Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng sẽ theo xu hướng nào?

Thứ hai, 12/12/2011, 08:16
Sự kiện hợp nhất 3 ngân hàng được coi là bước khởi đầu quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của NHNN. Điều gì cần lưu ý và xu hướng nào sẽ diễn ra sau bước đầu tiên này?

Nếu chỉ xem xét ba ngân hàng SCB, TNB và FCB dựa trên các số liệu tài chính thì có lẽ sẽ rất khó khăn trong việc tìm ra nguyên nhân mà ba ngân hàng này “tự tìm đến nhau” để thực hiện việc hợp nhất.
 
SCB là ngân hàng lớn nhất với vốn điều lệ 4.184 tỉ đồng, tổng tài sản là 77.581 tỉ đồng và có đến 118 chi nhánh và phòng giao dịch. TNB có vốn điều lệ 3.399 tỉ đồng, tổng tài sản đạt 58.939 tỉ đồng và có 82 chi nhánh, phòng giao dịch. FCB là ngân hàng có quy mô nhỏ nhất trong số ba ngân hàng này với vốn điều lệ 3.000 tỉ đồng, tổng tài sản là 17.105 tỉ đồng và chỉ có 27 chi nhánh, phòng giao dịch.
 
Tuy nhiên, nếu đánh giá về chất lượng hoạt động thì tình hình tài chính của SCB hiện đang yếu kém nhất với nợ xấu lên đến 12,46% vào cuối năm 2010. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của TNB và FCB đều ở mức thấp, lần lượt là 1,7% và 2,2%.

Tuy nhiên, phương án hợp nhất ba ngân hàng này đã được thông qua nhanh chóng với tỷ lệ chuyển đổi là 1:1 và ngân hàng mới cũng được lấy tên là SCB. Theo nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 8.12.2011, quá trình hợp nhất này diễn ra nhanh chóng là vì các nhóm cổ đông lớn của SCB, TNB và FCB đều có mối quan hệ với nhau. Nhờ sự đảm bảo của NHNN, vấn đề thanh khoản của ngân hàng hợp nhất về cơ bản được giải quyết để không gây ra đổ vỡ.
 
Với sự tham gia của BIDV với tư cách là đại diện phần vốn của NHNN trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng hợp nhất, những lo lắng về việc hợp nhất ba ngân hàng yếu sẽ không thể nào cho ra một ngân hàng mới khoẻ mạnh được giải toả.

Dự kiến sau khi hợp nhất về quy mô, ngân hàng SCB hợp nhất sẽ có vốn điều lệ mới là 10.584 tỉ đồng, tổng tài sản 153.626 tỉ đồng. Theo đề án hợp nhất vừa công bố thì đến năm 2014, SCB hợp nhất sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên đến hơn 16.000 tỉ đồng với tổng tài sản đạt trên 200.000 tỉ và lợi nhuận năm đạt gần 1.900 tỉ đồng.

Quản trị và kinh doanh ra sao sau khi hợp nhất?

Một phần chưa thấy đề cập trong đề án hợp nhất được công bố là đánh giá các yếu tố rủi ro cũng như các phương án phòng ngừa của quá trình này.
Bộ máy quản trị của ngân hàng mới có thể gồm một số lượng lớn các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) của các ngân hàng cũ. HĐQT của SCB cũ có năm thành viên, TNB cũng vậy, FCB thì có tới tám người. Trong khi đó, HĐQT của SCB hợp nhất dự kiến có tới 11 thành viên. Trong quá trình điều hành, nếu không tìm được tiếng nói chung thì các quyết định của các ngân hàng sẽ khó được thông qua bởi sự chia rẽ của nhiều ý kiến khác nhau.
 
Ngay cả khi người đại diện của BIDV có tiếng nói quyết định thì các quyết định quan trọng cũng chưa chắc đã được thực thi tốt nếu như các thành viên khác của HĐQT cũng như ban điều hành không thực sự “tâm phục khẩu phục” quyết định của BIDV.
 
Tuy nhiên, kinh doanh vẫn là điều quan tâm lớn nhất đối với hoạt động của ngân hàng hợp nhất. Các ngân hàng thành viên trước đây thường xuyên bị thiếu hụt thanh khoản do đầu tư trung dài hạn nhiều trong khi nguồn vốn huy động chủ yếu là ngắn hạn. Tỷ lệ dư nợ cho vay phi sản xuất của ngân hàng mới vẫn đang ở mức cao hơn so với tỷ lệ quy định của NHNN.
 
Trong khi đó, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt trong năm tới sẽ khiến cho thị trường bất động sản còn đi xuống. Điều này đồng nghĩa với việc những ngân hàng cho vay bất động sản có tỷ lệ lớn như SCB hợp nhất còn gặp khó khăn. Nhưng, nếu nhìn vào các chỉ tiêu kế hoạch của ngân hàng hợp nhất này trong năm 2012 thì có thể thấy vẫn khá lạc quan khi lợi nhuận sau thuế kỳ vọng ở mức 667 tỉ đồng.
 
Một điểm đáng chú ý trong kế hoạch này chính là mức dự phòng rủi ro của ngân hàng mới giảm mạnh từ 1.854 tỉ đồng (30.9.2011) xuống chỉ còn 1.200 tỉ đồng trong năm 2012 trong khi dư nợ tiếp tục tăng thêm. Liệu có phải ngân hàng SCB hợp nhất sẽ giảm trích lập dự phòng để tăng lợi nhuận hay ngân hàng này tìm cách bán các khoản nợ để thu tiền về?

Sẽ có những hình thức tái cơ cấu mới?

Mặc dù vẫn còn điều đáng lưu ý ở phía trước, nhưng có thể thấy việc hợp nhất ba ngân hàng SCB, TNB và FCB là bước khởi đầu thành công của quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam. Mọi hoạt động kinh doanh tại các ngân hàng này vẫn diễn ra bình thường và không có hiện tượng khách hàng rút tiền hoặc ngừng gửi tiền. Sự thành công bước đầu này sẽ là tiền đề quan trọng để NHNN tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong các năm tiếp theo. Một số kịch bản tái cơ cấu sau có thể diễn ra:

Thứ nhất, các ngân hàng có cùng chủ sở hữu và có cùng các cổ đông lớn chi phối có mối quan hệ với nhau sẽ có thể hợp nhất lại với nhau trở thành một ngân hàng duy nhất như trường hợp của ba ngân hàng vừa rồi. Trường hợp điển hình cho hình thức này là giữa ngân hàng Nam Việt và ngân hàng Phương Tây, nơi ông Đặng Thành Tâm nắm giữ lượng cổ phần khá lớn, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua tập đoàn Saigoninvest.

Thứ hai, các ngân hàng nhỏ có một ngân hàng lớn hoặc thành viên HĐQT của ngân hàng lớn nắm tỷ lệ chi phối. Những ngân hàng nhỏ này có thể sẽ có xu hướng hợp nhất vào ngân hàng lớn, giúp cho vấn đề về thanh khoản được giải quyết và đảm bảo tốt hơn. Chẳng hạn, hiện tại ACB là cổ đông lớn tại các ngân hàng như ngân hàng Kiên Long, ngân hàng Đại Á và ngân hàng Việt Nam Thương Tín.
Thứ ba, các ngân hàng nhỏ sẽ bị các tổ chức khác ở bên ngoài mua lại để nắm cổ phần chi phối. Những tổ chức này sẽ tiến hành cải tổ hoạt động của hệ thống ngân hàng, bơm thêm vốn để những ngân hàng này để vượt qua giai đoạn khó khăn và hoạt động lành mạnh hơn.
 
Xu hướng thứ ba này sẽ diễn ra theo hai hướng. Một là các ngân hàng tăng vốn bằng cách phát hành riêng lẻ cho cổ đông mới bên ngoài. Đây là trường hợp đã diễn ra với ngân hàng Gia Định và được đổi tên thành ngân hàng Bản Việt. Hai là các cổ đông lớn của ngân hàng trên sẽ thoái vốn và bán cho cổ đông bên ngoài khác. Điều này sẽ diễn ra mạnh trong các năm từ nay đến 2015, khi mà nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước phải thoái vốn khỏi các khoản đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là ngân hàng, để tập trung cho hoạt động kinh doanh cốt lõi.
 
Ví dụ về các trường hợp này là ngân hàng Xăng dầu Petrolimex, nơi Petrolimex nắm giữ 40% cổ phần; ngân hàng Đại Dương, nơi PetroVietnam nắm giữ 20% cổ phần; ngân hàng An Bình, nơi tập đoàn điện lực nắm giữ 24% cổ phần; và ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội, nơi tập đoàn Than và khoáng sản và tập đoàn Cao su đều nắm giữ 15% cổ phần.
 
NHNN cần chủ động xây dựng kịch bản cho mọi tình huống và tác động kịp thời để các quá trình hợp nhất được diễn ra thuận lợi, ít rủi ro nhất cho bản thân các ngân hàng đó cũng như toàn bộ hệ thống ngân hàng

 


 Nguồn: Đề án hợp nhất và tái cơ cấu SCB, FNB, TNB

Theo SGTT

 

Các tin cũ hơn