Thị trường bia Tết bắt đầu rục rịch tăng giá |
Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng giá bia đã bắt đầu nóng.
Nhà máy cam kết không tăng giá
Tại cuộc họp với Sở Công Thương TP.HCM mới đây, Tổng Công ty Cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho biết mùa tết năm nay doanh nghiệp không tăng giá, đảm bảo sản lượng để người tiêu dùng (NTD) không phải mua với giá quá cao. Năm nay Sabeco đưa ra thị trường 1,2 tỉ lít bia, tăng khoảng 20% so với năm ngoái (1 tỉ lít).
Theo Sabeco, thời gian qua bia lon 333 đã tăng giá khoảng 5%. Vì vậy, nhà máy cam kết sẽ không tăng giá nữa. Để đảm bảo nguồn hàng thì nhà máy yêu cầu các nhà phân phối phải đảm bảo nguồn dự trữ.
Trong khi đó, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (đơn vị sản xuất bia Heineken, LaRue, Tiger…) cho biết nguồn hàng năm nay cung ra thị trường rất dồi dào, khoảng 600 triệu lít. Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào đều phải nhập từ châu Âu tăng cao nên giá bia sẽ phải tăng.
Theo thông tin từ một số nhà phân phối, Nhà máy Bia Việt Nam đã tăng giá bia lon từ tháng 11 nên không có chủ trương tăng thêm trong mùa tết.
NTD thích mua “vỏ áo” xuân của bia đã vô tình làm cơ hội cho đầu nậu tăng giá.
Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên tại các đại lý bia trên đường Nguyễn Thông, chợ Bình Tây và các cửa hàng bán lẻ ở TP.HCM giá của các loại bia như Heineken, 333, Tiger khi đến tay NTD đã tăng cao. Đặc biệt, bia Heineken đã tăng thêm 16.000 đồng/thùng từ đầu tháng 11. Một đại lý cho biết thời điểm này loại Heineken xuân (trên thùng có in biểu tượng xuân như pháo hoa) sắp hết hàng. Vì vậy đại lý này cho biết sắp tới giá sẽ tăng nhưng không biết là bao nhiêu.
Một nhà phân phối cấp một của Heineken tại quận 1 cho biết giá một thùng Heineken bán ra là 355.000 đồng/thùng.
Tuy nhiên, anh Phong - chủ một cửa hàng bán lẻ cho biết anh đã đi gom Heineken từ tháng 11 với giá 363.000 đồng/thùng. Chi phí bốc xếp cộng với các khoản phí khác thì bán ra với giá khoảng 365.000-370.000 đồng/thùng mới có lời.
Thị trường tự làm giá
Theo các nhà phân phối, nhà máy sản xuất bia cho mùa tết có giới hạn và thường vào cuối tháng 12 là ngưng và chuyển sang làm hàng thường. Nắm được quy luật này, cũng như hiểu được tâm lý NTD muốn mua hàng tết để biếu tặng nên một số đại lý đã gom hàng từ rất sớm. Khi nguồn cung đã hết thì lúc đó họ mới đẩy hàng ra thị trường và đưa giá lên cao. Chị Oanh - một nhà phân phối cho rằng cũng không thể gọi những người ôm hàng là đầu cơ được, vì đầu cơ thì cần phải có vốn lớn hơn những nhà phân phối. Trong khi các hãng bia thì không muốn ai độc quyền và xem các nhà phân phối đều ngang nhau. Vì vậy một số người đã nhảy vào kinh doanh, gom bia trong thời gian ngắn mà không bị quản lý. Trong khi đó cơ quan chức năng chỉ kiểm soát những nhà phân phối làm ăn lâu dài. Đó cũng là yếu tố khiến cho thị trường giá cứ đến cuối năm lại nhảy múa.
“NTD có thói quen để cận tết mới mua bia biếu các đối tác hoặc người thân, khách hàng kén chọn và muốn phải mua cho được hàng xuân mà thị trường lúc đó hết hàng. Do đó gây nên biến động ảo về giá”- ông Ngô Văn Hải, Phó Giám đốc kinh doanh Siêu thị Citimart, cho biết.
48.388 lon bia không hóa đơn, chứng từ bị Quản lý thị trường TP.HCM phát hiện năm 2011. Cơ quan này cũng phát hiện hơn 90.000 chai rượu không rõ nguồn gốc. Trong đó, quản lý thị trường đã bắt nhiều vụ bia không rõ nguồn gốc được vận chuyển chủ yếu từ Tây Ninh về. Từ nay đến cuối năm, quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra các đại lý, các nhà hàng kinh doanh bia để hạn chế tình trạng bia kém chất lượng và tăng giá trong mùa tết. Để xác định bia kém chất lượng hay không thì mắt thường không phân biệt được, nếu nghi ngờ thì phải lấy mẫu kiểm tra mới kết luận được. Ông ĐẶNG VĂN ĐỨC, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP.HCM |