Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho thấy, tính đến thời điểm 20/10/2014, cả nước thu hút 10,2 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân vào nửa đầu năm nay, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo của Công ty Savills Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, vốn FDI rót vào lĩnh vực bất động sản chiếm 10%, chủ yếu thông qua hoạt động M&A (mua bán – sáp nhập).
Trong số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam trong 10 tháng, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất với 2616,1 triệu USD, chiếm 26,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Singapore 2192,5 triệu USD, chiếm 22%; Đặc khu Hành chính Hong Kong với 1485,8 triệu USD, chiếm 14,9%; Nhật Bản 1003,5 triệu USD, chiếm 10,1%; Đài Loan 452 triệu USD, chiếm 4,5%; Quần đảo Virgin thuộc Anh 354,3 triệu USD, chiếm 3,6%; Bỉ 277 triệu USD, chiếm 2,8%...
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 20/10/2014. Nguồn: Tổng cục Thống
kê Việt Nam.
Đứng sau Hàn Quốc 3 bậc trong danh sách trên, Nhật Bản đang có những bước đi vững chắc trong việc thâm nhập thị trường Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ.
Thị trường bán lẻ tiềm năng
Theo báo cáo về “Mức độ sôi động của các thị trường bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương 2014″ do CBRE công bố, Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng được đánh giá cao vào bậc nhất khu vực do cơ cấu dân số trẻ và sức mua ngày càng được cải thiện nhờ tầng lớp trung lưu bành trướng mạnh mẽ.
Trả lời câu hỏi về quốc gia/vùng lãnh thổ được nhắm tới để mở cửa hàng mới của các thương hiệu bán lẻ trong năm 2014, 1/3 số doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết sẽ chọn Việt Nam, ngang bằng tỷ lệ với Hong Kong và Singapore, nhỉnh hơn so với Indonesia và Malaysia.
Việt Nam là thị trường bán lẻ hấp dẫn thứ 2 sau Trung Quốc. Nguồn: CBRE.
Trong khi đó, thị trường bán lẻ tại Hàn Quốc và Nhật Bản đang dần bão hòa và doanh số bán lẻ tăng trưởng âm trong nhiều giai đoạn.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Hàn Quốc (biểu đồ trên) và Nhật Bản (dưới) đều đến ngưỡng bão hòa.
Nguồn: Tradingeconomics.com.
Không ngừng mở rộng chuỗi siêu thị
Nhận được giấy phép đầu tư vào Việt Nam từ năm 2006, đến cuối năm 2008, tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc – Lotte Mart mở cửa siêu thị đầu tiên. Thời điểm đó, phát biểu trước báo giới, Lotte Mart cho biết dự kiến bỏ ra 5 tỷ USD để xây 30 siêu thị ở khắp các thành phố lớn Việt Nam trong vòng 15 năm tới.
Nhưng khi tiến ra Hà Nội vào đầu tháng 4 năm nay, lộ trình được công bố đã rút ngắn. Mục tiêu của Lotte Mart đã nâng lên 60 siêu thị tại Việt Nam đến năm 2020 với tổng số vốn đầu tư 3,2 tỷ USD.
Kế hoạch mở rộng thị trường của Lotte Mart.
Bước vào thị trường Việt Nam sau Lotte Mart – 3 năm, ông lớn bán lẻ Nhật Bản - Aeon khá thận trọng trong bước đi của mình.
Sau động thái “thăm dò” bằng việc hợp tác với Trung Nguyên mở cửa hàng tiện lợi G7 – Ministop với tỷ lệ vốn đầu tư khiêm tốn chỉ 30% vào năm 2011, phải đến năm nay, Aeon mới khai trương 2 siêu thị Aeon Mall TPHCM và Aeon Mall Bình Dương. Dự kiến đến tháng 9 năm sau, Aeon mới khai trương siêu thị tại Hà Nội và dự kiến đến năm 2020 sẽ mở ra 20 đại siêu thị trên cả nước.
Tuy nhiên, con số trên chưa kể đến 500 siêu thị mang tên Aeon-Citimart đến năm 2025 và hàng
chục siêu thị mang tên Aeon-Fivimart.
Thâu tóm doanh nghiệp Việt
Báo cáo của Savills cho biết, đầu năm 2014, Lotte Mart mua lại Pico Mall (Đống Đa, Hà Nội) để mở rộng hoạt động.
Đây là một trong những động thái nằm trong chiến dịch đầu tư 60 siêu thị, trung tâm thương mại của Lotte vào thị trường Việt Nam đến 2020.
Pico không chỉ “nhường chỗ” cho Lotte Mart khu vực này mà còn “nhường” luôn cả Pico Plaza tại quận Tân Bình, TPHCM. Theo đó, Pico sẽ di dời các siêu thị điện máy, siêu thị tiêu dùng để nhường mặt bằng cho Lotte mở trung tâm thương mại.
Về phía Aeon, việc bắt tay với cả Citimart và Fivimart được các bên phủ nhận rằng Aeon không thâu tóm doanh nghiệp Việt mà chỉ là “hợp tác toàn diện”. Với việc hợp tác này, bên cạnh 20 siêu thị của riêng Aeon, đại gia bán lẻ này cũng có thêm 500 siêu thị mang tên Aeon-Citimart và hàng chục siêu thị Aeon-Fivimart đến năm 2025.
Tiến Sỹ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư công ty Savills Việt Nam nhận định: “Sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn chiếm phần lớn các hoạt động M&A trong hai năm qua, dự kiến sẽ tiếp tục tăng”.
Mốc 2015 và nỗi lo hàng Việt
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài hiện chỉ ở mức 3,4%. Về số lượng, trong số 900 cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, có khoảng trên 800 cơ sở thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt, nhà đầu tư nước ngoài mới có 70 cơ sở.
Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là một cơ sở nước ngoài có quy mô lớn gấp 4, 5 lần cơ sở bán lẻ của Việt Nam.
Báo cáo thị trường Hà Nội Quý III của CBRE cho biết có 4 trung tâm thương mại lớn dự kiến khai trương từ nay đến năm 2016. Trong đó, Aeon Mall tại Long Biên của doanh nghiệp Nhật Bản có quy mô 108.000m2, bằng cả 3 trung tâm thương mại của doanh nghiệp Việt cộng lại.
Chỉ hơn 1 tháng nữa thôi, đến năm 2015, nhiều nhà bán lẻ nước ngoài sẽ gia nhập thị trường Việt Nam theo cam kết của WTO, báo cáo thị trường bất động sản Quý III của Savills.
Sau khi thâm nhập vào thị trường Việt Nam, việc đưa sản phẩm “nhà” vào thị trường Việt là điều tất yếu. Cuộc chiến hàng hóa tại Việt Nam sẽ không chỉ diễn ra giữa hai nước Nhật – Hàn. Thái Lan với việc thâu tóm Metro của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) và khai trương trung tâm mua sắm Robins của Tập đoàn Central, rõ ràng, muốn mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Thái, đặc biệt là vào năm 2015, khi cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được mở cửa.
Theo Tri Thức