Hàng loạt doanh nghiệp vận tải “nháo nhác” đòi tăng giá

Thứ bảy, 10/03/2012, 11:22
Cơn sốt giá xăng khiến cho hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và dịch vụ taxi như đang "ngồi trên đống lửa". Hàng loạt doanh nghiệp "nháo nhác" gửi văn bản đòi tăng cước phí và cuộc chạy đua với giá lại trở nên nóng hơn bao giờ hết.


Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội khẳng định: “Giá xăng dầu chi phối rất nhiều lĩnh vực cuộc sống, đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh vận tải, vì thế ngay khi xăng tăng giá Hiệp hội đã nhận được rất nhiều đề xuất của các hãng taxi ở Hà Nội đề nghị tăng giá cước để bù lỗ, tất cả các hãng taxi đều đòi tăng phí vận chuyển. Tôi cho rằng đây là việc cần thiết phải thực hiện để đảm bảo hoạt động kinh doanh của các hãng cũng như đời sống của người lao động”.   
 

Vận tải hành khách liên tỉnh đang "căng như dây đàn" vì xăng dầu tăng giá

Ông Bình cho biết, hiện nay số lượng taxi ở Hà Nội có 15.000 xe, ứng với đó là phải có 20.000 - 30.000 tài xế, vì thế với cơ chế ăn chia như hiện nay thì giá xăng tăng khiến họ mất từ 50.000 - 70.000 đồng/ngày. Trong khi đó, một ngày công lao động của anh em tài xế chỉ được từ 120.000 - 150.000 đồng, nay phải trừ đi từ 50.000 - 70.000 đồng nghĩa là 3 bữa cơm thì nay mất 1 bữa, điều này là khó khăn rất lớn cho anh em lao động.

“Không nói là sẽ tăng bao nhiêu phần trăm mà dự kiến sẽ điều chỉnh mức tăng từ 1.5000 - 2.000 đồng/km. Tuy nhiên, chúng tôi cũng có những cam kết, biện pháp theo dõi kỹ lương để tránh tình trạng các hãng tăng ồ ạt và tăng quá đà gây khó cho người tiêu dùng, phải tăng hợp lí không sẽ làm ảnh hưởng đến thị trường chung.” - ông Bình cho hay.

Được biết, chiều qua 9/3, Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội đã có cuộc họp trong đó bàn đến vấn đề cần thiết phải tăng giá cước nhằm giải quyết ngay khâu bù lỗ cho anh em lái xe và doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.

Trong bối cảnh xăng tăng giá thì hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh được cho là sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn cả vì phạm vi rộng, phí nhiên liệu nhiều, khó quản lý.

Ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý Bến xe Hà Nội chia sẻ, giá xăng tăng đang gây áp lực tăng giá đối với hoạt động vận tải hành khách đường dài từ Hà Nội đi các tỉnh và ngược lại. Ông Trung cho biết hiện chưa nhận được văn bản đề xuất tăng giá nào của các doanh nghiệp nhưng cũng nhìn nhận đây chỉ chuyện ngày một ngày hai, vì với áp lực giá nhiên liệu, chi phí đầu vào tăng như hiện nay thì doanh nghiệp không thể không tăng cước phí để bù lỗ.

Đồng tình với các quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam có 1 cách ví von khá rôm khi cho rằng việc tăng giá khiến doanh nghiệp vận tải luôn phải “chạy theo đuôi” các doanh nghiệp xăng dầu.

“Trong khi việc tăng giá cước rất nhạy cảm vì tác động lớn tới “túi tiền” của người dân, cũng như là yếu tố đầu vào của nhiều doanh nghiệp sản xuất khác. Với thực tế giá xăng tăng 10% sẽ khiến chi phí hoạt động vận tải taxi tăng khoảng 5%, còn dầu diezen tăng khoảng 5% sẽ làm chi phí vận tải hàng hóa, hành khách tăng khoảng 2%.

Hiệp hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp chỉ nên tăng giá cước khi giá xăng, dầu tăng từ 10% trở lên. Trong trường hợp này, có thể các hãng taxi sẽ phải điều chỉnh giá cước. Còn vận tải hàng hóa và hành khách cần bình tĩnh tính toán, tổ chức vận tải hợp lý để tiết kiệm chi phí,” ông Hùng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp vận tải” - ông Hùng nói.

Vấn đề về giá vận tải khi giá xăng dầu tăng cũng được trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Giao thông Vận tải hôm 7/3. Trả lời về áp lực của doanh nghiệp vận tải và nguy cơ tăng giá do xăng dầu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định: “Việc tăng giá cước vận tải lâu nay vẫn do Hiệp hội Vận tải đề xuất được căn cứ vào thực tiễn tăng giá phí đầu vào. Sau khi Hiệp hội đã tập hợp ý kiến của các thành viên của mình sẽ quyết định mức tăng giá cước. Bộ Giao thông Vận tải sẽ chấp nhận theo đề xuất của Hiệp hội vì đây là vấn đề đã được xã hội hóa từ lâu”.

Theo Dân Trí

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn