Tái diễn kịch bản lạc hậu của thuế TNCN năm 2007
Bộ Tài chính chủ động công bố nội dung sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một động thái được đông đảo dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, các tính toán điều chỉnh về mức khởi điểm nộp thuế đang khiến nhiều người dân băn khoăn và thậm chí là thất vọng.
Theo dự kiến sửa đổi, mức khởi điểm nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được tăng từ 4 triệu đồng hiện hành lên 6 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc sẽ tăng từ 1,6 triệu đồng/tháng hiện nay lên 2,4 triệu đồng/tháng.
Bộ Tài chính khẳng định, nguyên tắc chọn con số thu nhập khởi điểm phải chịu thuế là cao hơn mức thu nhập bình quân của người dân vào thời điểm Luật có hiệu lực.
Nếu năm 2007, việc chọn mức giảm trừ 4 triệu đồng/tháng mà không tính theo GDP, mức tiền lương tối thiểu hay tính theo yếu tố trượt giá,..., chờ khi mức này này thấp hơn mức thu nhập bình quân đầu người của xã hội thì mới sửa đổi thì nay, cách tính toán sửa thuế TNCN có vẻ tiến bộ hơn.
Để đi đến con số được chọn là 6 triệu đồng, Bộ Tài chính đã dựa trên 4 yếu tố là GDP, CPI, tiền lương tối thiểu và kết quả điều tra mức sống của người dân do Tổng cục Thống kê thực hiện. Căn cứ này rất khoa học bởi nó bám theo các yếu tố tổng hòa tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế xã hội. Rõ ràng, về lý thuyết, các nguyên tắc tính toán đó là hợp lý.
Mức 6 triệu đồng khởi điểm thu nhập chịu thuế chính là khoảng trung bình giữa bài toán cập nhật mức khởi điểm thu nhập chịu thuế 4 triệu đồng/tháng hiện nay sẽ tương ứng trong tương lai năm 2014 là khoảng 5,85 triệu đồng/tháng tính theo tốc độ tăng trưởng GDP và khoảng 6,5 triệu đồng/tháng nếu tính theo tốc độ trượt giá.
Con số này cũng nằm trong khoảng mức thu nhập bình quân của người dân trong tương lai 2014 sẽ vào khoảng 2,876 triệu đồng/tháng/người, thu nhập bình quân của nhóm thu nhập cao nhất có thể đạt khoảng 7,07 triệu đồng/tháng/người, theo như Tổng Cục Thống kê giả định theo phép tính tăng 20% thu nhập hàng năm.
Và tất nhiên, mức 6 triệu được cho là gấp 3,6 lần mức lương tối thiểu dự kiến 1,67 triệu đồng vào năm 2014 vốn được "lấy" ra từ Đề án Cải cách chính sách tiền lương giai đoạn 2013-2020 do Bộ Nội vụ chủ trì
Dù tham khảo tới 4 kênh thông tin rất chính thống như vậy, nhiều ý kiến vẫn e ngại, Bộ Tài chính đang tham khảo các nguồn tin hoặc quá lạc quan, hoặc đã quá cũ và không bám sát thực tế đời sống hiện nay.
Thứ nhất, kịch bản kinh tế vĩ mô mà Bộ Tài chính tham khảo đều là các phương án khá lạc quan. Bình quân, giai đoạn 5 năm tới (2011 - 2015), GDP của Việt Nam sẽ vào khoảng 6,5%-7%. Dù cho 2 năm 2010- 2011, lạm phát căng thẳng 2 con số nhưng, dự kiến các năm sau, Bộ Tài chính kỳ vọng CPI ở mức dưới 2 con số. Trong khi đó, điều cần lưu ý là hầu hết các dự báo CPI và GDP như trên đều được dựa trên giả định bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước là bình thường, không lạm phát cao, cũng không có khủng hoảng, suy giảm.
Kênh tham khảo thứ ba là tiền lương tối thiểu sẽ tăng cao hơn theo lộ trình cải cách. Tuy nhiên, chính Bộ Tài chính cũng đã phải nhấn mạnh, vẫn đang thiếu nguồn để đáp ứng mức tăng lương như vậy. Mức tiền lương tối thiểu theo quy định của Nhà nước chỉ mang tính danh nghĩa vì không thể là mức đủ sống.
Với kênh tham khảo thứ 4 là kết quả cuộc điều tra xã hội học của Tổng cục Thống kê về thu nhập và mức sống dân cư nhưng là thực hiện từ năm 2010. Nếu như 4 năm sau, thời điểm Thuế TNCN mới sẽ có hiệu lực thì liệu các dự báo về mức sống của cuộc điều tra này có còn chính xác?
Do đó, nhiều ý kiến đang e ngại, 2 năm tới, mức thu nhập khởi điểm nộp thuế 6 triệu đồng/tháng sẽ là lạc hậu với đà tăng lạm phát vù vù ở Việt Nam, là quá cao so với mặt bằng thu nhập đủ sống của đại bộ phận dân chúng vào năm 2014.
Bài toàn này sẽ còn chịu một rủi ro lớn trong công tác dự báo ở Việt Nam, đó là tình trạng luôn có khoảng cách khá xa giữa các con số dự báo trên giấy, các mục tiêu theo kế hoạch của Chính phủ với thực tiễn đời sống kinh tế Việt Nam.
Chỉ đơn cử bài học nhãn tiền chính là các kịch bản, kế hoạch mục tiêu CPI và GDP ít khi được chính xác như mong muốn. Điển hình như năm 2011, CPI đã điều chỉnh tới 5 lần, từ mức 7% tăng vọt lên 18,13%, gấp hơn 2 lần.
Trở lại các đánh giá của chính bộ này về Luật Thuế TNCN hiện hành, được ban hành năm 2007 và áp dụng từ năm 2009, cơ quan soạn thảo cũng đã phải thừa nhận những điểm bất cập tồn tại.
Bộ đã thừa nhận mức giảm trừ gia cảnh 4 triệu đồng/tháng đã không còn phù hợp, bởi khi có hiệu lực, CPI năm 2009 chỉ ở mức 6,52%. Nhưng 3 năm qua, CPI đã tăng liên tục, đều trên 2 con số, năm 2010: 11,75% và 2011: 18.13% làm ảnh hưởng lớn tới mức sống của người dân.
4 triệu đồng/tháng chưa đủ sống, nói gì nộp thuế!
Bởi lẽ thế, thông tin công bố 6 triệu đồng sẽ phải nộp thuế và đồng thời, áp dụng tới 2 năm nữa khiến nhiều bạn đọc đều thấy bức xúc, không đồng tình. 4 triệu đồng/tháng chưa đủ sống, nói gì nộp thuế là thông điệp được hầu hết bạn đọc nhấn mạnh cho chính sách thuế hiện hành.
Bạn đọc Gacondagiu cho rằng, như vậy năm 2012, 2013 vẫn theo mức giảm trừ 4triệu đồng/tháng. Đây là mức quá phí lí bởi xét với thu nhập 4 triệu mà sống ở những thành phố lớn như Hà Nội thì có mà chết đói chứ chưa nói gì tới nộp thuế TNCN.
Một bạn đọc khác với nickname Tranthanh_quoc tính toán: "Tôi thu nhập 5triệu/tháng.tiền phòng trọ 1 triệu ,xăng đi lại 600 nghìn đồng, ăn uống 1 ngày 50 nghìn đồng, 1 tháng 1,5 triêu chi phí hao trừ cho việc sửa chữa xe, chi tiêu..... Còn 1 triệu đóng thuế 250 nghìn vậy thì tôi còn lại 0,15 triệu đồng?
"6 triệu đồng vào năm 2014 chẳng đủ sống với giá cả thời điểm đó, lại còn phải đóng thuế thu nhâp cá nhân thi thật chẳng khác nào nhà nươc đang bóp nghẹt cuộc sống của người làm công ăn lương, bạn đọc tên Hoa gửi ý kiến than phiền.
Nhiều bạn đọc còn bất bình bày tỏ rằng, chằng lẽ luật thuế thu nhập cá nhân hiện hành với mức 4 triệu đồng thu nhập phải nộp thuế vẫn còn hợp lý hay sao mà tiếp tục thực hiện kéo dài trong 2 năm nữa.
Không chỉ có việc thời điểm sửa đổi thuế bị dư luận than phiền kêu ca, ngay cả việc áp dụng cách tính tuyệt đối về tiền thu nhập khởi điểm chịu thuế cũng bị nhiều ý kiến người dân không đồng tình. Khá nhiều bạn đọc bày tỏ việc tính mức khởi điểm thu nhập này cần theo tỷ lệ mức điều chỉnh lương tối thiểu.
Trong khi đó, lý giải về việc áp dụng trễ Luật sửa đổi của Bộ Tài chính lại chỉ nhắc đến các lý do rất kỹ thuật trong việc soạn thảo ban hành luật.
Về thời điểm hiệu lực năm 2014, ông Vũ Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, bộ Tài chính cho biết, thuế thu nhập cá nhân và thu nhập doanh nghiệp phải áp dụng cùng nhau song hành. Dự kiến, năm 2013, Chính phủ sẽ sửa Thuế thu nhập doanh nghiệp để đến năm 2014 thực hiện. Vì thế, chúng tôi vẫn theo nguyên tắc song hành đó, sửa Luật thuế thu nhập cá nhân cũng áp dụng cùng năm 2014. Việc này nhằm không gây méo mó việc điều tiết chính sách thuế.
"Chúng ta có lương tối thiểu vùng, khu vực, mỗi năm lại điều chỉnh một lần, nếu áp dụng thuế thu nhập cá nhân tính theo tiền lương tối thiểu thì sẽ làm cho chi phí công tác thuế tăng lớn", ông Phụng nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết sẽ trình bản sửa đổi luật này vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/12, khi đó, sẽ có dự thảo Nghị định, Thông tư. Một điều quan trọng nữa là các chương trình phần mềm quản lý thuế cần hoàn thiện, rồi phải có quá trình tuyên truyền phổ biến cho người nộp thuế trước khi luật có hiệu lực.
Còn thứ trưởng Mai thì lý giải, không có quốc gia nào tính thuế thu nhập cá nhân chỉ dựa riêng vào một tiêu chí cứng như chỉ số giá, tiền lương mà còn dựa vào các yếu tố tổng hòa như nhu cầu thu ngân sách, mức sống người dân...
Theo VEF