Bán hàng đa cấp (BHĐC) là ngành nghề kinh doanh hợp pháp. Thế nhưng, không ít các công ty BHĐC có cách thức kinh doanh làm méo mó ngành nghề này. Chiêu thức cổ điển nhất vẫn là “thổi” công dụng sản phẩm cùng thu nhập siêu tưởng của các cấp trong hệ thống. Kinh doanh đa cấp bất chính vươn vòi bạch tuộc đến đâu, hệ lụy mất tiền, mất bạn, mất người thân lan đến đó.
Thời gian gần đây, nhiều người dân xứ Thanh đang truyền tai nhau cách “làm giàu” siêu tốc: Chỉ cần mua một gói sản phẩm của công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam (Vietnet), với giá 8,45 triệu đồng, sau 3 - 5 năm, sẽ nhận được 333,68 triệu đồng và 1 chiếc xe SH 125i/150i. Vì vậy, có người dân đã bán cả trâu, bò, lợn, gà, cầm cố tài sản… hoặc đi vay nóng, để mong hiện thực hóa giấc mơ tỷ phú.
Phóng viên được một nhóm trưởng, đồng thời là cộng tác viên (CTV) của Vietnet, dẫn đến tầng 9, tòa nhà Dầu khí, 38 đại lộ Lê Lợi – TP.Thanh Hóa (VP đại diện Vietnet tại Thanh Hóa) học hỏi “kinh nghiệm làm giàu”. Toàn bộ tầng 9 của tòa nhà này dành cho mọi hoạt động của Vietnet ở Thanh Hóa. Khu vực này được bảo vệ rất nghiêm ngặt. Để vào được, như đã nói ở trên, chúng tôi phải được một người đang tham gia trong hệ thống giới thiệu, dẫn đến.
Tại đây, chúng tôi được tiếp xúc với rất nhiều người làm nhiều ngành nghề khác nhau, như giáo viên, sinh viên chưa có việc làm, tiểu thương, nông dân… Và theo lời những CTV của Vietnet, còn có không ít người là cán bộ xã, huyện… trong địa bàn tỉnh. Điểm chung là, những thành viên được giới thiệu đều “thành đạt”, có thu nhập “khủng” hàng tháng.
Như bà Gấm (vốn là người chuyên bán trầu cau ở chợ), bà Tùng (trước làm kinh doanh bất động sản), anh Lương Văn Thiên (từng là cán bộ xã), cô Trường (hiện là phó hiệu trưởng của 1 trường THCS) … đều cho biết mỗi tháng kiếm được từ 30 đến 90 triệu đồng rất “nhẹ nhàng”! Sau màn chào hỏi với những nhân vật “người thật, việc thật” thành đạt, chúng tôi được một CTV của Vietnet, tên là Phương, quê xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân hướng dẫn tiếp.
Theo Phương, từ khi thành lập (tháng 9/2012) đến nay, công ty đã nhiều lần tri ân khách hàng. Hiện, công ty có chương trình tri ân với tên gọi “Nối vòng tay lớn”, thể lệ rất đơn giản: Cứ 1 khách hàng, tiêu thụ 1 lượng sản phẩm mà công ty đang phân phối, ít nhất là 8,45 triệu đồng, thì được tích lũy 5.680VI (đơn vị tính riêng của Vietnet, mỗi sản phẩm tương ứng với số VI nhất định do Vietnet quy định), sẽ được cấp 1 mã số độc quyền làm tài khoản đăng nhập vào hệ thống máy chủ http://thanhvien.lienminhtieudung.vn/. Khi đó, người tham gia được ký hợp đồng (thời hạn 1 năm), trở thành CTV chính thức của công ty và sẽ được: 333,68 triệu đồng cùng 1 chiếc xe máy hiệu SH 125i/150i (tương ứng với 5.680 VI. Số VI càng cao, thì số tiền tri ân càng lớn).
Các cuộc hội thảo khuyếch trương với chiêu bài “kiếm tiền không khó” của những công ty bán hàng đa cấp biến tướng đã lôi kéo nhiều người tham gia. |
Tri ân được “rớt” làm 12 mức: Mức 1 là, 210.000 đồng, mức 2: 420.000 đồng … số tiền này “rớt” theo cấp số nhân và phụ thuộc vào doanh số, lợi nhuận của công ty nhanh hay chậm (khoảng 3 - 5 năm). Khi mã số của CTV được nhập vào (nhập càng nhanh càng tốt vì thành tích được tính theo tốc độ từng giây), hệ thống phần mềm của Vietnet sẽ tự động xếp những mã số tham gia sau xuống những mã số tham gia trước, theo mô hình quản lý dạng sơ đồ nhị phân – hai nhánh.
Khi mời được một người tham gia, CTV sẽ được hưởng, gồm: Lương trực tiếp tuyển dụng: 682.000 đồng/người (dù trong hợp đồng là 12% doanh số bán hàng); 50.000 đồng lương quản lý nhóm (tính theo đầu số sản phẩm được bán ra từ người tuyến dưới), và 300.000 đồng lương doanh số. “Khi 2 chân đều đạt 100 mã, thì CTV sẽ được lên trưởng nhóm, được thưởng 70 triệu đồng cùng với 6 tháng lương cơ bản (3 triệu đồng/tháng) và 1 bảo hiểm thân thể trị giá 100 triệu đồng”, Phương giải thích.
Sau buổi chia sẻ này, trưởng nhóm luôn gọi điện khuyên chúng tôi: “Càng vào chậm, cơ hội càng mất đi, phải vào nhanh nhanh lên, đừng chần chừ nữa. Không có tiền thì mua lấy 1 gói cũng được... Nếu làm chủ được tài chính, thì tốt nhất đừng nói cho những người thân trong gia đình biết”.
Chị Nguyễn Thị Bình - một nông dân ở huyện Thường Xuân, cho biết: “Được sự giới thiệu của một người quen (là CTV của công ty), tôi tham gia chương trình “Nối vòng tay lớn” từ ngày 30/6. Gia đình tôi đã mua 5 gói sản phẩm với giá 42,25 triệu đồng (mỗi gói 8,45 triệu đồng). Đến ngày 17/9, dù không làm gì nhưng cũng lấy được 7,2 triệu đồng lương. Quan trọng hơn, 3 năm sau, tôi sẽ có hơn 1 tỷ đồng và 5 chiếc xe SH. Lúc đó, có tiền cho con ăn học lại chẳng phải vất vả như bây giờ”.
Chị Lê Thị Tuyết, ở phường An Hoạch, TP.Thanh Hóa, tiết lộ: “Trước kia tôi lao động tự do, sau khi được giới thiệu, thấy hấp dẫn quá. Để tham gia, tôi đem sổ đỏ của bố mẹ ra ngân hàng vay được 50 triệu đồng để mua sản phẩm”. Khi hỏi đến thu nhập, chị bảo: “Mình mới tham gia được 2 tháng nay, nên mới lấy được vài triệu”.
Một trường hợp khác là chị Tùng, ở phường Quảng Hưng, TP.Thanh Hóa, cho biết: “Tháng 1/2014, chị mua 1 gói sản phẩm, sau 2 tháng có người gọi lên lấy lương, thế là từ đó trở đi chị mới chính thức làm việc. Mấy tháng trước, bán được lô đất gần 700 triệu đồng và vay thêm ở ngân hàng, dồn vào mua được 100 gói sản phẩm. Với đà này, khoảng một vài năm nữa chị sẽ có trong tay 100 chiếc xe SH và hàng chục tỷ đồng tiền tri ân rồi. Con trai, con gái, em dâu, cháu gái của chị đều làm ở đây cả”.
Theo mô hình này, hầu hết các CTV đều có quan hệ với nhau như vợ - chồng; mẹ - con; bạn bè, anh chị em ruột… Thế nhưng, gần như không ai chú ý đến thông tin được giới thiệu ở lần đầu đến với công ty này: “Số tiền tri ân theo cấp số nhân phụ thuộc vào doanh số, lợi nhuận của công ty nhanh hay chậm”. Nghĩa là, không có câu trả lời được chính xác, bao giờ nhận lại được tiền trăm triệu, tiền tỷ “tri ân” dù đã bỏ chục triệu, trăm triệu tiền thật vào hệ thống.
Kinh doanh đa cấp hay bán hàng đa cấp (tên gọi thông dụng tại Việt Nam) là thuật ngữ chung dùng để chỉ một phương thức tiếp thị sản phẩm. Kinh doanh đa cấp đòi hỏi sự khôn khéo của người tham gia để có thể liên tục mời thêm nhiều người. Đây là hoạt động kinh doanh/ bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng, họ có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải thông qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Nhờ vậy, hình thức này tiết kiệm rất nhiều chi phí từ tiền sân bãi, kho chứa, vận chuyển hàng hóa, khuyến mãi, quảng cáo và các chương trình tiếp thị khác. Số tiền này thay vào đó, được dùng để trả thưởng cho nhà phân phối và nâng cấp, cải tiến sản phẩm. Đây là phương thức tiếp thị tận dụng chính thói quen của người tiêu dùng- khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tốt thường chia sẻ cho người thân, bạn bè và những người xung quanh. Nhà phân phối có vai trò như những đại lý. Họ dùng những kết quả sử dụng của bản thân và những người quen biết để thu hút khách hàng. Qua việc làm đó họ đem về lượng khách hàng cho công ty và bản thân họ. |
Cấm kinh doanh theo mô hình tháp ảo Mô hình kinh doanh đa cấp kiểu nhị phân là mỗi nhà phân phối được và chỉ được tuyển mộ thêm hai nhà phân phối thuộc tầng 1 (thế hệ thứ nhất) và bắt buộc hai nhánh của mình phải luôn phát triển đồng đều (nếu không thực hiện được điều này thì nhà phân phối sẽ không được chi trả hoa hồng hoặc chỉ hưởng ở nhánh yếu hơn). Mô hình này rất dễ biến tướng thành mô hình tháp ảo. Đây là một dạng biến tướng của kinh doanh đa cấp. Bản chất, lợi nhuận không xuất phát từ giới thiệu sản phẩm mà từ tuyển mộ các thành viên mới. Theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp, đối tượng của kinh doanh theo mạng là sản phẩm, còn đối tượng của hình tháp ảo là tiền. Hiện nhiều công ty BHĐC thường quy đổi thành sản phẩm, đặc trưng nhất là thành dạng điểm hay một đơn vị đặc trưng do công ty quy định. Ví dụ như công ty Liên minh tiêu dùng quy đổi đơn vị là VI. Từ 1/7/2014, Nghị định 42/2014/NĐ-CP đã quy định doanh nghiệp BHĐC bị cấm thực hiện mô hình kim tự tháp. Nghị định 42 cũng quy định rõ doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng phải đặt cọc hoặc đóng một khoản tiền nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, cũng như không được yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới.
|