Đại gia BĐS bỏ nhà đất, tìm đường đi mới

Thứ bảy, 10/03/2012, 11:04
Làn sóng thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh BĐS đang tiếp diễn mạnh mẽ. Nhiều doanh nghiệp trở về lĩnh vực kinh doanh cốt lõi nhưng không ít xoay chuyển chọn mở hướng đi mới bất chấp thương trường không trải hoa hồng, nhất là trong bối cảnh kinh tế nhiều thách thức.

36 kế, kế chuồn khỏi BĐS là thượng sách? (ảnh minh họa)

Chuyển hướng

Nhắc đến Sơn Hà, phần đông nghĩ ngay đến lĩnh vực kim khí với các sản phẩm bồn chứa nước inox, thái dương năng..., mà không phải ai cũng biết rằng, 7 năm tham gia thị trường BĐS tính đến nay, riêng tại Hà Nội, tập đoàn này đã sở hữu và triển khai ít nhất 7 dự án căn hộ, cao ốc văn phòng tại Kiến Hưng, Đan Phượng, Kim Giang, Tây Hồ Tây, Xuân La...

Nay quyết định dấn thân với tư cách là một nhà bán lẻ chuyên tạo lập và phát triển chuỗi siêu thị trên toàn quốc, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch của Sơn Hà cũng đồng thời tuyên bố sẽ thoái vốn, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh BĐS. Định hướng tập đoàn chỉ giữ lại các phần mặt bằng thương mại bán lẻ trong các dự án hoặc sẽ mua thêm BĐS chỉ để tạo nền tảng, phục vụ phát triển bán lẻ mà thôi.

Theo ông Lê Vĩnh Sơn, ngoại trừ sự trầm lắng do chính sách vĩ mô, còn về lâu dài BĐS sẽ phục hồi, triển vọng về giá cũng như giao dịch. Vậy tại sao doanh nghiệp này không cầm cự chờ thời mà lại quyết tâm rút khỏi thị trường.

Hàng loạt phát ngôn của lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi về việc sẽ thoái lui, giảm dần mức độ phục thuộc vào BĐS và chuyển sang các lĩnh vực sản xuất dài hạn bền vững, đã khiến thị trường những ngày đầu năm 2012 xôn xao. Đáng kể là tuyên bố của đại gia đi lên từ nghề kinh doanh chế biến gỗ là ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai khẳng định từ nay sẽ tập trung theo đuổi các lĩnh vực như cao su, thủy điện...
 


Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt - ông Nguyễn Văn Đạt cũng tiết lộ sẽ dành thời gian tâm sức phát triển nông, lâm nghiệp. "Khó khăn của thị trường BĐS vừa qua giúp chúng tôi hiểu hơn rằng, nguồn thu BĐS không phải luôn ổn định" - vị lãnh đạo bộc bạch.

Chủ động hay bị động

Dù ở thế chủ động hay bị động thì việc xoay xở, chuyển hướng tìm lối đi mới trong bối cảnh kinh tế biến động hiện nay cũng không dễ dàng, thuận lợi chút nào. Ngay cả các doanh nghiệp nhỏ, linh động tìm cách chuyển nghề cũng rơi vào vòng xoáy "phá sản" lần hai.

Anh Tùng - GĐ một sàn BĐS tại khu vực Trung Hòa Nhân Chính là một ví dụ. Sàn BĐS của anh nằm ngay vị trí mặt đường, khu vực nhiều khách qua lại. Hoạt động cầm chừng một thời gian, anh Tùng chuyển hướng cải tạo thành quán café với tổng số vốn đầu tư gồm nội thất, âm thanh ánh sáng, tuyển chọn nhân viên... lên tới hơn 500 triệu đồng. Khai trương quán quán rầm rộ không bao lâu đã buộc phải đóng cửa vì quá vắng khách.

Đồng cảnh ngộ, trang thương mại điện tử mua bán BĐS của một công ty ở quận Thanh Xuân cũng chính thức khai tử. Số là từ trang web của sàn giao dịch BĐS, lãnh đạo công ty này lại mạnh tay đầu tư mở rộng thêm bằng việc mở trang thương mại điện tử đa ngành nghề.

Nguồn doanh thu từ website chưa có, mỗi tháng công ty phải chí phí tới hàng trăm triệu đồng để nuôi các trang. Nguồn vốn cạn kiệt, dự án đã kết thúc chóng vánh sau một năm mở ra. "Từ nhà đất chuyển sang ngành nghề khác để kinh doanh thành công không phải là điều dễ dàng nếu không có kinh nghiệm, quan hệ và đối tác tốt" - đại diện công ty thừa nhận.

BĐS là ngành kinh doanh đặc thù. Nếu chuyển sang các nghề có liên quan như tư vấn nhà đất, thiết kế nội thất, thi công, vật liệu xây dựng thì ít gặp nhiều rủi ro vì có thể tận dụng được cơ sở khách hàng. Còn kinh doanh một ngành nghề khác hẳn, nếu không chuẩn bị tốt về nhiều mặt, việc gặp rủi ro thậm chí phá sản là điều hoàn toàn có thể.

Theo VEF

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích