Vé máy bay tăng giá mạnh: Hàng không vẫn lỗ

Thứ sáu, 09/12/2011, 08:36
Dù đã được đồng ý tăng giá vé nhưng các hãng hàng không vẫn kêu lỗ và muốn bỏ trần khống chế để thoải mái điều chỉnh giá.

Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN (Bộ GTVT) cho biết: "Điều chỉnh khung giá trần vé máy bay lần này có sự thay đổi cả cơ chế quyết định trần giá. Giá trần được tính trên trên cơ sở giá thành, chi phí cộng biến động tỉ giá ngoại tệ".

Chiều 8/12, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã tổ chức thông tin báo chí về điều chỉnh mức trần khung giá vé máy bay nội địa. Lần điều chỉnh này có sự thay đổi cả về cơ chế trong phương thức quyết định trần giá và được áp dụng tăng theo lộ trình phù hợp.

Bộ Tài chính vừa ra quyết định về việc điều chỉnh mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền. Theo đó, mức tối đa khung giá cước vận chuyển là 5.000 đồng/hành khách/km. Từ năm 2012, mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền có cự ly từ 500km trở lên sẽ là 3.000 đồng/hành khách (chưa bao gồm thuế VAT).

Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN, khẳng định: Lần điều chỉnh khung giá trần này có sự thay đổi cả cơ chế quyết định trần giá. Giá trần được tính trên trên cơ sở giá thành, chi phí (gồm giá xăng dầu, thuê máy bay, phi công, bảo dưỡng tàu bay... ) cộng biến động tỉ giá ngoại tệ.

Cơ sở tính giá trần dựa trên mức giá vé đang áp dụng hiện nay của Vietnam Airlines (VNA).

Dẫn lại câu chuyện các hãng hàng không đề nghị nhiều lần về việc nên bỏ giá trần, ông Thanh cho biết, thực tế kinh doanh cho thấy quy định trần giá đang gây khó khăn cho các hãng.

"Cá nhân tôi đề nghị phải bỏ trần giá, trong điều kiện chưa bỏ được, phải có cơ chế linh hoạt cho các hãng, tránh thua lỗ kéo dài.

Nếu để các hãng thỏa mãn phải tăng tối đa 5.000 đồng/km/vé theo trần giá tối đa quy định của Bộ Tài chính. Với khung mới, đường bay từ 500km trở lên vẫn âm, chỉ đường bay 300 - 500km mới dương 16%", ông Thanh cho biết.

Theo tính toán của Cục Hàng không ở đường bay thông dụng 1.000 - 1.280km mức giá thành cần đạt được là 2.047.000 đồng/hành khách/lượt, tuy nhiên mức thu bình quân chỉ đạt 1.830.000 đồng/hành khách/lượt nên hãng vẫn bị lỗ 217.000 đồng/vé. Các chặng khác cũng có các mức lỗ khác nhau.

"Vì vậy mức giá trần cần dựa trên giá thành và yếu tố trượt giá, mức trần cao để hãng có thể đưa ra nhiều dải giá khách nhau... ", ông Thanh nói.

Theo ông Lưu Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục Hàng không VN, cơ sở tính mức giá trần dựa trên giá thành, chi phí của các hãng hàng không. Một số yếu tố đầu vào của ngành hàng không như xăng dầu, thuê máy bay, bảo dưỡng máy bay, thuê phi công,... đều tính bằng ngoại tệ. Thời gian qua có sự biến động mạnh về ngoại tệ nên phải điều chỉnh.

Ông Bình cho biết, để đưa ra phương án điều chỉnh lần này, các cơ quan chức năng phải mất gần 6 tháng tính toán, cân nhắc theo hướng vận hành giá dịch vụ hàng không theo cơ chế không bao cấp nhưng cũng tính đến sức chịu đựng của người tiêu dùng, biến động của chỉ số giá cả.

Tăng theo lộ trình để... tránh gây sốc

Cục Hàng không VN yêu cầu các hãng hàng không cần công khai mức trần giá cước vận chuyển hành khách nội địa hạng phổ thông (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) theo 5 nhóm cự ly vận chuyển. Cụ thể, đối với cự ly dưới 500km, mức giá trần tối đa là 1.700.000 đ/vé/chiều; từ 500km - dưới 850km, 2.250.000 đồng/vé/chiều; 850km đến dưới 1.000km, 2.890.000 đồng/vé/chiều; 1.000km đến dưới 1.280km, 3.400.000 đồng/vé/chiều và 1.280 km trở lên là 4.000.000 đồng/vé/chặng.

Tuy nhiên, việc tăng mức trần cần được thực hiện theo lộ trình để tránh gây "sốc" cho thị trường. Chính vì vậy, Cục Hàng không VN yêu cầu các hãng hàng không kê khai giá lần đầu theo từng chặng tương ứng không vượt quá các mức sau: 1.700.000 đồng/vé/ chiều; 1.940.000 đồng/vé/chiều; 2.580.000 đồng/vé/chiều; 2.720.000 đồng/vé/chiều; 3.430.000 đồng/vé/chiều.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, việc điều chỉnh khung giá trần vào thời điểm này sẽ có tác động nhất định đến xã hội, vì vậy các cơ quan chức năng và các hãng hàng không đều đã tính đến yếu tố người tiêu dùng, chỉ số giá cả.

Thực tế, nếu áp dụng ngay mức giá 5.000 đồng/hành khách/km mới hoàn toàn theo cơ chế thị trường, đảm bảo cho các hãng hàng không có lãi ngay. Nếu làm vậy có thể gây "sốc" cho thị trường vì vậy cần áp dụng có lộ trình, năm 2012 chỉ tính ở mức 3.000 đồng/hành khách/km.

Ông Thanh cho rằng, việc tăng khung trần giá vé nội địa lần này cũng chưa đáp ứng được kỳ vọng của các hãng hàng không.

Theo đề  nghị của VNA và Jetstar Pacific, mức giá trần cần được tăng thêm 1,5 lần, còn Air Mekong đề nghị tăng gấp 2 lần. Theo ông Thanh, với mức trần như hiện nay các hãng vẫn bị lỗ với đường bay từ 500km trở lên.

Đồng tình với quan điểm này, ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc VNA cho hay mức giá trần hiện nay vẫn chưa đủ để VNA bù lỗ nhưng hãng vẫn chịu đựng được. Việc tăng giá tại thời điểm này cũng đã được tính toán kỹ để tiếp cận theo phương án ít ảnh hưởng nhất đến người dân.

"VNA cũng chỉ tăng 15% đối với các chặng đông khách và áp dụng nhiều mức giá khác nhau trên cùng một chặng để khách hàng lựa chọn", ông Minh nói.

Hiện mới chỉ có VNA báo cáo về việc sẽ tăng khung giá trần vé máy bay nội địa từ 15/12/2011.
 

Theo VEF

 

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích