Cổ phiếu BIDV sẽ không bị 'ế'?

Thứ hai, 12/12/2011, 03:16
Việc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), một trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam, chính thức phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào 28/12 tới đây khiến giới đầu tư đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, nếu cách đây 1-2 năm, nhà đầu tư hăm hở săn tin để có thể sở hữu được cổ phần của những "ông lớn" ngành ngân hàng thì hiện nay, giới đầu tư đặc biệt quan tâm về khả năng thành công của phiên đấu giá sắp diễn ra do mức giá khởi điểm 18.500 đồng/cổ phiếu được đánh giá là khá đắt trong thời buổi "thóc cao gạo kém," thị trường chứng khoán suy thoái mạnh.


Tại buổi giới thiệu về đợt IPO sắp tới của BIDV diễn ra tại Hà Nội, ngày 10/12, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV cho biết, mức giá khởi điểm được căn cứ trên giá trị nội tại của doanh nghiệp và việc đưa ra nhằm đảm bảo lợi ích ba bên, nhà nước, nhà đầu tư và người lao động. 


Đồng thời ông Hà nhận định, mặc dù thị trường chứng khoán có biến động song không phải là quá xấu, mức giá trên đã tham khảo từ giá một số cổ phiếu tương ứng đang lưu hàng và cân nhắc đến cả yếu tố thị trường. Do đó, ông Hà tự tin ở đợt IPO sắp tới lực cầu của thị trường sẽ lớn hơn lượng cung của ngân hàng.


Ông Hà tỏ khá lạc quan về tương lai khi đã hai lần nhắc đến một khả năng hỗ trợ từ nhà nước đối với thị trường chứng khoán sắp tới đây. “Nhiều nhà đầu tư dài hạn đã đánh giá thị trường đã ở điểm rơi để đầu tư, tuy nhiên cần phải có cơ sở và họ đang chờ đợi tín hiệu từ Chính phủ” và “Không ai dò được thị trường chứng khoán. Hiện tại mức giá 18.500 đồng/cổ phiếu được cho là cao, nhưng từ nay tới 26/12 biết đâu thị trường sẽ có đợt hồi phục khi tiếp nhận thông tin mới nào đó về chính sách nhà nước.”


Bên cạnh đó, ông Hà cũng chỉ ra những điểm rủi ro lớn mà ngân hàng sẽ phải đối mặt trong 5 tới đây. Theo đó, môi trường hoạt động kinh doanh của BIDV trong điều kiện khuôn khổ pháp lý chưa đồng bộ và tính minh bạch tương đối yếu với doanh nghiệp nhà nước. Chẳng hạn như rủi ro tranh chấp trong xử lý nợ xấu khi ngân hàng không có quyền xử lý theo thông lệ quốc tế và mỗi vụ việc thường kéo dài từ 3 đến 5 năm…
  

BIDV cũng luôn gặp phải với rủi ro tiềm ẩn từ nền tảng khách hàng truyền thống. Tới đây, ngân hàng sẽ có chính sách giảm thiểu khách hàng là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh kém hiệu quả và mở rộng ra hệ thống khách hàng là doanh nghiệp tư nhân.


Điểm rủi ro lớn nhất và ảnh hưởng không chỉ tới BIDV mà còn là bài toán đau đầu của cả hệ thống ngân hàng, là rủi ro đạo đức nghề nghiệp của cán bộ trong ngành, khi mà gần đây liên tục có các vụ án cán bộ ngân hàng cấu kết với bên ngoài chiếm đoạt tài sản của ngân hàng.


“Ngân hàng sẽ kiểm tra giám sát cán bộ chặt chẽ. Đối với các vụ việc xảy ra tại chi nhánh yêu cầu báo về Chủ tịch Hội đồng quản trị trong vòng 24 giờ. Tất cả các đơn thư tố cáo, mặc dù trong đó có tới 90% là nặc danh nhưng tôi vẫn đọc hết và yêu cầu các cấp có thẩm quyền xử lý,” ông Hà nhấn mạnh về hoạt động quản trị của ngân hàng.


Ngoài ra, đối với các tổ chức đầu tư là khách hàng truyền thống của BIDV, việc trở thành cổ đông của ngân hàng cũng là cơ hội đối với họ. Song một vài ý kiến thắc mắc, khi trở thành cổ đông của ngân hàng, họ có nhận được lợi ích gia tăng hoặc có thể cầm cố cổ phiếu để vay vốn ngân hàng.


Khẳng định pháp luật không cho phép ngân hàng nhận thế chấp tín dụng bằng chính cổ phiếu của mình, song ông Hà nhấn mạnh, các hoạt động tín dụng và dịch vụ ngân hàng đối với các cổ đông lớn sẽ được ưu tiên và có lợi thế.


Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng về cơ bản sẽ chuyển đổi sang đa sở hữu, qua đó nâng cao tính minh bạch hóa hệ thống quản trị toàn ngành. 


Về chủ trương bán cổ phiếu BIDV, ông Muôn cho biết sẽ được tiết giảm theo điều kiện thị trường và bước đầu chỉ bán 3% vốn điều lệ. Ông nhấn mạnh đây là một trong những ngân hàng tốt nhất ở Việt Nam và hy vọng đợt IPO sẽ thành công tốt đẹp.

 
Theo TTXVN

Các tin cũ hơn