Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 mới đây, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, mặc dù khoản nợ liên quan đến lãnh đạo cũ của ngân hàng là rất lớn nhưng tài sản đảm bảo của các doanh nghiệp trong nhóm này cân đối được nợ vay. Kế hoạch xử lý các khoản nợ này cũng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê chuẩn. Mục tiêu của ACB trong năm 2016 là cố gắng, thảo luận đưa ra phương án xử lý với người vay để bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ với mức 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn ngân hàng dự kiến trích lập dự phòng 1.000 tỷ đồng cho nợ của nhóm 6 công ty này, trong đó đã trích lập 200 tỷ đồng trong quý I/2016. Vị lãnh đạo này cũng cho biết, ngân hàng đánh giá có khả năng thu phần lớn khoản nợ này và có thể hoàn nhập dự phòng.
Bầu Kiên |
Như vậy, trong quý I/2016, ngân hàng đã hoàn thành 20% kế hoạch của năm nay.
Hiện ACB cũng đang tích cực thanh lý tài sản thế chấp, và nếu ACB có thể đẩy nhanh tiến độ, gánh nặng liên quan đến vấn đề này có thể sẽ được giảm bớt trong những năm tới.
Mặc dù vậy, trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vẫn giữ nguyên quan điểm thận trọng khi ước tính khả năng thu hồi của ACB đối với nhóm các công ty này và cho rằng, ngân hàng có thể thu hồi 30% các khoản vay không có tài sản thế chấp, đồng nghĩa với 688 tỷ đồng có thể được thu hồi. Phần còn lại có thể được ghi nhận dự phòng giai đoạn 2016-2018.
Về khoản tiền 772 tỷ đồng tại GPBank, lãnh đạo ngân hàng cho biết, đã đàm phán mua tài sản cố định để gán nợ. Tính đến ngày 7/4, ACB đã mua nợ hơn 500 tỷ đồng, chuyển nợ từ không sinh lời tốt sang sinh lời tốt, với lãi suất 9,2%.
Khoản còn lại 272 tỷ đồng, từ nay đến 30/9, ACB chuẩn bị thủ tục mua tài sản do GPBank sở hữu trên cở sở phê duyệt của NHNN. Năm 2016, ACB sẽ tất toán các khoản tiền gửi liên ngân hàng không sinh lời và chuyển thành tài sản sinh lời tốt.
Theo trao đổi, lãnh đạo của ngân hàng cho biết các tài sản này là trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất trung bình 9,2%. Theo VCSC, 500 tỷ đồng sẽ được hoán đổi trong năm 2016, thêm 72 tỷ đồng trong năm 2017, và 200 tỷ đồng sẽ giữ nguyên là khoản vay liên ngân hàng.
"Tuy nhiên, tình hình tài chính không tốt của GP Bank khiến chúng tôi nghi ngờ về chất lượng của lượng trái phiếu này", chuyên gia VCSC nhận định.
ACB còn một khoản phải thu từ CB là 400 tỷ đồng. Ngân hàng này hiện đang chịu giám sát của NHNN, NHNN đã đồng ý hoàn trả cho ACB trong vòng 5 năm theo phương án thanh toán định kỳ với lãi suất 2%/năm, do đó, khoảng 88 tỷ đồng sẽ được thanh toán trong năm đầu tiên.
ACB cũng có kế hoạch tái phân loại khoản nợ này thành nợ Nhóm 1 khi CB bắt đầu thanh toán, đồng nghĩa với khoản dự phòng 176 tỷ đồng sẽ được hoàn nhập, và ACB cũng sẽ bắt đầu ghi nhận lãi dự thu. Trong trường hợp này, báo cáo KQKD sẽ được ghi tăng khoảng 184 tỷ đồng, là các khoản doanh thu liên quan đến CB.
Tuy nhiên, được biết lỗ lũy kế tại cuối năm 2015 của CB là xấp xỉ 27.000 tỷ đồng, cao hơn vốn điều lệ của CB, đồng nghĩa với việc tình hình của CB hiện đang rất khó khăn. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, CB vẫn chưa thanh toán khoản nào cho ACB, do đó, VCSC cho rằng, khoản dự phòng chỉ nên được hoàn nhập theo tốc độ giảm của dự nợ chính thức.
Mặc dù hành trình để ACB có thể giải quyết đống nợ tồn từ giai đoạn trước sẽ còn nhiều gian nan, nhưng những chỉ số cốt lõi của ngân hàng trong thời gian gần đây lại cho thấy những tín hiệu tích cực.
Cụ thể, kết thúc quý I/2016, dư nợ cho vay đạt 144.229 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cuối năm 2015. Đây là tốc độ tăng trưởng quý I cao nhất kể từ năm 2009. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) cũng diễn biến tích cực khi so sánh với cả quý I/2015 và cả năm 2015, tăng lên 3,2% so với 3,1% trong cả hai kỳ so sánh.
Theo đánh giá của VCSC, NIM quý I/2016 tăng do ngân hàng ít phải thoái thu các khoản lãi phải thu,và sử dụng nhiều khoản vay ngân hàng với chi phí thấp để tài trợ cho tăng trưởng tín dụng. Chi phí dự phòng trong quý I/2016 tỏ ra "phức tạp" hơn quý I/2015 một khoản chi phí dự phòng đáng kể được ghi vào mục “thu nhập từ đầu tư chứng khoán”, bên cạnh khoản chi phí dự phòng tín dụng thông thường.
Xét về tổng thể, chi phí dự phòng quý I/2016 đạt tổng cộng 436 tỷ đồng, so với 295 tỷ đồng (13 triệu USD) trong cùng kỳ năm trước. Dù chi phí dự phòng gia tăng, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế vẫn tăng lần lượt 8,3% và 10,5%. Thu nhập lãi ròng (NII) đóng góp phần lớn trong mức tăng lợi nhuận với lợi nhuận 13,8% hàng năm trong khi thu nhập ngoài lãi (Non NII) giảm 47,2% trong quý I/2016.
Khoản mục thu nhập ngoài lãi ảnh hưởng từ ghi nhận dự phòng cho trái phiếu của “nhóm 6 công ty” liên quan đến một thành viên lãnh đạo trước đây là "bầu" Kiên. Theo tính toán của chúng tôi, non-NII tăng 43,6% nếu không tính đến khoản dự phòng này.
Kế hoạch tăng trưởng tín dụng của ACB năm 2016 là 18% và ngân hàng đã đạt được 7,6% sau 3 tháng đầu tiên, làm gia tăng lo ngại về việc ACB có thể phải giảm tốc độ giải ngân. Tuy nhiên, theo quan điểm của VCSC, thực tế việc ACB không xóa nợ xấu trong quý I/2016 cũng có vai trò trong tăng trưởng tín dụng.
Trong vài tháng tới, ACB có thể xóa nợ xấu hoặc NHNN có thể tăng thêm hạn mức tín dụng cho ngân hàng vào cuối năm nay. Trong cả 2 trường hợp trên, sẽ đều có thêm dự địa để tiếp tục giải ngân khoản vay và do đó, thu nhập lãi ròng sẽ gia tăng thêm trong năm nay.
Theo Dân Việt