Nữ tướng của Thiên Nam

Thứ ba, 25/11/2014, 14:16
Khả năng nhìn người của vị nữ chủ tịch là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của Thiên Nam.

Con đường để Thiên Nam trở thành thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực nhập khẩu thép và công nghệ thực phẩm cũng là hành trình hơn 14 năm của một người phụ nữ nghị lực. Đó chính là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần TM-XNK Thiên Nam (TNA).

“Chẳng có gì đặc biệt trong quá trình phát triển Thiên Nam. Chúng tôi chỉ phát triển một cách bình bình. Thiên Nam là doanh nghiệp quá nhỏ trên sàn chứng khoán”, bà Hiệp mở đầu buổi trò chuyện với người viết tại văn phòng ở tòa nhà Thiên Nam, đường Ngô Gia tự, quận 10, TP.HCM. Dù chỉ có 12 tầng, nhưng đây là cao ốc văn phòng cao nhất con đường và đóng góp gần 3 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm cho Thiên Nam.

Công ty Cổ phần TM-XNK Thiên Nam tiền thân là công ty Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu quận 10 (TENIMEX), một doanh nghiệp trực thuộc UBND Quận 10, TP.HCM. Năm 2000, TENIMEX chính thức chuyển đổi thành Công ty Cổ phần với vốn điều lệ ban đầu 13 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp thương mại dịch vụ cấp Quận đầu tiên của TP.HCM thực hiện cổ phần hóa theo chủ trương của Chính phủ.

Quả thật, với doanh thu năm 2013 chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng, quy mô của Thiên Nam chưa thể so sánh với nhiều doanh nghiệp khác. Mô hình kinh doanh của Công ty cũng không có gì đặc biệt. Thiên Nam hoạt động trong lĩnh vực thương mại dịch vụ với 3 ngành hàng kinh doanh chủ lực là kim loại đen, công nghệ thực phẩm và bất động sản.

Tuy nhiên, những chỉ số mà ban lãnh đạo công ty công bố trong dịp kỷ niệm 14 năm vừa qua đã cho thấy những bước tiến đáng ghi nhận. Ví dụ, doanh thu của Thiên Nam đã tăng gấp 8,5 lần; lợi nhuận trước thuế tăng gấp 17 lần. Cổ tức cũng tăng gấp 1,7 lần và luôn ổn định ở mức 20%/năm.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần TM-XNK Thiên Nam.

Bà Nguyễn Thị Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty Cổ phần TM-XNK Thiên Nam.

Đặc biệt, thu nhập bình quân người lao động đã tăng 14 lần lên mức 14 triệu đồng/người/tháng, so với bình quân 900.000 đồng/người/tháng vào năm 2000. Dường như, đây cũng chính là điều khiến bà Hiệp hài lòng nhất với Thiên Nam. “Khi quyết định đảm nhiệm Thiên Nam hơn 14 năm trước, mục đích ban đầu của tôi chỉ là muốn mang lại một cuộc sống tốt hơn cho chính mình và nhân viên”, bà chia sẻ.

Ðơn giản là vậy, nhưng ba năm đầu tiên trên cương vị mới ở Thiên Nam là một sự khởi đầu không dễ dàng với vị nữ Chủ tịch, nhất là khi công ty đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình nhà nước sang cổ phần. “Hồi đó, Thiên Nam chưa có lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh chủ lực nào. Tài sản lớn nhất là một số mặt bằng tại khu vực quận 10”, bà Hiệp nhớ lại.

Sang nhiệm kỳ thứ hai, khi việc chuyển đổi đã gần xong, bà Hiệp quyết định phải tuyển ngay một Tổng Giám đốc để giúp công ty tìm ra phương hướng kinh doanh mới. Và chính nhân vật này đã giúp xác định một ngành kinh doanh về sau trở thành chủ lực của Thiên Nam: Kinh doanh sắt thép. Chỉ sau 1 năm có Tổng Giám đốc, lợi nhuận của Thiên Nam tăng gấp đôi. Người đó chính là ông Ngô Hữu Hoàn, Tổng Giám đốc hiện tại của công ty.

Khả năng nhìn người của bà Hiệp không chỉ được thể hiện qua việc mời ông Ngô Hữu Hoàn về làm Tổng giám đốc cho Thiên Nam. Trường hợp của ông Nguyễn Phan Bảo Anh, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghệ phẩm Thiên Nam cũng là một thành công về cách dùng người của bà Hiệp.

Trước khi trở thành Giám đốc, ông Nguyễn Phan Bảo Anh chỉ là một nhân viên bình thường trong mảng kinh doanh thực phẩm của Thiên Nam. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng của Bảo Anh, bà Hiệp đã thành lập công ty Công nghệ phẩm Thiên Nam và đưa ông lên vị trí Giám đốc. Ba năm sau đó, ông Bảo Anh đã đưa Thiên Nam trở thành một tên tuổi lớn ở lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thực phẩm cao cấp tại Việt Nam. “Nhìn ra được người nào thích hợp có lẽ là kinh nghiệm lớn nhất mà tôi có được sau hơn 15 năm làm nhân sự và công tác Đảng ở công ty cũ”, bà Hiệp giải thích.

Không chỉ có vậy, quá trình tăng trưởng ổn định của Thiên Nam trong suốt 14 năm từ ngày thành lập và trải qua không ít biến động chung của nền kinh tế đã cho thấy người phụ nữ này không chỉ có khả năng nhìn người. Dưới sự lãnh đạo của bà Hiệp, các chỉ số tài chính của Thiên Nam năm 2008-2013, giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, là khá khả quan. Ví dụ, tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ (ROE) trong 5 năm gần nhất của Thiên Nam đạt bình quân gần 19%. Giá cổ phiếu TNA hiện đứng ở vị trí 82/360 công ty niêm yết trên sàn HOSE tính từ cao xuống thấp.

“Chúng tôi chỉ tập trung vào ngành lõi và đặc biệt là không tham lam”, bà Hiệp nói về bí quyết tăng trưởng ổn định của Thiên Nam. Tập trung vào lĩnh vực lõi mà bà nhắc đến chính là việc Thiên Nam đã chọn dây wirerod là mặt hàng sắt thép chủ lực để kinh doanh, thay vì thép tấm hay thép cán nóng như nhiều đơn vị khác. Theo bà Hiệp, wirerod là sản phẩm thép dùng để sản xuất các loại ốc, thiết bị phụ tùng nên không bị ảnh hưởng bởi sự đình trệ của ngành xây dựng và bất động sản trong thời gian qua.

Nếu như việc chọn lĩnh vực thép wirerod là yếu tố giúp Thiên Nam thành công trong ngành thép, thì yếu tố “không tham lam” đã giúp Thiên Nam kinh doanh hiệu quả ở ngành bất động sản. Những dự án văn phòng của Thiên Nam đều được chuẩn bị trước đầu ra, nên khi vừa hoàn thành xây dựng là có thể đưa vào kinh doanh ngay. Theo bà Hiệp, những dự án văn phòng của Thiên Nam hiện tại đều được cho thuê từ 95-100%.

Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong chiến lược đầu tư của vị nữ Chủ tịch này cũng là một lý do chính khiến mảng bất động sản của Thiên Nam kinh doanh đạt hiệu quả. Dự án 277B Cách Mạng Tháng 8 của công ty là một ví dụ.

Ban đầu, dự án này có quy mô 16 tầng và 2 tầng hầm, vốn đầu tư 400 tỷ đồng (gồm trả tiền sử dụng đất 50 năm). Tuy nhiên, xét thấy dự án không khả thi trong tình hình kinh tế khó khăn, Thiên Nam đã quyết định chuyển đổi mục đích từ trung tâm thương mại và căn hộ cho thuê sang cửa hàng kinh doanh và văn phòng, điều chỉnh quy mô còn 6 tầng cao 2 tầng hầm, giảm vốn đầu tư xuống còn 100 tỷ đồng. Nhờ điều chỉnh nên dự án được triển khai rất nhanh. Vừa khởi công vào tháng 3/2014, nhưng đến tháng 11/2014, dự án đã hoàn thiện và đang bàn giao để đưa vào hoạt động.

Thực tế, đối với nhiều doanh nghiệp, việc đầu tư vào bất động sản đã mang đến không ít hệ lụy. Với Thiên Nam, bất động sản lại là lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong ba chân kiềng của công ty. Cụ thể, lĩnh vực sắt thép tuy chiếm hơn 95% doanh thu nhưng chỉ đóng góp khoảng 65% lợi nhuận. Trong khi đó, bất động sản tuy chỉ góp 5% doanh thu nhưng lại chiếm gần 30% lợi nhuận của Thiên Nam.

Ðạt được nhiều kết quả khả quan với Thiên Nam, nhưng bà Hiệp vẫn thừa nhận mình chưa giỏi như một số nữ doanh nhân Việt Nam khác. Những doanh nhân nữ mà bà ngưỡng mộ nhất là bà Phạm Thị Việt Nga của Dược Hậu Giang và bà Mai Kiều Liên ở Vinamilk. Ngưỡng mộ là thế, nhưng bà Hiệp lại không đủ mạnh dạn để đưa Thiên Nam tăng trưởng đột biến như Dược Hậu Giang hay Vinamilk. “Có lẽ tôi là phụ nữ và hoàn cảnh này không cho phép tôi liều lĩnh. Tôi không được phép thất bại”, bà nói.

Rõ ràng, doanh nhân nữ thường thiệt thòi hơn so với các đồng nghiệp nam, bởi ngoài việc kinh doanh họ còn phải gánh vác vai trò chăm sóc gia đình. Với bà Hiệp, khó khăn còn nhiều hơn thế.

Chồng bà Hiệp mất sau khi họ cưới nhau được 8 năm vì ung thư phổi, để lại 2 đứa con gái 4 tuổi và 2 tuổi. Cuộc đời của bà thậm chí còn nghiệt ngã hơn khi chồng vừa qua đời một thời gian, bác sĩ cho biết chính bà cũng bị ung thư. May mắn thay, sau một năm chữa trị, số phận đã mỉm cười khi bác sĩ báo rằng mầm bệnh không còn phát triển. Rõ ràng, phải là một người phụ nữ nghị lực phi thường mới có thể vượt qua được những thử thách lớn như vậy trong đời.

Hiện tại, hai người con gái của bà đã trưởng thành nhưng không ai theo nghề kinh doanh. Người con lớn theo ngành thời trang, còn người con nhỏ đang đeo đuổi ngành báo chí. Tuy các con không theo nghiệp mẹ, nhưng vị nữ Chủ tịch cho biết đã chuẩn bị được một lớp quản lý trẻ tài năng sẵn sàng đưa Thiên Nam lên tầm cao mới với những chiến lược đột phá hơn.

Theo DNSG

Các tin cũ hơn