Chuyên gia, ĐBQH lên tiếng vụ "tê liệt sân bay Tân Sơn Nhất"

Thứ bảy, 22/11/2014, 15:02
“Mất điện hàng giờ tại Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh và cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) uy hiếp đến an toàn bay và uy tín của ngành hàng không bởi đây là sự cố chưa từng có và không đáng có…”, Nguyên Trưởng Phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất Lê Trọng Sành nhận định.

Gần 100 máy bay bị ảnh hưởng

Trưa 21/11, Công ty Quản lý bay miền Nam hoàn tất việc khôi phục nguồn điện cho thiết bị cuối cùng trong bộ lưu điện (UPS). Trao đổi với PV, đại diện Cty cho biết, khi sự cố mất điện xảy ra vào trưa 20/11, có 54 máy bay đang hoạt động trong khu vực trách nhiệm của AACC Hồ Chí Minh.

Hành khách sốt ruột và mệt mỏi chờ đợi vì trung tâm điều khiển không lưu của sân bay bị tê liệt.

Theo thống kê của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sự cố trên ảnh hưởng đến 92 máy bay và làm tê liệt hoạt động cất hạ cánh của nhiều chuyến bay. Nhiều máy bay trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay Hà Nội, Sanya, Phnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur phải đình hoãn cất cánh, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh tại sân bay dự bị.

Chiều 21/11, tại sân bay Tân Sơn Nhất, đại diện Tổng Cty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, có bốn chuyến bay Vietnam Airlines phải bay lòng vòng khoảng nửa giờ trên trời để chờ lệnh hạ cánh từ đài không lưu. Năm chuyến bay khác phải chuyển hướng hạ cánh và 14 chuyến bay hoãn giờ bay khiến hàng chục chuyến bay khác đã lên lịch bay bị ảnh hưởng. Đại diện hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific cho biết, sự cố mất điện ảnh hưởng đến hơn 30 chuyến bay, trong đó “thê thảm” nhất là chuyến bay từ Singapore về TP.HCM đã phải bay “chờ” trên trời gần một giờ.

Chất lượng thiết bị có vấn đề?

Theo ông Lê Trọng Sành, sự cố mất điện hàng giờ là cực kỳ nghiêm trọng, chưa từng xảy ra trên thế giới. Máy bay hiện nay có sức chở 300-400 hành khách, tốc độ rất lớn, mất điện vài phút là đã không thể chấp nhận. Nếu sự cố xảy ra đúng lúc máy bay đang cất, hạ cánh thì sẽ cực kỳ nguy hiểm, nhất là khi thời tiết xấu, phi công không nhìn rõ đường băng, không rõ máy bay nào cất cánh, máy bay nào đang hạ cánh. Thời tiết tốt, nếu điều khiển không lưu bị tê liệt thì có nguy cơ va chạm với các chướng ngại vật (người, xe) đang hoạt động trên đường băng.

“Tuy chưa xảy ra tai nạn nhưng sự cố đã tiêu tốn rất nhiều xăng dầu. Máy bay phải quay lại hoặc bay đến các sân bay khác hạ cánh. Ngoài uy hiếp an toàn bay, sự cố này làm giảm uy tín của ngành hàng không. Bạn bè trên thế giới nghĩ gì về sự cố hy hữu, không đáng có này lại xảy ra tại một sân bay quốc tế hiện đại, lớn nhất cả nước như sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Sành nói.

Ông Sành cho rằng, có ba nguồn cung cấp điện cho hoạt động của trung tâm điều khiển không lưu là điện lưới, máy nổ và các bộ tích điện UPS. Vì vậy, cần làm rõ vì sao khi bộ tích điện UPS gặp sự cố lại không có nguồn cung cấp điện nào khác dự phòng để thay thế, dẫn đến hoạt động của sân bay Tân Sơn Nhất hoàn toàn bị tê liệt trong hơn một giờ.

PGS.TSKH Nguyễn Thiện Tống, nguyên chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, cho rằng, trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp nào tương tự. Ông Tống nói, lý giải của ngành hàng không về nguyên nhân sự cố rất khó chấp nhận. Để duy trì hoạt động của trung tâm điều khiển không lưu, chỉ cần một thiết bị lưu điện, trong khi đó bộ UPS có đến ba thiết bị như thế.

“Một số học trò cũ của tôi đang làm cho một đơn vị tư vấn của Nhật về các dự án sân bay tại Việt Nam cho biết chất lượng nhiều thiết bị tại một số sân bay không tốt, hạn chế năng lực điều hành bay. Sự cố vừa qua là lỗi hệ thống trong công tác kiểm tra, giám sát”, ông Tống nói.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa:

Sai sót cực kỳ nguy hiểm!

Vụ việc mất điện dẫn đến ngành hành không mất quyền điều hành bay ở khu vực TP.HCM là sự cố, sai sót cực kỳ nguy hiểm. Vì mất quyền điều hành bay có thể xảy ra những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến hàng chục chiếc máy bay với hàng nghìn hành khách. Và nếu xảy ra sự cố thì thật không thể lường được.

Ngành hàng không đến nay đã đủ trưởng thành để phải biết làm gì bảo đảm an toàn bay tuyệt đối. Vụ việc như vừa qua là không thể chấp nhận được. Bởi tác hại của nó ghê gớm lắm, không chỉ ảnh hưởng đến thương hiệu uy tín của ngành hàng không mà còn của cả quốc gia. Chúng ta không cho phép lặp lại sự cố xảy ra thêm một lần nữa.

Theo Tiền Phong

Các tin cũ hơn