo hợp đồng khoán và hợp đồng liên kết. Cá biệt ở Nông trường Sa Son, 100% hộ không đạt sản lượng.


Ngược lại, khi giá mủ caosu trên thị trường tự do tăng cao, một số hộ đã tự ý cạo mủ không theo kế hoạch, cạo vào ban đêm để lấy mủ bán ra ngoài, gây thất thoát lớn và ảnh hưởng đến sức khỏe của cây. 


Chia lại quyền lợi

Trước tình hình này, lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Tập đoàn Công nghiệp caosu Việt Nam cùng các ban chuyên môn, Cty tư vấn luật VFAM Việt Nam và Văn phòng luật sư Đức Dũng Kon Tum... cùng ngồi lại và mới đây đã quyết định công bố phương án khoán, liên kết. 


Theo đó từ nay, tỉ lệ phân chia lợi nhuận với người nhận khoán là 45,33%, tăng gần 11% so với mức khoán cũ. Với hộ liên kết trồng caosu, ngoài hưởng tỉ lệ lợi nhuận như trên, còn được cộng thêm một phần giá trị quyền sử dụng đất theo từng địa bàn (đơn cử như ở TP.Kon Tum là 47,93%; huyện Sa Thầy, Đắk Glei: 44,50%) tăng thêm đến 4,45% tùy từng địa bàn. Các hộ nhận liên kết còn được hưởng giá trị gỗ củi theo tỉ lệ phần trăm, trong khi trước đây toàn là của... Nhà nước. 


Tỉnh Kon Tum và Cty caosu Kon Tum đang rất kỳ vọng, đây là giải pháp quan trọng để giải tỏa bức bối đang diễn ra nơi đây. Bởi trước đó, phương án ăn chia lợi nhuận nêu trên, đã được khảo sát lấy ý kiến các hộ trồng caosu của cơ quan đoàn thể tỉnh Kon Tum.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn