Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu: “Đây là thời điểm thuận lợi để bỏ trần lãi suất huy động”

Thứ hai, 16/06/2014, 11:25
NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa bất ngờ giảm mạnh lãi suất huy động. Trong 2 năm trước, mỗi khi Vietcombank hạ lãi suất, một số ngân hàng lớn cũng hạ theo. Do đó, nhiều người đã suy nghĩ liệu rằng sẽ có một đợt giảm mạnh lãi suất huy động ở các ngân hàng khác trong những ngày tới. PV đã phỏng vấn TS Nguyễn Trí Hiếu (ảnh) một số vấn đề xung quanh câu chuyện hạ lãi suất này.

Thưa ông, sau khi Vietcombank hạ lãi suất huy động, đã có nhiều ý kiến cho rằng sắp tới đây các ngân hàng khác cũng sẽ hạ lãi suất huy động. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Việc VCB hạ lãi suất có thể mở đầu cho một bước hạ lãi suất mới của các NHTM. Trong lúc này, khi mà các NH không tìm được đầu ra để tăng doanh thu thì việc hạ lãi suất để giảm chi phí vốn là điều dễ hiểu và có lẽ cấn thiết để tránh lỗ. Một hiện tượng khá lý thú trong ngành ngân hàng ở Việt Nam là khi vốn trở nên khan hiếm thì các ngân hàng nhỏ là những NH tiên phong “xé rào” và dẫn đầu trong việc tăng lãi suất, kéo theo toàn hệ thống nhập cuộc. Nhưng khi vốn ế thì các ngân hàng lớn lại dẫn đầu trong việc hạ lãi suất vì họ là những ngân hàng ôm rất nhiều vốn với chi phí cao. Họ kéo lãi suất huy động xuống để giảm lỗ và kéo cả hệ thống vào một vòng xoáy đi xuống.

Hiện nay đang có nhiều lãnh đạo ngân hàng đề nghị NHNN bỏ hẳn trần huy động. Theo quan điểm của ông, hệ thống ngân hàng chúng ta có nên duy trì hay bỏ trần lãi suất huy động?

Tôi đồng quan điểm bây giờ là thời điểm thuận lợi để bỏ trần lãi suất. Ngày trước, chúng ta lo sợ bỏ trần lãi suất sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng “khát vốn” đẩy lãi suất lên để thu hút huy động. Nay ế vốn vì cho vay khó khăn, chẳng ngân hàng nào dại gì tăng lãi suất huy động để “tăng lỗ”. Lợi dụng thời điểm này để tự do hóa lãi suất là hợp lý. NHNN cũng chủ trương đến lúc nào đó để lãi suất được cung cầu thị trường quyết định. Lãi suất là giá của một loại hàng hóa đặc biệt, đó là vốn. Để giá được xác định bởi cung cầu của thị trường là phù hợp với cơ chế của một thị trường mở và hoàn hảo.

Thời điểm này, cần có những giải pháp để tăng trưởng tín dụng.

Hiện nay, tình tăng trưởng tín dụng vẫn rất khó khăn. Liệu rằng đợt giảm lãi suất huy động này sẽ tạo cơ sở để hạ lãi suất vay trong thời gian tới, thưa ông?

Theo quan điểm của tôi, đó là động cơ chính để hạ lãi suất hay tự do hóa lãi suất huy động trong lúc này. Giá vốn rẻ sẽ kéo theo lãi suất cho vay giảm, giúp giảm chi phí vay vốn của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc lãi suất cho vay giảm cần một độ trễ tầm 1-3 tháng, vì hiện nay giá vốn bình quân nội bộ vẫn còn phải duy trì cho đến khi nhiều loại tiền gửi được gia hạn hay tiền gửi mới được trả với lãi suất hạ.

Một điều đáng quan tâm là lãi suất không phải là câu trả lời tối hậu cho tăng trưởng tín dụng. Đối với nhiều doanh nghiệp mà hoặc là không muốn vay vì họ chưa cần vốn để tăng cường hoạt động kinh doanh/sản xuất hay không thể vay vì không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, chẳng hạn không có tài sản đảm bảo hay thế chấp, sức khỏe tài chính yếu kém, thì lãi suất cho vay dù có hạ bao nhiêu, đối với hai loại doanh nghiệp này đều vô nghĩa.

Lãi suất mặc dầu vẫn là một trong những công cụ của chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương, nhưng đã không còn tác động nhiều khi mà kinh tế vĩ mô suy giảm như hiện nay. Nhất là khi mà lãi suất cho vay cũng vẫn còn rất cao so với mặt bằng chung của khu vực hay thế giới. Nếu lãi suất cho vay có giảm đi 1% trong vài tháng tới để mặt bằng chung của lãi suất cho vay xuống 8-11%, thì vẫn không đủ để kích thích tăng trưởng tín dụng một cách mạnh mẽ.

Nếu muốn kích thích tăng trưởng tín dụng bằng công cụ lãi suất thì lãi suất cho vay phải hạ xuống ở mức 5-7%. Mà muốn có mức lãi suất cho vay như thế thì lãi suất huy động phải kéo xuống mức 2-4%, đồng nghĩa với tỉ lệ lạm phát phải được kéo xuống đến mức 1-3%, một điều khó xảy ra trong vòng 3 năm tới, trừ khi có cây đũa thần để kéo lạm phát xuống mức đó mà vẫn giữ được tăng trưởng ở mức 5-6% trong một nền kinh tế non trẻ như Việt Nam.

Về vấn đề để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, theo quan điểm của tôi trong một môi trường tài chính mà lãi suất không còn tác động hữu hiệu như hiện nay, chúng ta phải quay sang những công cụ khác của kinh tế vĩ mô, đó là chính sách tài khóa. Giảm thuế, rà soát và giảm thiểu chi phí công, tăng cường đầu tư công, những chương trình của chính phủ để kích thích tiêu dùng và cuối cùng là kích thích xuất khẩu với mục đích kích thích tiêu thụ các sản phẩm của nền kinh tế. Từ đó kinh tế vĩ mô phục hồi, nhu cầu vay vốn tăng và tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng có thực chất. Tại thời điểm này, tôi không nhìn thấy giải pháp nào khác ngoài những điều kể trên để tăng trưởng tín dụng.

Xin cảm ơn ông!

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn