Những ngày cuối năm 2015, tập đoàn Masan công bố thương vụ hợp tác đầu tư có giá trị 1,1 tỷ USD với Singha Asia Holding Pte Ltd của Thái Lan. Trước năm 1997, Singha Beer thống trị thị trường bia Thái Lan và hiện vẫn là công ty hàng đầu trên thị trường bia và đồ uống không cồn quốc gia này.
1,1 tỉ USD là con số đầu tư cực lớn với 1 thị trường như Việt Nam. Và theo tuyên bố của ban lãnh đạo Masan, số tiền này sẽ dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trong ngành từ đó tạo cơ hội mở rộng thị trường kinh doanh và thực phẩm đồ uống của Masan và Singha thành quy mô khu vực, với trọng tâm là các nước “inland ASEAN” (Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào), một thị trường có 250 triệu người tiêu dùng.
Mới đây, ngày 28/1, đợt giải ngân đầu tiên của Singha vào Masan đã được thực hiện. Tổng số tiền đổ vào trong đợt đầu này là 650 triệu USD.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào biểu đồ này, chúng ta sẽ có đôi chút thất vọng khi số tiền đầu tư không phải để sản xuất kinh doanh như lãnh đạo Masan tuyên bố.
Trên thực tế, trong 650 triệu USD đổ vào Masan, tới 600 triệu USD trong đó là giao dịch tài chính để quỹ đầu tư KKR nhượng lại 14,3% cổ phần trong Masan Consumer Holding cho Singha.
Chỉ có 50 triệu USD trong số 650 triệu USD là tiền thực đi vào Masan. Số tiền này được đầu tư vào Masan Brewery (mảng sản xuất bia, cũng là mảng cốt lõi của Singha).
Việc tiền tươi thóc thật chỉ chảy một phần rất nhỏ vào Masan khiến quy mô của giao dịch bỗng nhiên nhỏ đi rất nhiều. Nếu quy ra tiền Việt, trong số hơn 14,6 nghìn tỉ đồng đầu tư vào Masan của Singha, chỉ có hơn 110 tỉ đồng chảy vào Masan.
Hiện tại, vẫn còn 450 triệu USD nữa đang chờ Singha đầu tư vào Masan. Sau lần giải ngân thứ nhất và truyền thống tạo ra các giao dịch đầy phức tạp của mình, giới đầu tư chắc hẳn sẽ rất tò mò xem Masan sẽ làm gì với những đợt đầu tư tiếp theo.
Theo Tri Thức Trẻ