Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ra Chỉ thị về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015. Trong đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu xây dựng các kế hoạch này phải dựa trên những đánh giá, phân tích tác động ảnh hưởng từ diễn biến ở Biển Đông hiện nay.
Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng giao chỉ tiêu năm 2015 phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,2%, lạm phát kiểm soát ở mức 7%, nguồn huy động vào ngân sách từ thuế, phí đạt 18-19% GDP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đa dạng hóa các thị trường xuất, nhập khẩu thay vì lệ thuộc vào một nền kinh tế cụ thể. Ảnh: AFP. |
Khác với các năm trước, ngoài các mục tiêu cơ bản trên, năm 2015 nhiệm vụ tăng cường tính tự chủ, độc lập của nền kinh tế để tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường được Thủ tướng đặt ra và xem như một trọng tâm trong bối cảnh diễn biến Biển Đông đang diễn ra như hiện nay.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu có biện pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu, mở rộng và phát triển thị trường mới nhằm tránh quá phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất cứ nền kinh tế nào. "Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hóa sản xuất trong nước thay thế hàng nhập khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài. Chủ động xây dựng các chương trình phát triển sản xuất hàng hóa trong nước, trước hết là các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng phục vụ sản xuất", văn bản chỉ đạo của Thủ tướng nêu.
Trước đó, nhiều ngày qua, diễn đàn của Quốc hội lẫn giới học giả, chuyên gia kinh tế đều đề cập phương án giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như một biện pháp ứng phó cho nền kinh tế trong bối cảnh căng thẳng hai nước gia tăng như hiện nay.
Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, giá trị nhập khẩu của Trung Quốc hiện khoảng 10 tỷ đôla, tương đương 9% tổng kim ngạch hàng xuất của Việt Nam trong năm 2013. Trong khi đó, 23% hàng hóa nhập khẩu của nền kinh tế Việt Nam cũng đến từ Trung Quốc. Điều này cho thấy Việt Nam đang nhập siêu từ thị trường này với quy mô khá lớn.
Bên cạnh đó, trong chỉ thị lần này, nhiệm vụ phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng được nhắc tới. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành có chính sách hỗ trợ về vốn, dịch vụ trên biển và các biện pháp bảo vệ ngư trường, tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm ra khơi, đánh bắt và góp phần bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp đỡ các doanh nghiệp gặp sự cố ở một số khu công nghiệp vừa qua.
Năm 2015, Thủ tướng đặt mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2015 (từ thuế, phí) chiếm 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa (không kể từ dầu thô, tiền sử dụng đất) tăng bình quân 14-16% so với ước thực hiện 2014. Cho rằng cân đối ngân sách năm 2015 sẽ tiếp tục khó khăn, Chính phủ khẳng định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ tác động đến kinh tế và ngân sách nhà nước năm 2015 khi nguồn lực còn hạn chế mà nhu cầu đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội... vẫn rất lớn. Do đó, Thủ tướng yêu cầu quán triệt tiết kiệm, chống lãng phí. Trong dự toán năm 2015, Chính phủ nhấn mạnh cần bố trí nguồn lực cho các hoạt động triển khai Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển biển đảo, hỗ rợ ngư dân bám biển, khai thác, nuôi trồng đánh bắt hải sản.
Tại chỉ thị này, người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2015 nhưng chưa đủ vốn, thanh toán nợ xây dựng cơ bản. Riêng năm 2015, Chính phủ yêu cầu tập trung chi đầu tư để đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, nhiệm vụ quốc phòng an ninh hỗ trợ ngư dân đánh bắt và các dịch vụ trên biển, gắn với bảo vệ chủ quyền. Đồng thời, năm 2015, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo nguồn cải cách tiền lương từ việc tiết kiệm 10% khoản chi thường xuyên như năm 2013, 2014.
Theo VnExpress