Xử lý cá nhân
Không khí cuộc họp nóng và căng thẳng bởi sự cố nghiêm trọng này chưa từng xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Đặc biệt, đây lại do lỗi chủ quan của con người.
“Nếu cần thiết sẽ tiến hành xử lý hình sự đối với người trực tiếp gây ra xem có phải là cố tình phá hoại hay không”, ông Đinh La Thăng nói. “Sự cố này không chỉ gây ảnh hưởng đến kinh tế của các hãng hàng không. Sự cố không chỉ uy hiếp trực tiếp đến an toàn hàng không mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của ngành giao thông vận tải và hình ảnh của đất nước”.
Đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, mới được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2013 và khánh thành đầu tháng 7/2013 - Ảnh: Cục Hàng không Việt Nam. |
Ông cũng yêu cầu cần điều tra cụ thể và nhắc nhở về năng lực, trình độ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM).
Nếu trong giai đoạn mất điện, mất kiểm soát đó, có một tai nạn hoặc một chuỗi tai nạn hàng không xảy ra thì hậu quả sẽ thật khủng khiếp... Vì thế, ông Thăng nhấn mạnh quyết không để những tồn tại “không thể chấp nhận” xảy ra như vậy.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ thành lập tổ điều tra do Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh làm tổ trưởng cùng các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, xử lý trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan đến sự cố.
Riêng đối với công tác nhân sự của VATM, Bộ sẽ thành lập hội đồng để đánh giá lại toàn bộ chất lượng nguồn nhân lực từ Chủ tịch, Tổng giám đốc đến các nhân viên của đơn vị này.
Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định: “Toàn bộ số nhân viên yếu kém của VATM phải cho nghỉ việc ngay. Số có chất lượng trung bình sẽ cho đào tạo lại trong thời gian nhất định, nếu không được sẽ chấm dứt hợp đồng”.
“Lỗi chủ quan”
Liên quan đến sự cố mất điện tại trạm kiểm soát không lưu diễn ra ngày 20/11, ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc VATM nói: “Sự cố mất điện là do lỗi chủ quan của con người gây ra”.
Ông Thắng cho biết, nguồn điện cung cấp cho hệ thống điều hành không lưu tại sân bay Tân Sơn Nhất gồm 3 cấp: Hệ thống điện lưới (bao gồm hai nguồn điện), máy phát điện dự phòng (gồm 3 máy phát) và 3 hệ thống lưu điện (UPS) để nguồn điện cho hệ thống không ngắt đột ngột. Trong thiết kế đảm bảo 99,9% nguồn điện sẽ không bao giờ bị ngắt, nếu không có sự tác động của con người.
Thông tin về diễn biến của sự cố, ông Thắng nói, lúc 11h ngày 20/11, các nhân viên kỹ thuật của Công ty Quản lý bay miền Nam thực hiện công tác ngắt điện lưới để kiểm tra định kỳ hệ thống máy phát điện. Sau khi tiến hành ngắt điện, 3 máy phát vẫn hoạt động bình thường.
Đến 11h05, một hệ thống UPS báo lỗi. Theo quy trình, trước hết các nhân viên kỹ thuật phải cô lập toàn bộ hệ thống UPS bị lỗi, rồi mới tiến hành sửa chữa. Tuy nhiên, kíp trưởng của ca trực là Lê Trí Tình đã thực hiện sai thao tác dẫn tới toàn bộ hệ thống điện bị sập.
“Ngay trên máy đã dán biển chữ rất lớn và rõ ràng để cảnh báo, khi 3 hệ thống UPS đấu song song với nhau nếu ấn vào nút ngắt nguồn (OFF) thì các hệ thống UPS còn lại sẽ thoát ra khỏi hệ thống. Do không nắm được kỹ thuật nên anh Tình chưa ngắt UPS bị lỗi mà đã nhấn nút ngắt tải, nên hai hệ thống UPS còn lại cũng lập tức bị sập”, ông Thắng nói.
Về nguyên lý, khi hệ thống UPS bị sập thì cũng không thể mất điện được nếu nhân viên kỹ thuật đóng lại điện lưới. Tuy nhiên, khi xảy ra tình huống này, nhân viên kỹ thuật xử lý luống cuống, thay vì chạy ra đóng lại điện thì nhân viên lại tiến hành sửa UPS.
Ông Thắng cũng cho biết, sau khoảng 14 phút sự cố xảy ra, các nhân viên mới tiến hành đóng lại điện lưới, nhưng trong quá trình này, nhân viên Lê Trí Tình lại có một tác động can thiệp sai vào UPS khiến UPS nhảy ngược lại và hệ thống lại tiếp tục mất điện.
Đến 11h36 (sau khi sự cố diễn ra được 31 phút), nguồn điện phục vụ cho hệ thống mới được khôi phục hoàn toàn và đến 11h40 cùng ngày, hệ thống điều hành bay hoạt động trở lại.
Chính bản thân ông Thắng cũng thừa nhận, đây là một sự cố nghiêm trọng và không thể chấp nhận được.
Công trình 400 tỷ đồng Theo thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam, dự án đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 400 tỷ đồng, khởi công ngày 5/12/2009, đưa vào khai thác từ ngày 16/6/2013 và khánh thành ngày 2/7/2013. Công trình đảm nhiệm cung cấp các dịch vụ điều hành bay 24/24 giờ bao gồm: Kiểm soát tiếp cận, kiểm soát tại sân, kiểm soát mặt đất, kiểm soát sân đỗ, kiểm soát các hoạt động bay quân sự cho tất cả các hoạt động bay đi, đến sân bay Tân Sơn Nhất. Một số gói thầu chính của dự án bao gồm: gói thầu tư vấn thiết kế do Công ty Tư vấn sân bay Nhật Bản (JAC) thực hiện; gói thầu tư vấn giám sát do Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định xây dựng (CONINCO) thực hiện; gói thầu xây dựng công trình do Tổng công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Nam (CTX Holdings) thực hiện; gói thầu hệ thống radar mặt đất do nhà thầu HITT, Hà Lan cung cấp và lắp đặt; gói thầu các hệ thống kỹ thuật chuyên ngành quản lý bay do nhà thầu GECI, Tây Ban Nha cung cấp và lắp đặt. Các hệ thống kỹ thuật của công trình được nhập ngoại, bao gồm: 6 hệ thống kỹ thuật dân dụng, trong đó có hệ thống quản lý tòa nhà thông minh (BMS) và 12 hệ thống kỹ thuật chuyên ngành quản lý bay, được thiết kế, trang bị và thử nghiệm để đạt được các tiêu chuẩn khai thác cao nhất, an toàn nhất theo các quy định của ICAO. Cục Hàng không Việt Nam đã cấp giấy phép khai thác cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay sau khi kiểm tra, đánh giá toàn diện về các tính năng kỹ thuật của các hệ thống, thiết bị kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, công tác đào tạo, huấn luyện nhân viên vận hành, khai thác, các văn bản pháp lý, tài liệu hướng dẫn khai thác và các phương thức bay. |
Theo VnEconomy