Sẽ xuất hiện mô hình ngân hàng hoàn toàn mới

Thứ năm, 08/12/2011, 15:44
 Thị trường sẽ xuất hiện mô hình ngân hàng hoàn toàn mới, với quy mô mới, chiến lược phát triển mới và đặc biệt là một hình ảnh mới mẻ, sáng sủa sau việc hợp nhất để tái cấu trúc ngân hàng. 

 


Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành nhấn mạnh góc độ tích cực này khi đề cập tới việc Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.

 
Trong báo cáo tại hội nghị của Nhóm tư vấn các nhà tài trợ dành cho Việt Nam (CG) năm 2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, NHNN sẽ nỗ lực hết sức mình, đảm bảo trong quá trình tái cơ cấu không để xảy ra đổ vỡ ngân hàng, rối loạn tài chính và mất an toàn hoạt động ngân hàng, nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời hạn chế tới mức thấp nhất tổn thất, chi phí xử lý những vấn đề của hệ thống các tổ chức tín dụng”.
 
 
Thống đốc Nguyễn Văn Bình một lần nữa nhấn mạnh đến mục tiêu trong 5 năm sắp tới là Việt Nam phấn đấu có hai ngân hàng đủ sức cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực, có từ 10 đến 15 ngân hàng đủ lớn để làm trụ cột cho cả hệ thống ngân hàng Việt Nam.
 
 
Hệ thống các tổ chức tín dụng cũng sẽ có những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, các tổ chức tín dụng phi ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh và hoạt động trong phân khúc thị trường nhất định.
 
 
Theo ông, việc tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng là một nội dung rất lớn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai thực hiện đồng bộ trong tất cả các ngành, lĩnh vực trong nhiều năm.
 
 
Ngân hàng Nhà nước dự kiến từ nay đến năm 2013 sẽ thực hiện phân nhóm các tổ chức tín dụng, hỗ trợ thanh khoản đối với các tổ chức tín dụng gặp khó khăn, xây dựng phương án tái cấu trúc và thực hiện tái cấu trúc toàn diện các ngân hàng hoạt động chưa tốt để sau đó tiến hành hoàn thiện tái cấu trúc toàn bộ hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng vào năm 2015.
 
Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng, việc NHNN khuyến khích sáp nhập, kết hợp giữa các ngân hàng nhỏ, ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn hay giữa các ngân hàng lớn là để kiện toàn hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng có đủ sức mạnh, đủ tầm ở thị trường trong nước và vươn ra quốc tế. Hiện nay các ngân hàng như VietinBank, BIDV, VietcomBank, AgriBank so với tầm cỡ quốc tế thì vẫn còn bé, vốn tự có cũng không đáng bao nhiêu, không thể có các hoạt động lớn về tín dụng…

 
Một cây làm chẳng nên non thì 5-7 cây chụm lại có thể làm được một điều gì đó.
 
 
Mục tiêu của NHNN là làm sạch sẽ hoạt động ngân hàng, ngân hàng nhỏ có thể vẫn phát triển tốt, và chưa chắc đã yếu kém. Ngân hàng nhỏ,  nếu quản lý chặt chẽ, cũng có khả năng hoạt động tốt…
 
 
Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành nêu rõ, thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay cũng là một cơ hội cho NHNN giải quyết các yếu kém trong hệ thống ngân hàng. 

 
Lãi suất tái cấp vốn, liên ngân hàng tăng sẽ khiến các ngân hàng nhỏ khó khăn hơn và không còn dựa dẫm, nhờ vả NHNN (vào nguồn từ tái cấp vốn) hay trên thị trường liên ngân hàng được nữa. NHNN muốn họ tự đứng trên hai chân của mình, tự huy động vốn. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém, không thể tồn tại phải có động thái phù hợp và cơ quan quản lý sẽ giúp đỡ để họ gặp nhau.

 
Làm sao phải làm sạch hệ thống ngân hàng. Sự yếu kém không chỉ có ở các ngân hàng nhỏ mà ngay cả các ngân hàng lớn cũng không loại trừ. 5-6 ngân hàng lớn, hay 30-40 ngân hàng sáp nhập với nhau để giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh. 

 
Theo Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành, điều quan trọng là kết quả thương thảo phải được thể hiện trong từng vấn đề cụ thể, như trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận; các dịch vụ của ngân hàng mới gia tăng được bao nhiêu? Chi phí quản trị nhân lực, bộ máy giảm được bao nhiêu? Thế mạnh thực sự của ngân hàng mới là gì? Làm rõ được những yếu tố đó thì quyền lợi của người gửi tiền không những được đảm bảo mà còn có cơ hội được đáp ứng tốt hơn.

 
Chuyên gia kinh tế cao cấp Bùi Kiến Thành cho rằng với việc hợp nhất để tái cấu trúc, NHNN sẽ tạo ra một hệ thống ngân hàng làm việc có hiệu quả và kỷ luật trong đó có việc hạn chế giấy phép lập ngân hàng. Các ngân hàng ở ta mọc lên như nấm và hoạt động "vượt rào", trong khi ở các nước khác như Mỹ các ngân hàng được quản lý rất chặt chẽ, nếu làm sai là xử lý nghiêm khắc. Không có chuyện ngân hàng là “sân sau” của một số người lợi dụng giấy phép ngân hàng để huy động vốn cho các dự án cá nhân. Khi cố tình đi chệch khỏi các tiêu chí là đóng cửa anh ngay. Mổi năm có đến hàng trăm ngần hàng bị xóa sổ. Họ rất nghiêm túc chứ không giơ cao đánh khẽ.
 
Theo Tamnhin

Các tin cũ hơn