Mất điện ở sân bay Tân Sơn Nhất: ‘Nếu làm đúng quy trình, điện sẽ có lại sau 5 phút’

Thứ hai, 24/11/2014, 11:27
Trong sự cố mất quyền điều hành hệ thống không lưu ở sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua, một số chuyên gia cho rằng hệ thống điện ở sân bay này đang có vấn đề về quy trình thiết kế, vận hành lẫn bảo dưỡng. 

Nguồn điện rất quan trọng ở các trung tâm điều khiển như đài kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Ngọc Lắm - Phó giám đốc Trung tâm điều hành mạng của Công ty cổ phần FPT Telecom - cho biết qua thông tin trên báo chí thì đây không phải là sự cố mất điện lưới mà lỗi từ thiết bị lưu điện (UPS), tức là UPS bị “chết” và không thể đưa điện vào thiết bị ở đài kiểm soát không lưu.

UPS (Uninterruptible Power Supplier) được hiểu như là hệ thống nguồn cung cấp liên tục hay đơn giản hơn là bộ lưu trữ điện dự phòng nhằm làm tăng độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống.

Ông Lắm cho hay trong trường hợp này lỗi có thể từ những khâu thiết kế, giám sát và vận hành hệ thống điện tại sân bay. Bởi vì với tầm quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, ngoài hệ thống điện lưới, máy nổ, UPS dự phòng... sân bay này bắt buộc phải có hệ thống bypass (vượt qua). Trong trường hợp UPS bị hỏng, hệ thống bypass sẽ tự động không qua UPS mà lấy điện trực tiếp từ hệ thống điện lưới để chuyển tới thiết bị.

“Trong trường hợp không bật tự động bypass, người vận hành chỉ mất chừng một phút bật hệ thống để kết nối nguồn điện. Ở trường hợp này có thể khi thiết kế, sân bay này không có bypass mới dẫn đến việc mất điện hơn một tiếng”, ông Lắm nói.

UPS thực chất là hệ thống trữ điện. Nó chỉ được sử dụng khi điện lưới bị mất, trong vòng 15-20 phút, UPS sẽ duy trì nguồn điện trong khi chờ nguồn điện mới thay thế hay điện từ máy nổ.


Toàn cảnh đài kiểm soát không lưu sân bay Tân Sơn Nhất

Ông Lắm cho biết về nguyên tắc hệ thống điện ở sân bay cũng giống như FPT, tức là ngoài mạng điện lưới còn có điện dự phòng từ máy nổ, hệ thống UPS. FPT hiện nay có bốn “con” UPS với tổng công suất 3.200 KVA, có thể duy trì nguồn điện cho khoảng 2 quận ở TP.HCM khi có sự cố mất điện. Do tầm quan trọng nên giá UPS của FPT rất đắt, khoảng 180.000 USD/chiếc.

“Do cung cấp hệ thống mạng, dữ liệu cho các ngân hàng, doanh nghiệp lớn nên chúng tôi rất coi trọng hệ thống điện. Việc kiểm tra, bảo hành luôn được tiến hành thường xuyên bởi chỉ cần có sự cố mất điện, kéo theo sập mạng sẽ dẫn tới hậu quả rất nghiêm trọng”, ông Lắm nói.

Chúng tôi luôn đào tạo và đưa ra những phương án, tình thế liên qua đến nguồn điện để anh em kịp xử lý. Đưa ra tình huống giả định rất quan trọng bởi có những cái lâu ngày mình không thao tác dễ quên. Sau khi xảy ra sự cố điện ở sân bay, các sếp cũng lo và yêu cầu tôi phải  đảm bảo mọi phương án trong mọi tình huống
ÔngNguyễn Ngọc Lắm, Phó giám đốc Trung tâm điều hành mạng của FPT Telecom

Có thể một lúc “chết” ba UPS như Cục Hàng không đưa ra như trường hợp sân bay Tân Sơn Nhất được không? Ông Lắm cho biết thực tế vẫn có thể xảy ra nhưng chỉ ở trường hợp không chú trọng đến việc bảo hành, bảo dưỡng. Nhà khai thác luôn có phương án thay thế khi một UPS gặp sự cố và đây là tiêu chí bắt buộc khi vận hành, khai thác những thiết bị có yêu cầu cao về nguồn điện.

Chưa kể nhà sản xuất khuyến cáo cần phải kiểm tra UPS thường xuyên và thường trong vòng 3 năm là phải thay pin hay ắc quy trong UPS. Các UPS hiện đại sẽ có hệ thống tự động cảnh báo người sử dụng khi pin hay ắc quy yếu sắp hết.

Có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện và hiện phụ trách kỹ thuật Công ty Eaton (Mỹ) chuyên về phân phối UPS, ông Trần Văn Boom cho biết với những trung tâm dữ liệu, điều khiển có tính chất quan trọng thì thiết kế hệ thống điện phải cực kỳ chính xác và phải đảm bảo quy trình vận hành, dự phòng. Tức là nguồn điện hay UPS khi có sự cố phải có nguồn khác thay thế lập tức.

“Với các trung tâm dữ liệu không cho phép mất điện quá 5 ms. Nếu quá thì toàn bộ hệ thống server sẽ bị sập đem lại hậu quả rất lớn. Hệ thống điều khiển quan trọng cũng vậy”, ông Boom nói.

Về sự cố điện ở sân bay Tân Sơn Nhất, ông Boom chỉ ra có thể đến từ hai nguyên nhân là thiết kế liệu có đảm bảo và việc vận hành, dự phòng có đúng quy trình. Trong trường hợp UPS hỏng hết, sân bay này phải có hệ thống bypass lấy điện trực tiếp từ nguồn và thao tác của hệ thống này chỉ mất khoảng vài phút.

Liên quan đến UPS, ông Boom cho hay các UPS của thương hiệu nổi tiếng thì 1 tuần hay 1 tháng sẽ tự động kiểm tra một lần, nếu có sự cố sẽ cảnh báo trên màn hình để nhà khai thác kịp thay thế. Đối với nhà vận hành trong vòng 6 tháng hay một năm bắt buộc phải kiểm tra, bảo dưỡng.

“Nếu hệ thống điện ở sân bay Tân Sơn Nhất tuân thủ thiết kế, quy trình vận hành, bảo dưỡng, điện sẽ có lại trong vòng 5 phút kể từ khi xảy ra sự cố”, ông Boom khẳng định.

Ông Boom cũng cho biết thị trường UPS hiện "thượng vàng hạ cám", đắt rẻ đều có nhưng với các trung tâm dữ liệu, điều khiển quan trọng nên chọn UPS chất lượng, tên tuổi của các hãng của Mỹ, châu Âu.

Sáng 24/11, PV đã liên lạc với ông Đoàn Hữu Gia - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - để hỏi về hệ thống điện ở sân bay Tân Sơn Nhất có hệ thống bypass hay không. Ông Gia cho biết những vấn đề kỹ thuật nên trực tiếp liên hệ với bộ phận kỹ thuật, ở đây là Công ty Quản lý bay miền Nam.

Qua điện thoại, ông Đỗ Hoàng Điệp - Giám đốc Công ty Quản lý bay miền Nam - đơn vị điều hành không lưu ở sân bay Tân Sơn Nhất - cho biết 10 ngày qua ông Điệp đi chữa bệnh nên không nắm đầy đủ. Ông Điệp cho biết sau sự cố này Bộ Giao thông vận tải có đoàn kiểm tra và mọi thông tin sẽ được cung cấp sau khi kết thúc kiểm tra.

Trước câu hỏi hệ thống điện ở sân bay Tân Sơn Nhất có hệ thống bypass không, ông Điệp nói: "Nói chung hệ thống điện nào cũng có nguyên tắc cơ bản của nó. Hệ thống điện ở sân bay có bypass".

Theo Thanh Niên

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích