Chuyện dân văn phòng sập bẫy tín dụng đen

Thứ bảy, 10/12/2011, 06:17
Vì ham làm giàu nhanh, không ít nhân viên văn phòng đã bị sập bẫy tín dụng đen. Người nọ cho người kia vay, lãi tăng theo cấp số nhân là nguyên nhân tất yếu dẫn đến đường dây tín dụng đen bị vỡ.


Dùng hợp đồng giả để... vay tiền

Chị Nguyễn Thị Lan và chồng cùng làm ở một công ty truyền thông, lương tuy không phải là cao nhưng cộng cả thu nhập hai vợ chồng lại cũng được 12 triệu /tháng. Chắt bóp chi tiêu, sau gần chục năm, 2 vợ chồng cũng để dành được khoảng 300 triệu đồng. Bình thường ai cũng bảo là Lan có tính chặt chẽ, việc gì không cần thiết thì không bao giờ chi ra một xu. Nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, nghe Duyên (một đồng nghiệp cùng phòng, có chồng mở hiệu cầm đồ kiêm cho vay nặng lãi) tỉ tê mà Lan lại dốc cả hầu bao... thử vận may.
 

Duyên bảo sẽ trả lãi cho Lan là 3000 đồng cho 1 triệu /1 ngày, còn bản thân Duyên sẽ cho người khác vay lại là 5000 đồng /1 triệu /1 ngày. Với lý do sợ mọi người biết sẽ đến nhờ vả,  Duyên dặn đi dặn lại là Lan đừng nói cho ai ở cơ quan biết việc vay mượn này. Vốn tính cẩn thận và để chắc ăn, Lan bắt Duyên phải viết giấy bán căn nhà Duyên đang ở với giá 300 triệu đồng. Vì căn nhà chưa có sổ đỏ nên Duyên chỉ giao cho Lan một bản hợp đồng mua bán nhà  với chủ cũ trước đây. Trên hợp đồng này có tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, chữ ký của người bán, người mua mà không có xác nhận của chính quyền địa phương hay phòng công chứng. Nhưng vì quá tin lời Duyên nên Lan cũng không mảy may nghi ngờ.
 

Được 3 tháng đầu, Duyên thanh toán khá sòng phẳng tiền lãi 27 triệu /1 tháng cho số tiền vay là 300 triệu đồng. Lãi lớn, tiền về nhanh, chưa bao giờ Lan cảm thấy kiếm tiền lại dễ đến thế. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang khi những tháng tiếp theo, Duyên dường như không đả động gì đến chuyện tiền bạc. Gặng hỏi mãi,  Lan chỉ nhận được câu trả lời, phía bên kia họ có việc nên chậm thanh toán. Mọi chuyện chỉ vỡ lở, khi mấy ngày gần đây, Duyên bỗng lặn mất tăm, khiến nhiều đồng nghiệp ở cơ quan nhớn nhác tìm kiếm. Hàng chục chủ nợ khác, cũng mang theo ảnh vợ chồng Duyên đến  cơ quan để truy lùng tung tích con nợ khiến không khí cơ quan càng thêm ngột ngạt.
 

Đến lúc này thì mọi người mới tá hỏa, vì không chỉ có Lan mà gần chục người khác ở cơ quan cũng bị Duyên vay tiền với hình thức hứa hẹn như trên. Người ít thì 50 triệu đồng, người nhiều thì lên tới vài trăm triệu đồng. Lan như người mất hồn, không thiết ăn uống hay làm gì. Nhớ đến tờ giấy bán nhà, Lan lần tìm đến khu vực nhà Duyên dò la với chút hy vọng mỏng manh. Nhưng hy vọng cuối cùng cũng sụp đổ khi Lan biết được ngôi nhà đó, vợ chồng Duyên đã bán cho người khác từ lâu, còn hợp đồng mà Lan đang cầm trên tay chỉ là hợp đồng giả. Nhiều lần, Lan đã nghĩ đến việc sẽ làm đơn tố cáo vợ chồng Duyên gửi lên Công an quận Đống Đa vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng sau khi tính toán, vợ chồng Duyên nợ nần quá nhiều, không có khả năng chi trả, ngay cả khi xử lý được hình sự thì phần dân sự cũng không còn hy vọng nên Lan lại thôi.

 

Một vụ tín dụng đen bị cơ quan công an xử lý

Tham... thì thâm

Khác với vợ chồng Lan (ai biết họ bị mất tiền vì bị lừa cũng tỏ lòng thương cảm), Nam (cán bộ hành chính của một Sở ở Hà Nội) vừa bị “bùng” 100 triệu đồng, ai cũng thầm cười vì... tham thì thâm. Sau vụ này, Nam không chỉ mất tiền mà còn mất luôn cả tình bạn. Ai quen Nam cũng biết, trước đó anh ta có một ông anh tên là Hùng khá thân, có nghề tay trái là cho vay nặng lãi. ông anh này cũng chẳng giấu giếm cậu em các mối quan hệ làm ăn của mình. Thi thoảng có khách cần vay tiền, ông anh còn nhờ Nam cầm tiền đưa đến cho họ. Qua đó, Nam cũng mở rộng được một số mối quan hệ (đa số là các giám đốc Cty tư nhân có vẻ ngoài rất... hoành tráng). Từ đó, Nam cũng biết được ông anh thường cho những vị giám đốc này vay lãi 5000 đồng /1 triệu đồng /1 ngày.
 

Một hôm, Nam nhận được điện thoại của một người quen biết, nhờ đến gặp anh Hùng nói rằng anh ta đang cần vay gấp 100 triệu đồng để đảo nợ ngân hàng. Tiếc mối làm ăn béo bở, Nam tìm cách giấu ông anh, đem 100 triệu đồng tiền túi của mình cho vị khách này vay để kiếm lãi. Nhưng quả là người tính không bằng trời tính, đúng lúc Nam vừa cho vay tiền thì nhận được thông tin Cty của vị giám đốc kia (người mà Nam lầm tưởng là doanh nhân thành đạt) tuyên bố phá sản. Tiền là một chuyện nhưng điều tệ hại hơn là sau vụ việc này thì Nam bị ông anh và nhiều bạn bè tẩy chay. Biệt hiệu Nam “chơi bẩn” cũng được mọi người gắn cho từ đó.
 

Hai vụ việc nêu trên, chỉ là một trong rất nhiều vụ sập bẫy tín dụng đen mà nạn nhân chính là cán bộ, công chức Nhà nước. Hơn ai hết, những người này rất hiểu cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật nên khi các đường dây bị vỡ nợ, họ thường chọn cách im lặng, ngậm đắng nuốt cay. Theo một điều tra viên, Công an quận Ba Đình thì vay nặng lãi chính là nguyên nhân tiềm ẩn mất an ninh trật tự ở địa phương. Rất nhiều vụ đập phá tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích...cũng đều bắt nguồn từ đây.      
 

Theo Nguoiduatin

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích