|
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) |
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho biết như vậy khi nói về cơ chế điều hành tỷ giá mới trong năm 2016.
Chính sách tỷ giá là một trong những chủ đề được dư luận đang rất quan tâm hiện nay. Bà có thể cho biết quan điểm và định hướng điều hành tỷ giá trong thời gian tới?
Quan điểm điều hành chính sách tỷ giá của NHNN vẫn luôn nhất quán và kiên định mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế của đồng Việt Nam, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.
Vừa qua, tại Hội nghị toàn ngành Ngân hàng, Thống đốc NHNN đã nói về định hướng điều hành tỷ giá tiến tới điều hành theo cách thức linh hoạt và thị trường hơn. Bà có thể cho biết cách thức điều hành mới này?
NHNN sẽ vẫn công bố tỷ giá nhưng khác ở chỗ tỷ giá có thể được điều chỉnh lên/xuống hàng ngày. Tỷ giá do NHNN công bố sẽ được xác định trên cơ sở: Tham chiếu diễn biến của đồng USD và một số đồng tiền trên thế giới; tham chiếu tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng; và trên cơ sở các cân đối vĩ mô, tiền tệ, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ và chính sách kinh tế vĩ mô.
Việc điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn, phù hợp với bối cảnh thương mại và đầu tư quốc tế sẽ luân chuyển nhanh hơn và mạnh hơn sau hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.
Với cách thức điều hành mới này, NHNN cho biết sẽ điều hành và có biện pháp để ổn định được thị trường, điều này cần hiểu thế nào, thưa bà?
Việc cân nhắc mức độ tham chiếu các yếu tố nêu trên để xác định tỷ giá công bố sẽ được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo yếu tố linh hoạt, nhưng vẫn đảm bảo yếu tố quản lý theo đúng chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý đã được xác định tại các văn bản về quản lý ngoại hối hiện hành.
Cách thức điều hành tỷ giá mới này sẽ cho phép tỷ giá phản ứng linh hoạt, kịp thời hơn với diễn biến trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc điều hành tỷ giá theo cách thức mới, NHNN sẽ thực hiện các giải pháp chính sách tiền tệ đồng bộ để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc ban Nguồn vốn và tiền tệ BIDV:
Điều hành tỷ giá hàng ngày này sẽ phản ảnh sát hơn các diễn biến của thị trường
Cơ chế điều hành tỷ giá mới trong năm 2016 cũng có một số khác biệt cơ bản so với chính sách điều hành của năm 2015. Sự khác biệt cơ bản ở đây là tỷ giá sẽ có sự thông báo tỷ giá liên ngân hàng trong ngày và duy trì biên độ giao dịch hàng ngày. Cơ chế điều hành tỷ giá mới sẽ chuyển sang cơ chế thông báo hàng ngày, và tỷ giá hàng ngày sẽ căn cứ vào cung cầu trong nước cũng như tình hình biến động của tỷ giá quốc tế.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Giám đốc ban Nguồn vốn và tiền tệ BIDV |
Tôi cho rằng việc điều hành tỷ giá hàng ngày này sẽ phản ánh sát hơn các diễn biến của thị trường, kể cả trong nước và quốc tế và giúp cho NHNN chủ động hơn trong việc ứng biến với các biến động của thị trường trong nước và quốc tế ảnh hưởng tới tỷ giá của thị trường Việt Nam.
Rõ ràng với cơ chế điều hành tỷ giá mới, việc chúng ta theo dõi sát biến động hàng ngày và điều chỉnh tỷ giá hàng ngày sẽ giúp chúng ta phản ứng nhanh hơn với biến động của thị trường. Trước đây, chúng ta có thể để tỷ giá bình quân liên ngân hàng duy trì trong khoảng thời gian một hoặc vài tháng tùy vào mức độ tích tụ của thị trường và trên cơ sở diễn biến tích tụ của thị trường trong khoảng thời gian đủ dài thì NHNN mới xem xét việc điều chỉnh đấy, và mỗi việc điều chỉnh thì mức độ điều chỉnh có thể rất lớn, có thể là 1% hoặc là trên 1%.
Nhưng với công thức hiện tại thì chúng ta có thể điều chỉnh hàng ngày, và căn cứ vào diễn biến của thế giới thì mức điều chỉnh có thể cao hoặc thấp nhưng không có những biến động quá mạnh lên tới vài % như trước đây nữa. Tôi nghĩ rằng, phản ứng của thị trường hay của NHNN cũng sẽ nhanh và hiệu quả hơn.
Thị trường luôn có các kỳ vọng có thể tăng, giảm, hoặc đi ngang ở trong tương lai tùy vào diễn biến thị trường. Cụ thể trong năm 2016, chúng ta dự đoán cán cân thanh toán vẫn có thể thặng dư 5-7 tỉ đô la Mỹ, cộng với việc tham gia TPP hoặc FTA, nếu chúng ta nhìn nhận lịch sử 2007 khi bắt đầu vào WTO, thời điểm đó với sức hấp dẫn của việc Việt Nam tham gia WTO, các cơ hội do việc tham gia WTO đem lại, thì dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam rất mạnh, kể cả FDI lẫn FII, trong thời gian ngắn đấy khung ngoại tệ của thị trường trong nước tăng rất mạnh, lạm cho tỷ giá USD/VND giảm xuống. Thậm chí, VND còn tăng giá so với đô la Mỹ, thế thì việc dịch chuyển trong năm 2016 này chúng ta có nhiều tổ chức và nhiều nghiên cứu đánh giá rằng, TPP thậm chí còn đem lại lợi thế cho Việt Nam cao hơn cả WTO.
Vậy việc chúng ta triển khai tốt, tận dụng chính sách hoặc lợi thế của việc tham gia TPP và FTA này, không loại trừ nó cũng tạo ra khả năng là các dòng vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam khá mạnh, và để đón nhận các cơ hội của TPP và FTA đem lại, các việc ấy cũng giúp tạo ra dư địa để Ngân hàng Trung ương có thể tạo ra tỷ giá USD/VND ở mức độ hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Hân, Trưởng phòng Tài chính kế toán Công ty ô tô Cửu Long TMT:
Doanh nghiệp luôn muốn ổn định tỷ giá
Chúng tôi là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nên việc theo dõi tỷ giá và tỷ giá biên độ doanh nghiệp rất quan tâm. Chúng tôi theo dõi tỷ giá từng ngày. Vừa qua cũng được biết thông tin NHNN có thay đổi phương thức điều hành tỷ giá, chúng tôi quan tâm làm sao để có chi phí tỷ giá tốt nhất.
Khi NHNN chuyển sang phương thức điều hành tỷ giá linh hoạt, tôi cho rằng đây là việc để đảm bảo tính ổn định của tỷ giá. Bên cạnh đó, tôi cũng thấy trong thời gian vừa qua doanh nghiệp cũng kiến nghị có sản phẩm cho thị trường phái sinh làm sao tạo ra công cụ đa dạng tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Thời gian qua tôi thấy rằng NHNN ban hành chính sách cho ngân hàng thương mại, cho các doanh nghiệp mua kỳ hạn của ngân hàng thương mại, đó là điều rất linh động.
Doanh nghiệp luôn muốn ổn định tỷ giá để có kiếm soát chi phí và đảm bảo hoạt động kinh doanh, cho nên khi tỷ giá biến động thì chi phí doanh nghiệp bỏ ra phải tăng lên. Do vậy phải có các phương pháp phái sinh để ổn định.
Với việc tỷ giá năm 2016 có thể biến động từng ngày, doanh nghiệp phải xác định được lượng diễn biến của thị trường và xác định được khoản chi phí để đưa ra giá thành sản phẩm của mình, phải kiểm soát tốt để đảm bảo giá bán và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Theo Dân Trí