Lỗ nghìn tỷ sau nửa năm, Gỗ Trường Thành chênh vênh trên 'bờ vực'

Thứ năm, 03/11/2016, 13:23
Từng là một doanh nghiệp Top đầu về gỗ xuất khẩu, biến cố hàng tồn kho khiến Gỗ Trường Thành lỗ gần 1.500 tỷ đồng chỉ trong 2 quý gần đây.

Theo Báo cáo tài chính mới công bố, Tập đoàn kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (Mã CK: TTF) tiếp tục báo lỗ trong quý III gần 400 tỷ đồng, nâng mức lỗ sau 2 quý hoạt động gần nhất lên con số gần 1.500 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ hiện tại của công ty.

Hoạt động kinh doanh trong quý III tiếp tục đi xuống khi công ty phải bán hàng dưới giá vốn. Mặc dù vẫn ghi nhận doanh thu trên 103 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp âm gần 27 tỷ đồng, kết quả trái ngược với gần 131 tỷ đồng trong quý III năm 2015. Trong khi đó, chi phí tài chính tiếp tục gia tăng lên 81 tỷ đồng với chi phí lãi vay gần 76 tỷ.

Tổng tài sản của Gỗ Trường Thành tính đến hết quý III là hơn 3.200 tỷ đồng, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm. Vốn điều lệ từ mức hơn 1.400 tỷ đầu năm, với biến cố xảy ra chỉ trong 2 quý gần đây đã giảm xuống âm 34 tỷ đồng, đồng nghĩa với các cổ đông của công ty đã mất hoàn toàn vốn góp. Và nếu không có một biến cố đặc biệt xảy ra, cổ phiếu TTF của công ty sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc do kết quả nói trên.

Câu chuyện của Gỗ Trường Thành là sự thăng trầm của hoạt động kinh doanh gắn liền với thời thế. Từ những biến cố gắn với khủng hoảng kinh tế giai đoạn tưởng chừng đã đánh ngã doanh nghiệp cho đến sự phục hồi thần kỳ.

Cổ phiếu của Gỗ Trường Thành trên HOSE đang phải đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế đã vượt quá vốn điều lệ.

Được thành lập vào năm 1993, tiền thân là Xí nghiệp tư doanh chế biến gỗ Xuất khẩu Trường Thành tại Đăk Lăk, Gỗ Trường Thành đã nhanh chóng đứng trong danh sách những doanh nghiệp sản xuất gỗ hiếm hoi của Việt Nam có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Một trong những bước ngoặt trong hoạt động kinh doanh của công ty đến vào năm 2006. Thời điểm đó, nhờ được tài trợ vốn từ các ngân hàng thương mại gấp đôi so với năm 2005 giúp công ty có điều kiện nhận thêm nhiều đơn hàng mới, đặc biệt là các dòng sản phẩm cao cấp bằng gỗ teak.

Gỗ Trường Thành cũng đẩy mạnh vào hoạt động thiết kế để gia tăng giá trị cho sản phẩm, lương cho cán bộ công nhân viên khi đó của công ty đã tăng gấp đôi so với 2005, nhưng tỷ lệ chi phí quản lý trên giá thành vẫn giảm. Lợi nhuận và doanh thu đem lại thời gian đó đều tăng gấp 3 lần cùng kỳ.

Đến hết năm 2006, theo số liệu của Bộ Thương mại, Gỗ Trường Thành đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu trong số doanh nghiệp có vốn trong nước (hơn 20 triệu USD), chỉ sau doanh nghiệp gỗ Cẩm Hà và đứng thứ 6 tại thị trường nội địa.

Hoạt động kinh doanh của Công ty tiếp tục gia tăng trong thời gian sau đó lên mức đỉnh vào năm 2007 với hơn 603 tỷ đồng doanh thu và hơn 56 tỷ lợi nhuận sau thuế.

Vào thời gian đó, biết được điểm yếu đối với doanh nghiệp chế biến gỗ là nguồn nguyên liệu, Gỗ Trường Thành đã xây dựng lộ trình để hình thành vùng gỗ nguyên liệu tại ngay Việt Nam, hạn chế rủi ro việc sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Khi đó đề án được công ty xây dựng là mua và trồng 100.000ha rừng phục vụ sản xuất tại Việt Nam.

Đến giai đoạn 2009, doanh thu của Gỗ Trường Thành tăng tốc lên hơn 1.900 tỷ đồng và nhanh chóng cán mốc gần 3.000 tỷ vào năm 2011. Báo cáo thường niên của công ty thời điểm đó cho biết, mục tiêu của Gỗ Trường Thành không chỉ đối với trong nước mà vươn đến Top 5 của khi vực ASEAN vào năm 2014, đồng thời là Top 3 doanh nghiệp tư nhân có diện tích rừng trồng lớn nhất ASEAN vào năm 2017.

Tuy nhiên, biến cố đã xảy ra trên con đường mà Hội đồng quản trị công ty vạch sẵn.Kinh tế Việt Nam, cũng như thế giới rơi vào giai đoạn khủng hoảng đã tác động đến hoạt động kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó, do sử dụng vốn vay khá lớn trong giai đoạn phát triển trước nên khi chi phí lãi vay tăng cao đã "ngốn" hết lợi nhuận công ty tạo ra. Từ mức lợi nhuận sau thuế 52 tỷ đồng của năm 2010 đã giảm chỉ còn hơn 11 tỷ đồng vào năm 2011 và lỗ sau thuế gần 3 tỷ đồng năm 2012.

Đến thời điểm cuối năm 2011, nợ phải trả của Gỗ Trường Thành là gần 2,542 tỷ đồng, chiếm 76% tổng tài sản, trong đó riêng vay nợ ngắn hạn là gần 1.836 tỷ đồng. Giai đoạn đó tưởng chừng đã khiến công ty phải phá sản khi hoạt động kinh doanh đi vào bế tắc, trong khi khoản lãi vay phải trả quá lớn.

Mở đầu báo cáo thường niên năm 2011 bằng lá thư viết tay gửi tới các cổ đông, Chủ tịch Võ Trường Thành đã nhấn mạnh, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì ông và Hội đồng quản trị sẽ mẫn cán trong việc quản trị và trung thành với lợi ích của cổ đông.

Lời cam kết của Chủ tịch Võ Trường Thành trong thông điệp gửi các cổ đông sau biến cố năm 2011.

Quyết tâm của Hội đồng quản trị thể hiện ngay ở tiêu đề của báo cáo thường niên những năm sau đó, khi năm 2012 là "Thuyền trong bão lớn" và đến năm 2013 là "Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường".

Bằng nỗ lực tái cơ cấu, đặc biệt là tái cơ cấu nguồn vốn thông qua gia tăng vốn chủ sở hữu, Gỗ Trường Thành đã từng bước vượt qua khó khăn. Đến năm 2014 và 2015, Công ty đã chính thức vượt qua giai đoạn đó với con số lợi nhuận sau thuế 2 năm lần lượt là 67 tỷ và 205 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số lợi nhuận trong giai đoạn tăng trưởng 2007 - 2010 trước đây.

Tưởng chừng đã có thể hưởng thành quả, tuy nhiên, giai đoạn khó khăn lại tiếp tục ập đến với khoản lỗ đột biến hơn nghìn tỷ trong quý II năm nay, mà nguyên nhân đến từ việc phải trích lập dự phòng cho gần 1.000 tỷ đồng hàng tồn kho bị thiếu sau khi kiểm kê.

Đơn vị kiểm toán Ernst &Young (EY) cũng đã từ chối đưa ra kết luận với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của công ty với 2 nguyên nhân chính liên quan đến hàng tồn kho bị "bốc hơi" và khó xác định chính xác con số doanh thu bán hàng. Đồng thời là ý kiến về việc nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.

Ngay sau đó, Công ty Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (công ty con của Tập đoàn Vingroup - sở hữu 75%) đã công bố việc tạm dừng chuyển đổi khoản vay 1.201 tỷ đồng với 69,7 triệu cổ phiếu TTF để nâng sở hữu vì phát hiện một số sai lệch nghiêm trọng giữa một bên là số liệu mà công ty đã công bố cho nhà đầu tư và tình hình thực tế mà Tân Liên Phát nắm được.

Trước đó, Tân Liên Phát là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành với việc chi khoảng 1.800 tỷ đồng để mua 72 triệu cổ phiếu TTF, tương ứng sở hữu 49,9% vốn của Trường Thành.

Tiếp sau đó,cuộc họp Hội đồng quản trị hồi giữa tháng 8 đã đưa ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch với ông Võ Trường Thành, người đã cùng Gỗ Trường Thành trải qua nhiều thăng trầm trước đây cũng như chức vụ của các thành viên khác trong gia đình ông.

Hàng loạt biến cố xảy ra, thị giá cổ phiếu TTF của công ty cũng lao dốc từ mức hơn 40.000 đồng xuống hiện chỉ còn 7.800 đồng chỉ trong vỏn vẹn vài tháng giao dịch.

Từ một doanh nghiệp đứng đầu trong ngành chế biến gỗ và xuất khẩu, Gỗ Trường Thành đang đối mặt với một khó khăn quá lớn. Cùng với sự ra đi của những người đã lãnh đạo công ty trước đây, hiện tương lai chờ đón công ty có thể xoay chuyển như giai đoạn 2011 hay không còn là điều khó dự đoán.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích