IMF thận trọng với kinh tế thế giới 2016

Thứ sáu, 01/01/2016, 11:09
Chủ tịch IMF - bà Christine Lagarde cho rằng việc Mỹ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% cùng việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang khiến kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn.

Trên tờ Handelsblattcủa Đức, bà Christine Lagarde dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 có thể gây thất vọng, đồng thời triển vọng kinh tế trung hạn cũng đang xấu đi. Bà Lagarde cho rằng Mỹ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% trong tháng này, cùng việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đang khiến kinh tế toàn cầu ngày càng bất ổn.

Thêm vào đó, tăng trưởng thương mại toàn cầu đã giảm đi đáng kể và sự sụt giảm của giá nguyên vật liệu thô đang đặt ra nhiều vấn đề cho những nền kinh tế phụ thuộc vào chúng. Trong khi đó, ngành tài chính tại nhiều quốc gia vẫn đang suy yếu và rủi ro tại các thị trường mới nổi đang tăng lên.

imf-than-trong-voi-kinh-te-the-gioi-2016

Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế - bà Christine Lagarde. Ảnh: Reuters

"Tất cả những điều này đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế thế giới có thể sẽ không đồng đều và gây thất vọng trong năm 2016", bà cho biết và nhấn mạnh triển vọng kinh tế trung hạn đang yếu đi do năng suất sản xuất thấp, dân số già đi và ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hồi tháng 10, IMF dự báo kinh tế thế giới có thể tăng trưởng 3,6% trong năm 2016. Tuy nhiên, con số này cũng thấp hơn so với mức ước tính 3,8% mà tổ chức này đưa ra trong tháng 7, Reuterscho biết.

Bà cũng nhận định rằng sự bình thường hóa chính sách tiền tệ của Mỹ cùng với sự dịch chuyển của Trung Quốc trong tiêu dùng là những thay đổi "cần thiết và có lợi cho sức khỏe nền kinh tế". Nhưng những chính sách này cần được thực hiện một cách hiệu quả và trơn tru nhất có thể.

Trong tháng này, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% lần đầu tiên trong gần một thập kỷ và tuyên bố động thái này sẽ đưa Mỹ tiến vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ một cách "từ từ".

Đây là tín hiệu Mỹ đã gần như hoàn toàn thoát khỏi "thời kỳ đen tối" của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng nó cũng sẽ khiến chi phí đi vay trở nên đắt đỏ hơn đối với một số quốc gia, trong đó có những nước mới nổi và đang phát triển.

Bà Lagarde cảnh báo rằng Mỹ tăng lãi suất và đồng đôla mạnh lên có thể khiến nhiều công ty vỡ nợ, từ đó ảnh hưởng đến các ngân hàng và tiểu bang tại nước này. Nhưng bà cho rằng những rủi ro liên quan tới những thay đổi này có thể khắc phục được dựa trên cầu cao, tài chính ổn định và cải cách cấu trúc.

"Hầu hết nền kinh tế phát triển, trừ Mỹ và có thể là Anh, sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhưng tất cả những nước này nên cân nhắc hậu quả của các quyết định đó", bà cho biết.

Những nền kinh tế mới nổi cũng cần phải theo dõi chặt chẽ rủi ro ngoại hối mà những công ty lớn phải đối mặt. Các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô cũng nên sử dụng chính sách tài khóa để thích ứng với tình hình giá thấp. Những quốc gia khác nên tập trung tái cơ cấu ngân sách theo hướng khuyến khích tăng trưởng, thông qua cải cách thuế và giá năng lượng hay thay đổi các ưu tiên trong chi tiêu, bà cho biết.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn