Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos vẫn chưa thể đưa Athens ra khỏi nợ nần. Ảnh: AFP. |
Hôm qua (9/3), Moody's tuyên bố Hy Lạp đã vỡ nợ. Trước đó, Chính phủ Athens vừa thỏa thuận xong việc hoán đổi trái phiếu với các chủ nợ tư nhân để xóa khoản nợ 107 tỷ euro (tương đương 140 tỷ USD). Theo Moody's, việc trao đổi này là một bằng chứng cho thấy Hy Lạp không thể trả các khoản vay tài chính.
Moody's chỉ ra rằng, ngay cả khi chỉ 85,8% những người nắm giữ trái phiếu hợp pháp của Hy Lạp đồng ý hoán đổi, theo các điều khoản quy định, Hy Lạp vẫn có thể buộc các chủ nợ còn lại chấp thuận. Tổ chức xếp hạng này ước tính, tổng thiệt hại của các chủ nợ có thể tương đương 70% khoản đầu tư, tính theo giá trị tài sản ròng của khoản nợ.
"Theo định nghĩa của Moody's, việc hoán đổi kiểu này là một thỏa thuận 'cùng cực, tồi tệ' và cho thấy Hy Lạp vỡ nợ", tổ chức có trụ sở tại Mỹ cho biết. Theo lý giải của Moody's, việc hoán đổi không khác gì một hành động để giảm nhẹ nghĩa vụ tài chính của con nợ. Nhờ đó, Hy Lạp có thể được né việc trả nợ trong tương lai.
Trước đó, Hy Lạp đã bị Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm xuống mức thấp nhất. Do vậy, việc tuyên bố Hy Lạp vỡ nợ cũng không làm thay đổi xếp hạng của Moody's. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định vẫn tiếp tục xem xét lại tác động các khoản giảm nợ của Hy Lạp cũng như gói cứu trợ thứ 2 từ khu vực euro.
Trong khi đó, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác là Fitch cũng vừa thay đổi xếp hạng tín nhiệm của Hy Lạp sau khi thỏa thuận hoán đổi trái phiếu được Chính phủ Athens công bố. Fitch hạ tín nhiệm vỡ nợ ngoại tệ và nội tệ dài hạn của Hy Lạp (IDRs) từ bậc 'C' xuống 'vỡ nợ hạn chế' (RD).
Theo VnExpress