Quốc gia nghèo kiệt quệ vì… bán đất

Chủ nhật, 11/03/2012, 08:37
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, bằng hình thức đầu tư vào đất nông nghiệp tại nước ngoài, một số quốc gia giàu có đang tạo nên hình ảnh của chủ nghĩa thực dân kiểu mới.


Với mong muốn hiện đại hóa nền nông nghiệp lạc hậu trong nước, nhiều quốc gia nghèo tại châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á đã cắt những mảnh đất màu mỡ cuối cùng để đánh đổi. Tới khi từng đoàn người đói khổ từ châu Phi đổ sang các nước láng giềng tị nạn, người ta mới giật mình tự hỏi: Đâu là mục đích cuối cùng của những dự án mua đất khổng lồ?


Cái lý của người giàu

Ngày 27/7, Viện Theo dõi Trái Đất (WWI) của Mỹ công bố một nghiên cứu khẳng định, các nước giàu đến châu Phi mua hoặc thuê đất sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu lương thực của họ đã làm nghiêm trọng thêm nạn đói nghèo ở lục địa đen. WWI cho biết: "Khi những mảnh đất màu mỡ được Chính phủ cho thuê, hoặc bán cũng là lúc người nông dân bị đẩy vào cảnh không có việc làm". Nguy hiểm hơn, xu hướng này đang được đẩy nhanh khi ngày càng nhiều nước giàu hơn ở Trung Đông và châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, đổ tiền ồ ạt vào châu Phi để tìm kiếm các vùng đất rộng lớn cho sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo, Trái đất sẽ có khoảng 9,1 tỷ người vào năm 2050. Do vậy, chỉ trong 20 năm tới, nhu cầu về lương thực trên toàn thế giới sẽ tăng 50%. Bởi vậy, chưa bao giờ người ta chứng kiến dòng tiền từ các quốc gia giàu có đổ vào những nước nghèo để khai thác nông nghiệp mạnh mẽ như hiện nay.

Cùng với dòng ngoại tệ đầy hấp dẫn, các nước giàu luôn rêu rao niềm hy vọng: Họ sẽ mang đến những thứ mà các nước nghèo cho đến nay còn thiếu, bao gồm công nghệ, vốn, bí quyết sản xuất hạt giống và phân bón hiện đại. Các quốc gia giàu có luôn cho rằng, chính họ đang góp phần cải thiện sự thiếu hụt lương thực trầm trọng của thế giới. Cứ như vậy, họ đặt chân tới các quốc gia nghèo như những vị cứu tinh. Theo con số thống kê của WWI, từ năm 2006 đến 2009, có từ 15 đến 20 triệu ha đất nông nghiệp ở các nước thuộc vùng Tiểu sa mạc Sahara, châu Phi đã được bán.

Trung Quốc là một ví dụ điển hình trong phong trào ra nước ngoài thuê đất nông nghiệp. Dưới áp lực về nhu cầu lương thực, Trung Quốc đã khích lệ các doanh nghiệp nông nghiệp xuất ngoại làm ăn. Trong đó, châu Phi và Nam Mỹ là vùng đất tiềm năng mà Trung Quốc hướng tới.

 



Bán đất, người nông dân châu Phi đang làm thuê trên chính mảnh đất của mình.

Mới đây, trên tờ Mail&Guardian, Nam Phi, tác giả Yolandi Groene đã không ngần ngại phản ánh quá trình di cư của nông dân Trung Quốc và tình trạng nước ngoài thuê đất nông nghiệp của các nước châu Phi. Bài báo cũng nhấn mạnh, hiện tại, người Trung Quốc đang sở hữu rất nhiều đất nông nghiệp ở các quốc gia châu Phi, được mua với giá "gần như cho không". Điều đó thực sự trở thành mối lo đối với nhiều nước châu Phi. Bởi trên thực tế, phần lớn hàng nông sản sau khi thu hoạch lại được xuất ngược trở lại Trung Quốc thay vì ở lại châu Phi để cải thiện tình hình thiếu hụt lương thực.


Sự thức tỉnh muộn màng

Theo nhiều chuyên gia, bằng hình thức đầu tư vào đất nông nghiệp tại nước ngoài, một số quốc gia giàu có đang tạo nên hình ảnh của chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Điều đáng nói là, trong khi chủ nghĩa thực dân kiểu cũ phải sử dụng tới súng đạn để cai trị và bóc lột thuộc địa thì với chủ nghĩa thực dân kiểu mới, nhiều quốc gia tự cho phép mình vào thế "bị trị". Thủ tướng Etiopia tuyên bố Chính phủ của ông "thiết tha" cung cấp quyền sử dụng hàng trăm nghìn ha đất trồng. Một số quốc gia vì khát những đồng vốn ngoại tệ thậm chí còn cho rằng đó là "đường tắt" để đi trước đón đầu, nắm bắt công nghệ mới từ các quốc gia giàu có.

Olivier De Schutter, người soạn thảo bản báo cáo đặc biệt của Liên Hợp Quốc liên quan đến quyền lợi về nông nghiệp, cảnh báo: "Vì cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư nên nhiều quốc gia châu Phi đang tự cắt vào chân nhau". Theo ông De Schutter, một số bản hợp đồng chỉ vừa vặn có 3 trang giấy cho hàng trăm nghìn ha đất. Những kiểu hợp đồng như vậy quy định loại cây nào được trồng, vị trí và giá thuê hay giá bán, song chúng không bao hàm những tiêu chuẩn về môi trường. Chúng cũng thiếu những quy định đầu tư cần thiết và điều kiện phải tạo ra công ăn việc làm cho quốc gia bản địa.

Về lâu dài, người dân sở tại phải hứng chịu hậu quả của việc lạm dụng đất quá mức, nạn phá rừng, dùng nước lãng phí, sự giảm bớt tính đa dạng sinh thái và nhiều loài cây giống địa phương biến mất. Để sản lượng và thu nhập hàng năm không ngừng tăng, các chủ đất ngoại quốc phải quay vòng đất đai của họ ở quy mô công nghiệp. Sau một thời gian, khi đất bị vắt kiệt, nhà đầu tư sẽ ra đi.

Trên thực tế, không phải những "chiêu thức" của các nước giàu không bị phát hiện, nhiều quốc gia đang cảm thấy lo lắng trước sự "xâm lược" này. Ví dụ động thái mua đất của Trung Quốc trong suốt thời gian dài đã khiến giới chức Brazil và Argentina tỏ ra lo ngại. Tháng 8/2010, Brazil đã cho điều chỉnh Luật Đất đai năm 1971 nhằm gây khó khăn cho người nước ngoài khi có ý định mua đất tại nước này. Tổng thống Argentina, Cristina Fernández de Kirchner cũng đệ trình Quốc hội bản sửa đổi luật hạn chế diện tích đất mà người nước ngoài có thể mua.

Tờ Spiegel, Đức không ngần ngại vạch trần cái gọi là hình thức "hợp tác hai bên cùng có lợi" của các hợp đồng thuê đất. Bài báo cho rằng, Chính phủ nhiều nước và các quỹ đầu tư đang "vơ vét" đất nông nghiệp tại châu Á và châu Phi để phục vụ lợi ích của riêng mình. Điều này đang trở thành một lĩnh vực kinh doanh béo bở trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng nhanh và giá cả lương thực leo thang chóng mặt. Cuộc chơi nhiều may rủi về sự độc quyền thực tế đã dẫn đến một thứ chủ nghĩa thực dân hiện đại mà các nước nghèo dù muốn hay không cũng buộc phải chấp nhận.

Tờ báo cũng cay đắng thừa nhận, trong khi cái đói đang trở thành vấn nạn nhức nhối tại nhiều khu vực trên thế giới, thì đối với một số người, đó lại chính là cơ hội "ngàn năm có một". Sự kết hợp hai yếu tố: dân số càng đông, đất nông nghiệp càng khan hiếm, thì việc đầu tư vào lĩnh vực sản xuất lương thực trở thành sự đầu tư an toàn, với lợi nhuận hàng năm tăng từ 20 - 30%, một tỷ lệ hiếm có trong môi trường kinh doanh hiện tại.

 

Theo VEF

Các tin cũ hơn