Thông tư “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc” vừa được Bộ VH-TT&DL ban hành ngày 1/10, đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của những người nghiên cứu lịch sử, văn hóa cũng như giới luật sư và doanh nhân. Bà Ninh Thị Thu Hương - Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, thuộc Bộ VH-TT&DL, đơn vị trực tiếp soạn thảo thông tư này, cho biết:
“Bộ VH-TT&DL không tự nghĩ ra những điều khoản trong thông tư này, mà đây là những quy định được bộ soạn thảo căn cứ trên nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ năm 2013 về đăng ký doanh nghiệp. Và Bộ VH-TT&DL ban hành thông tư đó theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc cấm dùng tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp đã được quy định tại khoản 3, điều 14, nghị định về đăng ký doanh nghiệp của Chính phủ trước đó rồi. Nên nếu mọi người hỏi lý do vì sao lại cấm thì nên hỏi Chính phủ chứ không thể hỏi Bộ VH-TT&DL được.
Việc đặt tên đường, tên trường, tên đơn vị hành chính được mà tên doanh nghiệp không được thì Bộ cũng không trả lời được”.
Theo bà Hương, việc xác định những ai là “danh nhân” mới đang trong quá trình Chính phủ yêu cầu Bộ VH-TT&DL đề xuất để Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền khác sẽ quyết định xem ai là danh nhân không được doanh nghiệp đặt tên. Lúc đó mới thực hiện thông tư này được.
Bà Hương nói: “Khi chưa có văn bản quy định những ai được coi là “danh nhân” thì các doanh nghiệp được đặt tên bình thường, còn khi nào có văn bản quy định những ai là “danh nhân” thì lúc đó doanh nghiệp mới bị cấm đặt tên. Còn bây giờ, kể cả sau ngày 25/11/2014, mà vẫn chưa có văn bản xác định những ai là “danh nhân” thì doanh nghiệp chưa bị ràng buộc bởi điều khoản không lấy tên danh nhân đặt tên doanh nghiệp của thông tư này”.
Một doanh nghiệp có tên riêng trùng với tên danh nhân. |
Bà cũng nói thêm thông tư quy định chỉ áp dụng cho những trường hợp doanh nghiệp đặt tên sau này, không quy định doanh nghiệp về mặt hồi tố, nên các doanh nghiệp đã đặt tên rồi thì không phải sửa đổi.
1. Sử dụng tên trùng tên danh nhân, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người thành lập doanh nghiệp khi đặt tên doanh nghiệp theo tên riêng của mình nhưng trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân thì phải đặt đầy đủ họ, tên theo đúng tên ghi trong giấy khai sinh của người thành lập doanh nghiệp;
b) Trường hợp doanh nghiệp do nhiều tổ chức, cá nhân sáng lập dự định đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên riêng của một trong số những người sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì việc đặt tên doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này;
c) Trường hợp đặt tên riêng doanh nghiệp bằng cách sử dụng tên ghép của tổ chức, cá nhân sáng lập nhưng trùng với tên danh nhân thì phải có dấu gạch nối (-) giữa các tên tổ chức, cá nhân sáng lập được ghép.
2. Sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.
3. Sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc...
Ngoài những nội dung về việc doanh nghiệp đặt tên “vi phạm truyền thống”, thông tư cũng quy định thêm về việc đặt tên doanh nghiệp vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc với các trường hợp: sử dụng từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới...
Theo thông tư của Bộ VH-TT&DL, doanh nghiệp không được lấy tên danh nhân Lý Thường Kiệt như thế này. |
Với nội dung “Hướng dẫn đặt tên doanh nghiệp phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc”, thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL đã được Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh ký ngày 1/10/2014. Thông tư có giá trị thực thi từ ngày 25/11.
C.K.(trích từ thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL)
Các rạp chiếu phim ở TP.HCM và Hà Nội đều bị vướng điểm “nhạy cảm” này. Có thể thấy doanh nghiệp Công ty cổ phần phim Thiên Ngân hiện đang sở hữu các cụm rạp chiếu phim Galaxy, các cụm rạp thuộc công ty này đặt tên theo tên con đường mà cụm rạp hiện diện. Đó là: Galaxy Nguyễn Du (đây là tên sử dụng trên website chính thức của các cụm rạp thuộc Công ty cổ phần phim Thiên Ngân - tên trong giấy phép đăng ký kinh doanh là rạp chiếu phim Thiên Ngân - 116 Nguyễn Du). Tương tự là các cụm rạp Galaxy Nguyễn Trãi, Galaxy Kinh Dương Vương và sắp tới đây sẽ là Galaxy Quang Trung.
Hệ thống cụm rạp CGV cũng có tên tắt cho các cụm rạp của mình liên quan đến danh nhân như CGV Hùng Vương (hiện diện ở tòa nhà Hùng Vương Plaza) hay CGV Bà Triệu (vì nằm trong tòa nhà Vincom Bà Triệu, Hà Nội). Tương tự, rạp Kim Đồng ở Hà Nội, rạp Cinebox Lý Chính Thắng ở TP.HCM...- CK
Luật sư NGUYỄN QUANG NGỌC (công ty luật quốc tế Thiên Việt, Đoàn luật sư Hà Nội):
Thông tư này gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp mà giới luật sư chúng tôi cần phải bàn luận. Thông tư chưa trả lời được những câu hỏi cần thiết: Thứ nhất, thế nào là danh nhân, và những ai trong lịch sử nước ta được coi là danh nhân? Thứ hai, thế nào là những địa danh trong thời kỳ bị xâm lược? Thứ ba, những doanh nghiệp đã đặt tên rồi thì họ có phải đổi tên hay không? Nếu buộc phải đổi tên thì chi phí đổi tên ấy do ai chi trả?
Trong chừng mực nào đó, tôi thấy đây là hành vi ứng xử thiếu văn hóa với cộng đồng doanh nghiệp của cơ quan nhà nước.
Những gì mà pháp luật quy định không phù hợp với cuộc sống thì trước sau cũng không thể áp dụng chung, vậy nên cần bỏ trước khi văn bản có hiệu lực, đừng để đưa ra áp dụng rồi mới mang đi sửa.
GS.TSKH sử học VŨ MINH GIANG (Đại học Quốc gia Hà Nội):
Lấy tên một nhân vật trong lịch sử để đặt tên đường, tên phố, tên doanh nghiệp... là sự du nhập văn hóa theo hướng văn minh, là một tập quán hay mà người Việt Nam học hỏi được từ phương Tây. Trong lịch sử, chúng ta đã từng biết những doanh nghiệp: Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, nhà máy cơ khí Quang Trung, Lê Lợi... Nên trước khi quy định việc doanh nghiệp lấy tên danh nhân để đặt tên là vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc thì phải nói rõ đó là truyền thống lịch sử như thế nào?
Theo tôi, việc lấy tên danh nhân đặt tên cho doanh nghiệp là việc làm góp phần tôn vinh những nhân vật lịch sử của nước ta. Quy định này vô tình là sự kỳ thị doanh nghiệp, không đúng với tinh thần tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân của Đảng và Nhà nước ta.
GS NGÔ ĐỨC THỊNH (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam):
Tôi chưa hiểu và chưa tìm ra logic về mặt văn hóa ở những điều khoản quy định ấy. Người ta có thể lấy tên danh nhân đặt tên đường, tên cơ quan hành chính địa phương, tên trường học... thì sao với doanh nghiệp lại cho là vi phạm truyền thống lịch sử dân tộc? Nếu chưa xác định được những ai trong lịch sử nước ta là “danh nhân” thì càng chưa thể đưa ra thông tư này. Doanh nghiệp họ muốn tôn vinh danh nhân thì mới đặt tên. Việc đó cũng không ảnh hưởng đến uy tín của danh nhân, mà còn là cách để tôn vinh những danh nhân đó.
Ngay cả việc lấy tên địa danh trong thời kỳ bị xâm lược đặt tên doanh nghiệp, tôi chưa thấy có hại gì, ngược lại còn có lợi là nhắc nhở mọi người hôm nay nhớ đến một thời quá khứ của dân tộc.
Luật sư HÀ HẢI (Đoàn luật sư TP.HCM):
Điều 2 của thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL xác định đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc là mang tính chất cảm tính, phiến diện và chưa thuyết phục.
Từ trước đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa thế nào là hành vi vi phạm “truyền thống văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục dân tộc”, “quy định về cấm đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân”, danhsách danh nhân gồm những ai.
Thực tế hoạt động nghề nghiệp chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp hiện không biết tên nào là tên danh nhân và không được dùng, vì không có một danh sách tên danh nhân nào để tham khảo cả. Tiêu chí xác định ai là danh nhân cũng không có, dễ dẫn đến tình trạng cán bộ cấp phép theo cảm tính. Sở Kế hoạch - đầu tư cấp giấy phép đăng ký kinh doanh cũng được, từ chối cấp phép cũng được. Hoàn toàn không có cơ sở pháplý để trả lời cho doanh nghiệp.
Có doanh nghiệp đăng ký tên công ty TNHH Lê Quý Đôn, công ty CP Hùng Vương... lập tức bị cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh bác bỏ. Thậm chí có công ty nước ngoài vào VN khi đặt tên doanh nghiệp cũng phản ảnh tình trạng rắc rối này khiến doanh nghiệp phải sửa tới sửa lui rất mất thời gian và phiền phức.
Thông tư quy định cấm đặt tên doanh nghiệp trùng với tên danh nhân xuất phát từ truyền thống tôn trọng lịch sử, tôn trọng danh nhân văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, ý tưởng này lại quá thiên về phạm trù đạo đức xã hội. Trong khi một quy phạm pháp luật được ban hành ngoài việc phải thỏa mãn các chuẩn mực đạo đức xã hội còn phải đáp ứng các yêu cầu mang tính pháp lý. Nghĩa là phải có luật quy định cụ thể thì mới có thể ban hành thông tư.
Nếu luật chưa có quy định mà thông tư lại quy định là thiếu cơ sở pháp lý. Do đó, ở góc độ pháp lý, quy định không được đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân là hạn chế quyền tự do của doanh nghiệp mới thành lập, gây khó khăn cho doanh nghiệp đã và đang hoạt động trong việc định dạng thương hiệu, cạnh tranh với doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo TTO