TQ đang ở vị trí thứ hai thế giới về kinh tế. Nhưng theo nhiều dự báo, nước này sẽ sớm soán ngôi Mỹ để vươn lên số một.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), GDP của Trung Quốc tính theo ngang bằng sức mua (PPP) sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối năm nay. Thế nhưng chính phủ Trung Quốc lại tuyên bố rõ ràng rằng vẫn “e ngại” về phương pháp tính toán của WB và "không đồng ý công khai kết quả của Trung Quốc”.
Lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng bất kể GDP hoặc GDP tính theo PPP có lớn thế nào thì dân số 1,4 tỷ người cũng sẽ làm giảm sức mạnh thực tế của nó. Ví dụ, theo WB, trong năm 2012 GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ xếp thứ 91 thế giới, thậm chí thấp hơn cả Iraq, nền kinh tế vẫn hứng chịu hậu quả từ cuộc chiến do Hoa Kỳ khởi xướng. Điều chỉnh số liệu theo PPP cũng chỉ đủ sức đưa Trung Quốc nhích lên vị trí thứ 89 – dưới cả nước Cộng hòa Dominica.
Thêm nữa, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn chưa bằng một phần ba của Hoa Kỳ, mặc dù Trung Quốc cố gắng duy trì tốc độ chi tiêu quân sự tăng trưởng ở mức hai con số trong những năm gần đây.
Xét về quyền lực mềm – tức là ảnh hưởng về tư tưởng và quy phạm trên thế giới - thì Trung Quốc vẫn còn khá nhỏ bé so với Hoa Kỳ.
Trong cuốn sách mới của mình có tựa đề Trung Quốc vươn ra toàn cầu: cường quốc một nửa, học giả hàng đầu về Trung Quốc là David Shambaugh đã đánh giá một cách hệ thống về ảnh hưởng đa chiều của Trung Quốc trong giới chính trị toàn cầu hiện nay. Ông kết luận rằng Trung Quốc vẫn chưa phải là một cường quốc toàn cầu mà mới chỉ là “cường quốc một nửa”.
Thái độ dè dặt của Trung Quốc khi nói về danh hiệu “nền kinh tế số một thế giới” xuất phát từ mong muốn né tránh một "cái bẫy tu từ". Năm 2005, Robert Zoellick, người khi đó là Thứ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, từng đề xuất Trung Quốc đóng vai trò của "bên liên quan có trách nhiệm" trong việc định hình các chương trình nghị sự quốc tế.
Trong con mắt của giới lãnh đạo Trung Quốc, đề xuất của ông Zoellick không khác nào một "cái bẫy tu từ” nhằm chi phối và hạn chế chính sách đối ngoại của Trung Quốc - mở đường làn sóng chỉ trích Trung Quốc nếu nước này không đảm đương tốt vai trò.
Một nỗi lo khác là chủ nghĩa dân tộc đang lớn mạnh có thể bị kích động bởi vị thế “nền kinh tế số một thế giới”. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không hề giấu diếm mục tiêu chiến lược trở thành một "cường quốc", cái gọi là “tái sinh dân tộc Trung Hoa” trong “Giấc mơ Trung Quốc” của ông Tập Cận Bình.
Chủ nghĩa dân tộc – thường được gọi với cái tên “lòng yêu nước” ở Trung Quốc - đã trở thành một công cụ chính trị hữu ích giúp giới cầm quyền nước nà củng cố sự ủng hộ từ quần chúng nhân dân.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc là con dao hai lưỡi. Chính phủ có thể bị chỉ trích là yếu đuối, nhu nhược... nếu phản ứng không đủ thỏa mãn chủ nghĩa dân tộc (cực đoan) của người dân.
Không khó để hình dung ra rằng nếu đón nhận vị thế số một trong lĩnh vực kinh tế thì lãnh đạo Trung Quốc sẽ vấp phải nhiều câu hỏi và áp lực.
Nhiều người còn coi việc Trung Quốc từ chối vị thế “số một” là một cách trốn tránh trách nhiệm. Ví dụ, Trung Quốc vẫn khẳng định mình là một quốc gia đang phát triển trong các cuộc đàm phán về giảm khí thải nhà kính. Đúng là nếu chỉ nhìn vào dân số khổng lồ thì Trung Quốc đang và sẽ là một quốc gia đang phát triển trong một thời gian dài nữa. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay, Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Có thể còn quá sớm để Trung Quốc phải suy nghĩ xem làm thế nào lãnh đạo được thế giới. Nhưng việc chung sống hòa bình với các nước láng giềng thông qua luật pháp và thông lệ quốc tế, bản thân nó đã là một khía cạnh quan trọng của việc lãnh đạo thế giới.
Ký kết một Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có lẽ là bước đi đầu tiên mà Trung Quốc nên làm để xây dựng các quy tắc nhằm giảm thiểu tranh chấp ở Biển Đông. Dù có chiếm được vị trí số một về kinh tế, Trung Quốc cũng sẽ không thể trở thành một nhà lãnh đạo thế giới nếu cứ tiếp tục gây hấn bằng cách lấn chiếm các bãi đá và đảo trên Biển Đông.
* Bài viết của Kai He, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại Đại học bang Utah (Mỹ), chuyên gia thỉnh giảng Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Nanyang.
Theo Trí thức trẻ