Hôm qua, các công ty con của Samsung đã công bố kế hoạch bán cổ phần trong các mảng hóa chất và quốc phòng, đồng thời mua lại gần 2 tỷ USD cổ phiếu Samsung Electronics, trong bối cảnh Phó chủ tịch Lee Jae Yong (46 tuổi) có vai trò ngày càng lớn, còn cha ông - Chủ tịch Lee Kun Hee nhập viện vì bệnh tim hồi tháng 5.
Lee phải tìm hướng tăng trưởng cho hơn 70 công ty mà gia đình ông đang quản lý, khi lợi nhuận mảng smartphone suy giảm và chính phủ kiềm chế hoạt động của các chaebol (tập đoàn gia đình). Samsung đang thu hẹp mảng các mảng kinh doanh để tập trung vào hoạt động chuyển giao quyền lực đời thứ 3 của nhà họ Lee.
"Samsung đang dần chuyển giao cho thế hệ mới. Và đây là một phần chiến dịch của họ để đánh bóng tên tuổi cho Lee Jae Yong. Anh ta phải ra quyết định cuối cùng cho các thương vụ này, trong khi ông Lee Kun Hee vắng mặt", Park Ju Gun - Chủ tịch hãng nghiên cứu doanh nghiệp CEOSCORE cho biết trên Bloomberg.
Quyền quyết định tại Samsung đang dần về tay Phó chủ tịch - Lee Jae Yong. Ảnh:Business Korea |
Cổ phiếu Samsung Electronics đã tăng 7,7% hôm qua, mạnh nhất từ đầu năm 2009, sau các thông tin trên. Dù vậy, thông báo mua lại cổ phiếu được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa.
Các công ty con của Samsung thường có HĐQT và CEO riêng. Nhà họ Lee kiểm soát các công ty này thông qua mạng lưới sở hữu chéo. Dưới sự dẫn dắt của Lee Kun Hee, Samsung từ một doanh nghiệp nội địa đã trở thành tập đoàn đa quốc gia, lần lượt vượt qua những đại gia ngành công nghệ như Sony (Nhật Bản), Nokia (Phần Lan) và mới đây là Apple (Mỹ) trong mảng kinh doanh điện thoại.
Tháng tới, Tập đoàn Samsung sẽ công bố kế hoạch cải tổ quản trị thường niên. Lee Jae Yong có thể sẽ được đẩy lên chức Chủ tịch Samsung Electronics - mảng đóng góp 70% tổng doanh thu cho tập đoàn.
Theo thông báo hôm qua, Samsung Electronics sẽ mua lại 1,65 triệu cổ phiếu phổ thông và 250.000 cổ phiếu ưu đãi, bắt đầu từ ngày 26/2 tới.
Samsung Electronics, Samsung C&T và 4 bộ phận khác sẽ bán cổ phần trong Samsung Techwin và Samsung General Chemicals để thu về 1.900 tỷ won (1,7 tỷ USD). "Chúng tôi coi động thái này là sự thanh lý hoặc chuyển giao trong nội bộ Samsung trước khi tập đoàn này tái cấu trúc", Sara Lee - nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết.
Đầu tháng này, Samsung SDS cũng đã thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu, thu về 1.160 tỷ won. Cheil Industries - một công ty khác thuộc Samsung, cũng sẽ niêm yết tháng tới sau phiên IPO dự kiến 1.520 tỷ won.
"Việc này cho thấy Lee Jae Young có ý định tập trung vào các mảng Samsung đang làm tốt và từ bỏ những mảng không có khả năng cạnh tranh. Đây là bằng chứng các quyết định của Tập đoàn Samsung hiện nằm trong tay Phó chủ tịch", Kim Ji San - nhà phân tích tại công ty chứng khoán Kiwoom nhận xét.
Những thay đổi này diễn ra trong bối cảnh mảng điện tử của hãng đang cố gắng hồi phục sau quý III lợi nhuận giảm kỷ lục. Ngôi đầu mảng smartphone của Samsung Electronics đang bị thách thức bởi Apple (phân khúc cao cấp) và các hãng như Xiaomi hay Lenovo (phân khúc giá rẻ).
"Chúng tôi không loại trừ khả năng Samsung có nhiều động thái như thế này trong tương lai. Họ có thể bỏ thêm nhiều mảng không có lãi khác, ví dụ như xây dựng", Kim Sang Jo – giảng viên kinh tế tại Đại học Hansung nhận xét.
Theo VnExpress