Boeing đuối sức trong cuộc đua thị phần ở Việt Nam

Thứ sáu, 24/10/2014, 14:03
Trong khi đối thủ Airbus liên tục ký được những hợp đồng bán máy bay "khủng" cho các hãng hàng không Việt, thị phần của Boeing lại khó có khả năng mở rộng.
skip-6359-1414124354.jpg

Phó chủ tịch Boeing International - Ralph L. "Skip" Boyce

Thực tế này được chính Phó chủ tịch Boeing International - Ralph L. "Skip" Boyce thừa nhận trong chuyến làm việc tại Việt Nam giữa tuần qua. Theo tính toán của hãng, thị phần của Boeing hiện chỉ khoảng 7% đội bay thương mại tại đây. Con số này có thể tăng lên trên 10% vào năm sau khi Vietnam Airlines nhận thêm một số tàu bay Boeing mới, song vẫn kém xa so với kỳ vọng của hãng.

Ông Boyce, người đồng thời cũng là Chủ tịch Boeing Đông Nam Á khẳng định điều này nằm ngoài mong muốn, bởi hãng này luôn coi Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng. Từ trước đến nay, Boeing đã cố gắng gia tăng sự hiện diện bằng nhiều cách, như hợp tác với Cục Hàng Không tổ chức các khóa đào tạo phi công, hỗ trợ học bổng thông qua Học viện Hàng không...

Tuy vậy, trong khi thị phần của Boeing xuống thấp, máy bay Airbus đang hiện diện ngày một đông tại Việt Nam (chiếm khoảng 77% lượng máy bay thương mại). Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải là chủ trương chủ trương cơ cấu lại đội tàu bay của các hãng.

Trước năm 2013, Jetstar Pacific khai thác 2 dòng máy bay song song là Boeing 737-400S và Airbus A320. Tuy nhiên, sau khi tính toán, hãng này nhận định sử dụng một dòng tàu bay sẽ phù hợp hơn với hàng không giá rẻ. Việc chuyển đổi hoàn toàn sang Airbus A320 được quyết định sau khi tính toán về khả năng tiết kiệm được 5 đến 6% nhiên liệu. Jetstar sau đó đã trả 5 máy bay Boeing.

Còn với hàng không tư nhân Vietjet, kể từ khi cất cánh lần đầu vào năm 2011, hãng chỉ sử dụng tàu bay Airbus A320. Hiện sở hữu 16 chiếc tính đến tháng 10/2014, trong tương lai Vietjet sẽ còn nhận thêm nhiều máy bay mới trong hợp đồng 63 chiếc ký với Airbus đầu năm nay.

boeing-airbus-1-6831-1414124354.jpg

Máy bay Boeing khó cạnh tranh với Airbus tại thị trường Việt Nam.

Theo lý giải của một đại diện hãng, dòng máy bay A320 phù hợp với các hãng giá rẻ, với ví dụ điển hình là Air Asia - hãng giá rẻ lớn nhất Malaysia có 80 chiếc loại này. "Sử dụng đồng nhất một dòng máy bay giúp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng khi toàn bộ linh kiện, thiết bị và hợp đồng bảo dưỡng chỉ phục vụ cho một loại máy bay duy nhất", đại diện Vietjet giải thích.

Ngoài ra, thị phần của Boeing ở Việt Nam giảm sút còn do sự cố chậm giao máy bay cho Vietnam Airlines. Theo đó, trong các năm 2005 và 2007, Vietnam Airlines đặt mua 15 chiếc máy bay 787-8. Tuy nhiên, vì một số lý do, nhà sản xuất máy bay Mỹ nhiều lần trì hoãn bàn giao hàng. Sau nhiều năm chờ đợi, đến 2010, Vietnam Airlines quyết định chuyển đổi đơn hàng Boeing 787-8 thành 787-9. Dự kiến chiếc máy bay đầu tiên thuộc dòng này sẽ về đến hãng vào năm 2015. Tổng cộng, Vietnam Airlines đặt mua 8 chiếc máy bay thế hệ mới này của nhà sản xuất đến từ Mỹ, bàn giao từ 2015 đến 2019.

Nói về tiềm năng gia tăng thị phần ở Việt Nam, đại diện Boeing cho biết đang nỗ lực làm việc với các hãng và cơ quan quản lý. "Chúng tôi đang làm việc với Cục Hàng Không Dân Dụng Việt Nam để chứng minh chất lượng và độ an toàn của máy bay Boeing. Hãng mong muốn có cơ hội hợp tác nhiều hơn và tự tin sản phẩm của mình có thể thuyết phục các hãng hàng không Việt Nam", ông Ralph L. "Skip" Boyce nói.

Trên thế giới, việc chênh lệch quá lớn về mặt thị phần giữa hai nhà sản xuất máy bay hàng đầu là Boeing và Airbus không thường xuyên diễn ra ở một khu vực, do các hãng hàng không muốn tạo lợi thế khi đàm phán giá với cả hai bên. Nhật Bản là trường hợp đặc biệt khi Boeing thống lĩnh tới 80% thị phần, do mối quan hệ đặc biệt với Mỹ, đồng thời do sự tham gia sâu của các nhà cung cấp linh kiện Nhật Bản vào quá trình sản xuất máy bay Boeing.

Thị phần của các nhà sản xuất máy bay thế giới hiện nay

thi-phan-4915-1414056199.jpg

(Nguồn: Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương - CAPA)

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích