Thấy gì từ con số hơn 200 người siêu giàu ở Việt Nam?

Thứ năm, 27/11/2014, 10:56
PGS,TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội bình luận gì về con số hơn 200 người siêu giàu ở Việt Nam vừa được UBS và Wealth-X công bố?

Theo báo cáo World Ultra Wealth Report 2014 vừa công bố của UBS và Wealth-X, số người siêu giàu Việt Nam đã tăng 15 so với năm ngoái, lên 210 người. Theo định nghĩa của báo cáo, người siêu giàu là những cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD.

Mặc dù đây còn là một con số khiêm tốn so với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… nhưng cũng cho thấy Việt Nam đang có xu hướng phát triển bắt nhịp với nền kinh tế khu vực và thế giới.

Thấy gì từ con số hơn 200 người siêu giàu ở Việt Nam?
Số người siêu giàu của Việt Nam ngày càng tăng Ảnh minh họa

PGS,TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc cho rằng việc tăng số lượng người siêu giàu phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta đang có bước tiến lên phía trước, bắt nhịp với thế giới nên xuất hiện nhiều hơn người giàu.

Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, con số này cũng phản ánh một thực trạng khác của nền kinh tế, đó là sự chênh lệch phát triển, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng lớn thêm. Sự tiến lên một bước như thế nhưng sự phân bổ của cải không đồng đều nên có sự tập trung vào một số người.

- Trong bối cảnh nền kinh tế đang có không ít khó khăn, theo ông việc Việt Nam có số người siêu giàu tăng lên có phải là đáng mừng?

Thấy gì từ con số hơn 200 người siêu giàu ở Việt Nam?
PGS,TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (ảnh HL)

Nếu những người siêu giàu đó mà kinh doanh hợp pháp lành mạnh và đặc biệt là phát triển trong những ngành tiên tiến, ngành áp dụng những công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, những giải pháp về quản trị hiện đại mà trở nên siêu giàu như thế thì rõ ràng là điều đáng mừng.

Tuy nhiên nếu như những người tự nhiên siêu giàu do lợi dụng kẽ hở trong quản lý, do những yếu tố không phải xuất phát từ năng suất, đổi mới sáng tạo, không phải là những yếu tố bền vững thì cái đó lại là vấn đề đáng quan ngại.

- Theo quan điểm của ông, trong cơ chế hiện nay của Việt Nam, nhiều Luật còn có những kẽ hở nhất định cho môi trường đầu tư, kinh doanh, thì liệu điều đó có tạo ra kẽ hở làm giàu không chính đáng không?

Đã gọi là làm giàu không chính đáng thì có nghĩa họ đã lợi dụng các lỗ hổng về quản lý, thậm chí có thể vi phạm các quy định của pháp luật.

Nhưng tất nhiên mình phải căn cứ vào các trường hợp cụ thể để có sự đánh giá cụ thể, chính xác chứ không thể nói một cách chung là những người siêu giàu, những doanh nghiệp đó vi phạm. Cũng có nhiều người, nhiều doanh nghiệp họ làm ăn rất chính đáng, làm giàu rất chính đáng.


- Ông đánh giá thế nào nếu phần lớn những người siêu giàu của Việt Nam là nhờ vào kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu?

Đúng là có nhiều doanh nghiệp siêu giàu ở nước ta chủ yếu nhờ vào kinh doanh bất động sản là chính. Vấn đề bây giờ là chúng ta phải làm thế nào đó để những người giàu Việt Nam giàu lên nhờ các lĩnh vực liên quan phát triển công nghiệp, liên quan đến đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, lĩnh vực ứng dụng nhiều khoa học công nghệ, sử dụng nguồn lao động có chất lượng.

Phần lớn những tỷ phú trên thế giới thì họ giàu lên nhờ việc đầu tư vào khoa học công nghệ ở trong những ngành công nghiệp mới.

Đương nhiên cũng có những tỷ phú giàu lên nhờ tài nguyên như tỷ phú dầu mỏ chẳng hạn, cũng không phủ nhận. Nhưng khi nào trong danh sách nhà siêu giàu Việt Nam xuất hiện nhờ phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đầu tư khoa học công nghệ, nhờ vào đổi mới quản trị, sáng tạo thì khi đó chúng ta mới có thể đánh giá sự giàu có đó là bền vững, nó phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa.


- Ông nhìn nhận như thế nào về khoảng cách giàu nghèo hiện nay, khi mà có nhiều người bữa cơm 2000 đồng cũng thiếu, trong khi đó có rất nhiều người ngày càng giàu đến mức siêu giàu?


Đúng là sự chênh lệch, khoảng cách giàu nghèo của chúng ta hiện nay đang có xu hướng là rộng ra, giữa các khu vực, giữa nông thôn rồi thành thị, giữa các nhóm, các ngành nghề khác nhau đang ngày càng có khoảng cách rộng. Có những nhóm người thì giàu lên rất nhanh, nhưng cũng có người thì vẫn ở một trình độ phát triển hết sức thấp, đời sống rất nhiều khó khăn.

Số người siêu giàu tăng lên đã phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta đang có bước tiến lên phía trước, bắt nhịp với thế giới.

PGS,TS. Lê Bộ Lĩnh


Nhìn chung trong cơ chế thị trường thì không tránh khỏi sự phân hóa, nhưng mà mức độ phân hóa như thế nào đó để chấp nhận được thì chúng ta rất quan tâm đến việc đó.

Cũng phải nhìn nhận sự giàu lên của một nhóm người ở hai mặt. Một mặt nó tạo ra một cái khoảng cách chênh lệch, nhưng mặt khác thì những người giàu người ta cũng có nhiều đóng góp, thông qua đóng góp về thuế, đóng góp về mặt từ thiện, xã hội… Những cái đó cũng giúp cải thiện đời sống của người nghèo.

Nhưng mà xét về mặt lâu dài, về mặt định hướng chính sách thì chúng ta cũng phải có cơ chế chính sách thế nào đó để tạo cơ hội cho mọi người dân làm giàu và cải thiện cuộc sống của mình, cái đó mới là cái quan trọng.

Tức là chúng ta làm thế nào đó để tăng trưởng trong công bằng, tăng trưởng cùng chia sẻ. Khi mà nền kinh tế tăng trưởng thì mỗi người dân đều cảm thấy mình có phần đóng góp trong đấy và mình được thụ hưởng thành tựu của cái tăng trưởng thì đó là cái chúng ta mong muốn và cái chúng ta cần phải hướng tới để có sự phát triển bền vững.

- Như vậy cần có chính sách như thế nào để đạt được mục tiêu về sự cân bằng như ông vừa nói?

Cái đó chúng ta đã và đang cố gắng thực hiện, đó là chúng ta phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, cho mọi người dân. Khi môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế, cho mọi người dân, thì cái đó rất cần thiết để phát huy nguồn lực, nội lực của từng người dân, của tất cả các thành phần kinh tế.

Có một môi trường cạnh tranh bình đẳng, môi trường kinh doanh bình đẳng thì nó sẽ tạo ra một sự phát triển hài hòa, phát triển cân bằng. Đó là điều chúng ta đang nỗ lực hướng tới.

Theo VTCNews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích