“Điều khiến một nền kinh tế phát triển chậm, thiếu khả năng cạnh tranh là do chưa tiến hành cải cách cơ cấu và đầu tư cần thiết để tăng năng suất, duy trì tăng trưởng. Chúng ta đừng tự mãn mà hãy tiếp tục đầu tư, đổi mới, cải cách mạnh mẽ hơn để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nền kinh tế”. Ông Thierry Geiger, Phó Giám đốc chương trình mạng lưới đánh giá toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhấn mạnh tại Hội thảo “Vai trò doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong hội nhập quốc tế”. Hội thảo do Bộ Ngoại giao cùng Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) và WEF tổ chức ngày 28-11.
Theo ông Thierry Geiger, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về năng suất lao động. Nguồn lực chính cho tăng trưởng đang dần cạn kiệt, nguồn lực tạo lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ cũng hao mòn dần. “Việt Nam đang ở ngưỡng cửa mới, đang ở giai đoạn đầu của phát triển cần tăng năng suất tại tất cả ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… để có thể tăng chuỗi giá trị. Sản xuất hàng hóa với nhân công rẻ không thể nào giúp Việt Nam tăng trưởng trong tương lai mà phải là giáo dục, phát triển thị trường mới giúp Việt Nam tăng năng suất trong tương lai” - ông Thierry Geiger lưu ý.
“Hội nhập kinh tế càng sâu, sân chơi càng rộng thì cạnh tranh càng quyết liệt, do đó nâng cao năng lực cạnh tranh đã trở thành một yêu cầu cấp thiết hơn bao giờ hết đối với cả nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh. Theo ông Sơn, các doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, do đó khó có thể có một nền kinh tế “khỏe mạnh” nếu các tế bào của nền kinh tế đó ốm yếu. Vì vậy, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp là một trong các nhân tố quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia.
Sự thay đổi chính sách thông thoáng, thuận lợi sẽ tạo động lực cho sự phát triển
của khu vực kinh tế tư nhân và cả nền kinh tế. Ảnh: HTD
Rút kinh nghiệm quý báu trong gần 30 năm đổi mới và mở cửa, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, khẳng định: “Sự thay đổi chính sách thông thoáng, thuận lợi sẽ tạo động lực cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và cả nền kinh tế”. Vì vậy theo ông Lộc, để tiếp tục đà cải cách đã được phát động, cần thực hiện một chương trình xã hội hóa rộng lớn, thoái sức của Nhà nước, chuyển giao các dịch vụ công cho xã hội và thị trường. Đi liền với đó là một chương trình cải cách tư pháp, tăng cường các thiết chế pháp lý bảo đảm một môi trường kinh doanh không chỉ thuận lợi mà còn an toàn cho người dân và doanh nghiệp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết báo cáo về năng lực cạnh tranh của WFF cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được đánh giá cao. Hai vấn đề thể chế và sáng tạo vẫn đang còn yếu. Trong đó, thể chế xếp hạng 92 thế giới và đứng thứ chín trên 10 quốc gia của khu vực ASEAN, chỉ hơn Myanmar. Còn nhóm yếu tố về sáng tạo, Việt Nam xếp hạng 87 thế giới. Chất lượng giáo dục rất quan trọng cho hai yếu tố này lại bị xếp hạng ở tận vị trí 96. Một điểm đáng lưu ý nữa là mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới của Việt Nam xếp hạng 99. Kết quả khảo sát của gần 2.000 nhà đầu tư nước ngoài do VCCI thực hiện trong hai năm gần đây cho thấy lý do hàng đầu khiến các nhà đầu tư nước ngoài chọn Việt Nam là nhờ giá lao động rẻ, ưu đãi về thuế và đất đai… Không có lý do nào thuộc về chất lượng điều hành của các chính quyền (như cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát tham nhũng…). Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó được cải thiện trong ngày một ngày hai. Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI |
Theo Pháp Luật