Thay vì thu 14.900 đồng/km, ngày hôm qua với dòng xe 4 chỗ chạy trong khu vực nội thành hãng taxi Mai Linh đã thu của khách 14.100 đồng/km, giảm 800 đồng/km so với giá trước đó. Tương tự, cũng với dòng xe 4 chỗ chạy trong khu vực nội thành, ngày hôm qua hãng taxi Vạn Xuân đã thu của khách 12.000 đồng/km, giảm 500 đồng/km so với trước đây.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, trong số gần 10 hãng taxi được khảo sát ngày hôm qua, chỉ mới 2 hãng trên giảm giá cước, các hãng còn lại trong đó có các hãng taxi tên tuổi như: Hà Nội Group, Nội Bài, ABC, Ba Sao… vẫn giữ nguyên giá cước. Hiện Taxi Hà Nội Group đang là hãng có giá cước taxi cao nhất Hà Nội. Sau 10 lần giảm giá xăng dầu, đến cuối giờ chiều qua giá cước của taxi Hà Nội Group vẫn không có gì thay đổi. Lý giải điều này, ông Đào Minh Khanh, Giám đốc Trung tâm Taxi JAC - Taxi Hà Nội Group cho rằng, đơn vị đang tính toán, cân đối lại mức thu chi rồi sẽ đưa ra phương án giảm phù hợp.
Tính đến cuối giờ chiều qua, lãnh đạo các bến xe trên địa bàn Hà Nội cho biết, đã có gần 10 DN vận tải giảm giá cước. Số DN này hoạt động tại các bến Giáp Bát: 6 DN; Gia Lâm: 3 DN. Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc bến xe Giáp Bát cho biết, 6 đơn vị vận tải đã giảm giá cước tại bến chạy các tuyến: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Yên Bái, Phú Thọ… “Nhà xe của các đơn vị này đã thực hiện giảm giá cước từ ngày 15/11 vừa qua, mức giảm trung bình 10 % so với giá cước trước đây”, ông Thành nói.
Nhiều doanh nghiệp vẫn “án binh bất động” giá cước dù xăng, dầu đã 10 lần giảm giá. |
Chiều qua, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, theo thông báo trước đây Sở GTVT đã yêu cầu các DN vận tải chậm nhất 20/11 phải báo cáo việc điều chỉnh giá cước sau các lần giảm giá xăng dầu vừa qua. Với các DN chưa điều chỉnh và chưa có báo cáo về Sở những ngày tới Sở GTVT sẽ giao cho Thanh tra rà soát, kiểm tra. Với các DN có mức cước không phù hợp, Sở GTVT sẽ giao cho Thanh tra kiểm tra và có mức xử lý phù hợp.
Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cho biết, sau lần giảm giá xăng trước (7/11), tại bến chỉ có 6 đơn vị (tham gia trên 18 tuyến vận tải) đã giảm giá cước, chiếm chưa đến 10% tổng số doanh nghiệp (DN) có xe qua bến. Số lượng phương tiện giảm ít, giá cước cũng giảm không nhiều.
Tại bến này, duy nhất có công ty vận tải Thủy bộ Yên Bái (tuyến Hà Nội - Thác Bà) giá cước giảm gần 10% (từ 110.000 đồng xuống 100.000 đồng), các DN còn lại chỉ giảm 3-5%; có DN giảm 3.000 đồng/vé. Phó giám đốc Bến xe Mỹ Đình Nguyễn Mạnh Tuấn cũng cho biết, mới chỉ có 4 DN tham gia trên 24 tuyến giảm giá cước, mức giảm 3-7%.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, sau khi các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT và Bộ Tài chính tiến hành rà soát giá cước vận tải, số lượng DN đăng ký giảm cước có dấu hiệu tăng lên, đặc biệt là taxi. Tính đến ngày 19/11, Hà Nội có 29/100 DN taxi giảm giá cước ở mức 2-9%; giá cước taxi tại TP.HCM giảm 2- 11%; các DN taxi tại Đà Nẵng đăng ký giảm 3-17%.
Bà Hiền đánh giá đây là tín hiệu khả quan và các DN đang tiếp tục kê khai giảm sau đợt giảm giá xăng dầu mới đây nhất. Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho rằng, các đoàn kiểm tra chủ yếu “động viên” các DN giảm giá cước vì theo quy định hiện hành, Nhà nước không quản lý giá cước vận tải đường bộ, DN tự quyết định giá.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, với cơ chế hiện nay, việc giảm giá cước hay không phụ thuộc vào “đạo đức” của các DN vận tải, chứ không còn chịu sự can thiệp của Nhà nước.
Theo tìm hiểu của PV,các cuộc kiểm tra tại ba địa phương Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM kết thúc từ ngày 19/11, nhưng đến nay (24/11) vẫn chưa công bố kết quả chính thức. Khi công luận vẫn chưa biết kết quả kiểm tra ra sao, thì giá xăng dầu lại tiếp tục giảm. Liệu kết quả kiểm tra này có hợp với bối cảnh mới?
Theo Tiền Phong