Theo lẽ thường, vào những dịp lễ tết, hay thời điểm có những sự kiện quan trọng của đất nước, của giới này, giới kia thì bao giờ người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ bao giờ cũng nhận được những niềm vui, thậm chí món quà (tinh thần và vật chất) nho nhỏ. Nhưng gần đây, ít nhất là từ đầu năm 2012 đến nay, có vẻ như những niềm vui bất ngờ đó đã chẳng còn.
Vui làm sao được cơ chứ, bởi đã thành một tiền lệ chẳng đẹp đẽ chút nào là cứ vào những dịp quan trọng gần đây thế nào một mặt hàng thiết yếu lại "rồ gas" khiến các bà, các chị hết cả hồn. Sau sự kiện sữa vinamilk tăng giá đúng vào ngày Mồng 1 Tết Nhâm thìn và gần đây nhất giá xăng bất ngờ tăng mạnh (thêm 2.100 đồng/lít) vào đúng 16 giờ ngày 7/3, đúng vào thời điểm các quí bà đang chờ được tặng hoa nhân ngày Quốc tế phụ nữ cao quí.
Điện, sữa, gas, xăng thậm chí cả mỹ phẩm đều tăng giá khiến các bà nội trợ tội nghiệp nhà ta phải liên tục 'tái cấu trúc" lại chính sách tài khóa gia đình vốn eo hẹp của mình, kéo theo biết bao toan tính cắt giảm ngân sách cho nhu cầu làm đẹp, như cầu giải trí, chi phí cho gia đình, con cái của họ.
|
Ga là một trong nhiều mặt hàng biến động lớn về giá trong thời gian vừa qua. |
Có thể khẳng định, 2 thứ xâm hại lớn nhất cho ngân sách các gia đình hiện tại có lẽ là năng lượng đun nấu (gas) và di chuyển (xăng dầu). Chỉ trong vòng 2 tháng đầu năm, giá gas đã tăng giá tới 4 lần mà lần gần nhất là ngày 1/3, giá các loại gas lại tăng thêm bình quân 52 nghìn đồng/bình 12kg đưa mức giá bán lẻ tại cửa hàng, đại lý lên xấp xỉ nửa triệu đồng/bình, cao hơn 125 ngàn đồng so với thời điểm cuối năm 2011! Rồi xăng nữa, với đợt tăng giá lên tới 2.100 đồng/lít lần này không biết còn kéo theo bao nhiêu mặt hàng sẽ tăng phí nữa đây?
Tất nhiên, ở xứ ta chuyện tăng giá chẳng phải mới mẻ gì và có thể việc 3 mặt hàng trên "tăng xông" đúng vào những thời khắc đặc biệt chỉ là sự ngẫu nhiên. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng đó là sự sắp xếp có ý đồ và là tiểu xảo của các nhà kinh doanh: "đánh" (tức điều chỉnh giá) vào những dịp như vậy sẽ tránh được sự chú ý của dư luận; Người tiêu dùng đang bận tíu tít với việc chuẩn bị lễ tết, bận bố trí sắp xếp lại giờ làm, giờ học, giờ đưa đón con cái, mua hoa tặng Eva... sức mấy quan tâm tới chuyện giá cả, thị trường.
Ví như việc tăng giá điện, ông điện, ông sữa đã khá thông minh khi điều chỉnh giá kiểu nhỏ giọt (5%) và đúng vào lúc cận tết hay gần đây kà giá gas, giá xăng tăng vào dịp "ngày của chị em" 8/3. Rất không may cho các "nhà" (điện, sữa, gas và xăng), vào thời buổi khó khăn, túi tiền eo hẹp của người tiêu dùng vốn nhạy cảm với "thời tiết" nên chiêu "đánh lén" này khó qua mắt được họ.
Dĩ nhiên là sau khi bị 'phát giác" các "nhà" đưa ra nhiều lý lẽ biện minh: ví như tăng giá điện là để thu hút đầu tư, buộc những ngành sản xuất tiêu tốn năng lượng như: sắt thép, xi măng... phải tiết kiệm năng lượng! Hay tăng giá sữa, giá gas, giá xăng dầu là do giá thế giới, thuế nhập khẩu đều tăng...
Tuy nhiên, giá cả là chuyện nhạy cảm, thời điểm tăng giá, tăng bao nhiêu, ảnh hưởng đến túi tiền của người tiêu dùng như thế nào là vấn đề vô cùng quan trọng và phải cân nhắc kỹ lưỡng, không thể thích tăng là tăng. Đặc biệt, dẫu tăng ít hay nhiều nhưng nếu các "nhà" thiếu minh bạch thông tin về sản xuất, kinh doanh, rồi chi phí đầu vào, đầu ra như thế nào thì khó mà thuyết phục được người tiêu dùng.
Lâu nay các DN kinh doanh mặt hàng thiết yếu vẫn hay kêu gọi sự minh bạch trong sản xuất kinh doanh, minh bạch trong cơ chế giá cả, nhưng liệu chuyện họ cứ tăng giá kiểu "đánh úp" có nên chăng. Dư luận đang cho rằng ngay cả cách hành xử một cách đàng hoàng với người tiêu dùng trong câu chuyện tăng giá, các DN kinh doanh mặt hàng thiết yếu hình như cũng "không để ý" cho lắm.
Xem nhé, trước đây nếu có tăng giá thì người ta cũng điều chỉnh từ từ, kiểu nhỏ giọt "mưa lâu thấm dần" nhưng gần đây, mấy "ông gas" cứ rồ ga liên tục, chỉ trong vòng 2 tháng qua đã tăng giá đến 4 lần và lẫn nào cũng tăng với số tiền rất lớn, đặc biệt là 2 lần gần đây nhất với số tiền tăng lần lượt là 42 và 52 ngàn đồng/bình. Các bà nội trợ kêu thấu trời, các cơ quan chức năng như Công Thương, Tài Chính...phải lên tiếng can thiệp thì họ mới chịu lùi một tý.
Nhưng đây là kiểu nhượng bộ của một kẻ keo kiệt đầy toan tính: hồi đầu tháng 2, sau khi tăng 42 ngàn họ giảm bớt 12 ngàn đồng/ bình; Đầu tháng 3, sau khi tăng lên tới 52 ngàn đồng, sau đó họ có điều chỉnh chút ít (giảm 17 và 10 ngàn đồng/bình) tức mức giảm đúng bằng 1 nửa của mức tăng, nhưng với lý do là Bộ Tài chính đã hạ thuế nhập khẩu gas từ 5% xuống còn 0% chứ chẳng phải là họ thương xót gì người tiêu dùng và nội trợ đâu nhé...
Theo VEF