Thái độ của ông tổng Samsung

Thứ năm, 27/11/2014, 06:49
Trong một cuộc tọa đàm, sau khi các vị đại biểu có tên tuổi của Việt Nam lần lượt bước lên sân khấu, đứng trước bục và trang trọng đọc những bài diễn văn cấu tứ cầu kỳ, thì đến lượt ông tổng giám đốc của tổ hợp Samsung Việt Nam...

Ông này đứng dậy, không bước lên sân khấu, mà đứng ngay dưới lối đi và bắt đầu cầm mic nói chuyện. Ông cũng không có tờ giấy cầm tay nào, cũng không có bài diễn văn, mà bắt đầu bằng việc... đùa với các bạn sinh viên đang ngồi phía dưới.

Đó là người đứng đầu một tổ hợp công nghiệp chiếm tới gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Và có lẽ sự khác biệt giữa một nhà quản trị thuộc đế chế kinh tế tầm cỡ thế giới với các lãnh đạo bình thường nằm cả ở chi tiết này.

Tất nhiên, người ta hiểu rằng có thể việc ông Shim Won Hwang, tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam đứng “dưới đất” thay vì bước lên bục phát biểu, là kết quả của một đội ngũ tư vấn hình ảnh tốt.  Hoặc có thể đơn giản là ông chủ động làm như vậy. Người Hàn Quốc vốn là những bậc thầy châu Á về truyền thông.

Cuộc tọa đàm được thực hiện với khán giả là các bạn sinh viên của Đại học Kinh tế quốc dân, và với người trẻ thì sự thân thiện và cởi mở trong những cuộc giao tiếp rõ ràng “dễ nuốt” hơn là những diễn văn được đọc trên bục.

Tổng giám đốc Shim Won Hwan giao lưu vui vẻ với sinh viên

Chuyện càng rõ ràng hơn, khi mà đến cuối buổi chia sẻ, ông Shim Won Hwang được một bạn sinh viên hỏi về đòi hỏi năng lực của Samsung. Ông Shim trả lời, rằng với Samsung, thì thái độ quan trọng hơn kỹ năng.

Việc ông đứng dưới lối đi, ngay cạnh các bạn sinh viên, và cùng đùa những câu dí dỏm thay vì một bài diễn thuyết mang tính triết học, chính là một hành vi điều chỉnh thái độ đầy khoa học.

Ông Shim kể rằng trước khi mình nhậm chức, thì ở Samsung Việt Nam, nhân viên người Việt Nam phải ăn sau nhân viên người Hàn Quốc. Ông đến, và bỏ đi “hủ tục” này. Mọi người ăn cơm cùng nhau. Ông cũng không cho phép sử dụng từ “công nhân” để gọi lao động trong Samsung – tất cả đều được gọi là “nhân viên”.

Người ta biết thừa rằng lý do quan trọng nhất để Samsung chọn Việt Nam làm “địa chỉ đỏ” đầu tư trong những năm qua là bởi giá lao động Việt Nam vẫn thấp. Đặc biệt là trong bối cảnh giá lao động Trung Quốc đang tăng.

Những nhà tư bản làm việc vì lợi nhuận. Nhưng cái thái độ mà ông Shim nói riêng và cả Samsung nói chung (họ đang tổ chức một chuỗi chương trình mang tên “Cám ơn Việt Nam”), đang mang tới nước ta, khiến người ta phải suy ngẫm. Họ tỏ ra cầu thị mọi lúc.

Thái độ có thể tạo ra nhiều giá trị hơn kỹ năng? Có thể điều đó đúng với Hàn Quốc, nơi có nền đào tạo kỹ năng đồng đều và chất lượng, nhưng chưa đúng với nước ta. Nhưng dù thế nào thì “thái độ” cũng rất quan trọng và chắc chắn tạo ra những lợi ích lớn.

Bài học về “thái độ” mà ông tổng Samsung đem tới, tất nhiên không chỉ dành cho các bạn sinh viên trường Kinh tế ngày hôm qua...

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn