Chuyên gia nước ngoài giải mã tăng trưởng kinh tế VN

Thứ tư, 30/12/2015, 14:38
Ngày 29-12, trang tin Channel News Asia (Singapore) đăng bài viết nhan đề Tại sao nền kinh tế Việt Nam tiến triển vượt trội hơn các nước khác ở Đông Nam Á ghi nhận xuất khẩu mạnh mẽ và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao kỷ lục là hai yếu tố giúp Việt Nam đi ngược lại xu hướng kinh tế trì trệ phổ biến trong khu vực.
Trái cây được bày bán tại một ngôi chợ ở Hà Nội

Bài viết cho rằng suy thoái thương mại toàn cầu và nền kinh tế Trung Quốc (TQ) giảm tốc cản trở tăng trưởng kinh tế ở hầu hết các nước khu vực Đông Nam Á trong năm nay, ngoại trừ Việt Nam dường như biết cách xoay xở để vượt lên.

Theo số liệu của chính phủ, tính chung cả năm, GDP của Việt Nam tăng 6,68%, vượt mục tiêu 6,2% đặt ra cho năm 2015. Mức tăng GDP này cũng đưa Việt Nam vào tốp đầu khu vực Đông Nam Á; xếp ngay sau Việt Nam là Philippines nhưng mức tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2015 có thể không đạt mục tiêu 6% đã đặt ra.

Trong khi đó, các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore đều tăng trưởng chậm lại, chủ yếu là do những khó khăn kinh tế ở TQ. Đáng chú ý, Malaysia đã ghi nhận mức tăng trưởng GDP trong quý 3-2015 là 4,7%, thấp nhất trong hơn hai năm qua.

Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng giám sát khu vực châu Á Thái Bình Dương ở tổ chức tư vấn tài chính IHS Global Insight.

Hai thế mạnh: Xuất khẩu + FDI

Bài báo của Channel News Asia nhận định, lĩnh vực mà Việt Nam tiến triển tốt hơn các nước trong khu vực là xuất khẩu.

Theo các số liệu chính thức, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 8,1% trong năm nay trong khi kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 12%.

Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của tổ chức tư vấn tài chính IHS Global Insight có trụ sở tại Massachusetts (Mỹ), cho rằng khả năng phục hồi thương mại đã giúp Việt Nam thành công trong nỗ lực đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu hướng vào ngành sản xuất may mặc và điện tử.

Ông Glenn Maguire, nhà kinh tế trưởng giám sát khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng AZN.

Ông Glenn Maguire, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Ngân hàng ANZ, nhận định không chỉ đa đạng hóa các chủng loại hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam còn đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ông cho biết: “Tình trạng trì trệ tăng trưởng và thương mại trong khu vực bắt nguồn từ việc tái cân bằng kinh tế của TQ, sự phục hồi nền kinh tế Mỹ và các nền kinh tế có thu nhập cao lan tỏa sang nhu cầu dịch vụ hơn là hàng hóa. Điều này có nghĩa là các nhà xuất khẩu hàng hóa chưa đa đạng phải chịu đựng tác động xấu của tình trạng trì trệ tăng trưởng và thương mại trong khu vực chẳng hạn như Indonesia và Malaysia”.

Thế mạnh thứ hai của Việt Nam là lượng vốn FDI đăng ký đạt mức kỷ lục trong năm 2015 (22,76 tỉ đô la Mỹ). Mức FDI này cho thấy Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn nhờ vào vị trị địa lý thuận lợi, chi phí hoạt động và nhân công rẻ cũng như việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại khu vực.

Ông Rajiv Biswas của IHS Global Insight cho biết chính sự quan tâm nồng nhiệt của giới đầu tư quốc tế đã giúp vốn FDI giải ngân trong năm 2015 ở Việt Nam đạt mức 14,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 17,4% so với năm ngoái.

Các nhà kinh tế cũng lưu ý đến sự phục hồi tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong bối cảnh chính phủ đạt tiến bộ trong việc giải quyết những khoản nợ xấu đang níu chân nền kinh tế.

Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày 24-12, tăng trưởng tín dụng năm nay dự kiến đạt mức 18%, vượt mục tiêu 17% do chính phủ đặt ra. Trong khi đó, các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng cũng giảm còn 2,72% tính đến ngày 30-11, giảm nhẹ so với mức 2,93% vào thời điểm cuối tháng 9.

Theo ông Vishnu Varathan, nhà kinh tế cao cấp tại ngân hàng Mizuho ở Singapore, động thái giảm giá đồng Việt Nam (VND) một cách thận trọng trong năm 2015 cũng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. NHNN đã giảm giá VND 3 lần trong năm nay, lần gần đây nhất là vào tháng 8, đã đẩy giá trị VND giảm gần 6% so với đồng đô la Mỹ. “Thay vì giảm giá VND đột ngột, các động thái của NHNN diễn ra từ từ và được thông tin tốt. Điều này giúp giảm áp lực cho nền kinh tế”, ông Varathan nhận định.

Tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2016

Nhìn về phía trước, các nhà phân tích cho rằng câu chuyện thành công của Việt Nam vẫn còn có thể kéo dài, dù lạm phát của Việt Nam giảm về mức 0,63%, thấp nhất trong 14 năm qua nhờ giá dầu giảm.

Lạm phát thấp nếu duy trì lâu sẽ làm gia tăng rủi ro giảm phát song các nhà phân tích cho rằng rủi ro này sẽ ít hơn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam.

“Xét về chu kỳ phát triển và nhân khẩu học của Việt Nam, lạm phát thấp sẽ không dẫn đến tâm lý người tiêu dùng cho rằng giá cả sẽ tiếp tục trong vòng xoáy đi xuống. Thay vào đó, lạm phát thấp hoặc ở mức zero sẽ được đón nhận với cảm giác nhẹ nhõm”, ông Varathan của Ngân hàng Mizuho nói.

Trong khi đó, ông Rajiv Biswas cho rằng lạm phát thấp sẽ cho phép Việt Nam duy trì lãi suất ở mức thấp và kìm hãm các áp lực tăng lương do lạm phát. Những điều này sẽ giúp định hình một môi trường kinh doanh ổn định và hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy vậy, các nhà phân tích lưu ý rằng các yếu tố đang hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sẽ không giúp Việt Nam tránh khỏi hoàn toàn các rủi ro bên ngoài, chẳng hạn như môi trường thương mại toàn cầu ảm đảm và sự trì trệ kinh tế của TQ. “Các rủi ro bên ngoài vẫn còn có nghĩa là Việt Nam không ở điểm thuận thực sự lợi nhất cho tăng trưởng bứt phá trong năm 2016”, ông Varathan nói.

Các nhà phân tích mà Channel News Asia trò chuyện dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức từ 6,5% đến 6,9% trong năm 2016.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn