Ngày 8/12, một nhà ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc về những quy định tài chính chặt chẽ hơn nhằm chống lại cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo AFP và Reuters, ngày 8/12, một nhà ngoại giao cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận trên nguyên tắc về những quy định tài chính chặt chẽ hơn nhằm chống lại cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, song vẫn cần soạn ra nội dung chi tiết của văn kiện này.
Theo quan chức trên, tại hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo khối đã nhất trí về cái gọi là một "thỏa thuận tài khóa," nêu rõ các quy định về ngân sách của EU, nhưng "vẫn chưa thảo luận về hình thức pháp lý" của thỏa thuận.
Trước đó, theo dự thảo tuyên bố từ hội nghị thượng đỉnh EU mà Reuters có được ngày 8/12, các nhà lãnh đạo EU cam kết đạt được một "thỏa thuận tài khóa" mới cho khu vực sử dụng đồng euro (eurozone), bao gồm hệ thống các quy định về thâm hụt ngân sách và thủ tục bảo hiểm nợ chặt chẽ hơn.
Dự thảo cũng cho thấy eurozone có kế hoạch sớm áp dụng Cơ chế Ổn định Châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của khu vực này có quy mô 500 tỷ euro, vào tháng 7/2012, và cấp cho cơ chế này một giấy phép hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Biện pháp này sẽ cho phép ESM tiếp cận thanh khoản của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, nâng cao khả năng của cơ chế này đối phó với cuộc khủng hoảng nợ của eurozone. Dự thảo cũng khẳng định ESM cần có khả năng trực tiếp tái vốn hóa các ngân hàng.
Dự thảo nêu rõ: "Hội đồng châu Âu quyết tâm duy trì tính toàn vẹn của EU và sự gắn kết giữa eurozone và EU. Với mục tiêu tối quan trọng này cùng sự quyết tâm toàn diện nhằm cùng nhau vượt qua những khó khăn hiện tại, chúng tôi hôm nay nhất trí về một 'thỏa thuận tài khóa mới và về việc phối hợp chặt chẽ hơn các chính sách kinh tế trong những lĩnh vực cùng quan tâm. Trên nguyên tắc, các ngân sách chung của chính phủ phải được cân bằng. Các quốc gia thành viên chỉ có thể để xảy ra thâm hụt trong trường hợp tính đến tác động của ngân sách đối với chu kỳ kinh tế hay trong những tình huống kinh tế bất thường."
Văn bản khẳng định giới hạn thâm hụt cấu trúc sẽ là 0,5% GDP. Quỹ cứu trợ hiện hành EFSF sẽ tiếp tục hoạt động đến giữa năm 2013.
Tuy nhiên, trong diễn biến liên quan, một nguồn tin cấp cao của Đức cho biết nước này cùng ngày bác bỏ một số biện pháp trong dự thảo tuyên bố nói trên, trong đó có việc cấp cho ESM một giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và lưu hành nợ chung của eurozone.