Đi vay vốn cuối năm luôn khó (ảnh minh họa). Chia sẻ về việc “chạy đôn chạy đáo” lo vốn để mở rộng sản xuất cuối năm, anh Đoàn Tiến Dũng, chủ xưởng sản xuất đèn lồng tại Hưng Yên cho biết: “Đầu tháng 11, tôi mang sổ đỏ của gia đình làm tài sản thế chấp để vay một tỷ đồng nhưng đến ngân hàng nào cũng nhận được lời hẹn “chờ năm tới”. Ngân hàng họ nói, thời điểm này không mở rộng khách hàng vay mới, chỉ ưu tiên những khách hàng truyền thống”.
Anh Nguyễn Đức Lâm, Giám đốc một công ty phần mềm tại Hà Nội than thở: “Chạy đi vay vốn ngân hàng dịp này bở cả hơi tai. Tôi cần một khoản vốn khá lớn để nhập hàng nhưng đến ngân hàng bị khất hẹn sang đầu năm hoặc yêu cầu tài khoản đảm bảo rất nghiêm. Trước thực tế này, tôi đã phải về huy động nguồn tiền nhàn rỗi từ an hem, họ hàng”.
Xác nhận việc này, cán bộ tín dụng một ngân hàng tại Hà Nội (xin giấu tên) thừa nhận: Nếu như đầu năm, ngân hàng anh sẵn sàng giải ngân cho các món vay trên 10 tỷ, còn hiện tại, kể cả những khách hàng thân thiết có nhu cầu vay vốn phải gửi kế hoạch trước để ngân hàng cân đối nguồn.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu của các tổ chức tín dụng trên cả nước hiện ở mức 15 - 18%/năm, thấp nhất 13,5%/năm; cho vay sản xuất - kinh doanh khác 18 - 21%/năm, thấp nhất 15%/năm, còn cho vay lĩnh vực phi sản xuất lên tới 22 - 25%/năm. Có thể thấy rằng, lãi suất cho vay ra của các ngân hàng hiện vẫn rất cao nhưng không phải khách hàng có nhu cầu vay vốn đều được đáp ứng ngay.
Giám đốc một chi nhánh ngân hàng trên phố Kim Liên mới (Hà Nội) cho hay:Hiện nay, các hoạt động cho vay đối với khách hàng giảm đáng kể, ngân hàng chỉ cho các khác hàng truyền thống với các khoản vay nhỏ, còn việc phát triển khách hàng mới trong giai đoạn hiện nay tạm thời ngừng.
Được biết, nguyên nhân của việc khan vốn trong thời gian gần đây là do các ngân hàng nhỏ không huy động được vốn trên thị trường 2 và nguồn tiền trên thị trường 2 cũng không dồi dào như trước. Bởi các khoản vay trên thị trường 2 thường không có tài sản bảo đảm và các ngân hàng vay nhau theo dây chuyền nên khi một vài ngân hàng mất thanh khoản thì các ngân hàng khác cũng bị hệ luỵ.
Thứ hai là do các ngân hàng này dùng tương đối lớn nguồn vốn ngắn hạn cho vay dài hạn dẫn đến mất thanh khoản tạm thời. Việc các ngân hàng nhỏ tung ra các gói huy động vốn với lãi suất quá cao, dẫn đến các khoản cho vay ra lãi suất ngoài sức chịu đựng của các doanh nghiệp dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không trả được nợ và ngân hàng mất thanh khoản.
Thứ ba là do hiện nay các doanh nghiệp đi vay vốn ở các tổ chức tín dụng gặp khá nhiều khó khăn. Vì vậy họ phải rút nguồn vốn tiền gửi từ các tổ chức tín dụng về để đầu tư vào các dự án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc các doanh nghiệp đó rút vốn về để phục vụ cho các tổ chức tín dụng nơi mình góp cổ phần.
Thứ tư là do Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng dự trữ bắt buộc đối với các khoản nợ tín dụng xấu.
Thứ năm là do các tổ chức tín dụng trước đây đã cho vay đầu tư các dự án bất động sản khá nhiều, đến nay nhiều dự án chưa hoàn thành có nhu cầu vay thêm vốn nhưng không vay được. Trong khi đó, thị trường bất động sản ảm đạm và giảm giá mạnh trong thời gian vừa qua, dẫn đến việc các nhà đầu tư giảm giá bất động sản và bán tống bán tháo với mục đích có tiền để tiếp tục hoàn thiện hoặc trả nợ cho ngân hàng nhưng cũng không thành công.
Nhận định về khả năng phục hồi thị trường vốn, giới chuyên gia dự báo: Trong vòng 2 quý tới, thị trường vốn khó phục hồi mức như cũ, do lạm phát còn cao, nền kinh tế chưa phục hồi nên các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chưa khôi phục được việc sản xuất kinh doanh dẫn đến việc trả nợ các khoản nợ cho ngân hàng là chưa thể. Hơn nữa, tình hình thị trường bất động sản đóng băng như hiện nay cũng sẽ là một nhân tố tác động đến thị trường vốn.
Theo Dân Trí