|
Với 1,5 tỉ người sử dụng trên thế giới, Facebook đang là mạng xã hội thống trị trên toàn cầu và vẫn tiếp tục bành trướng để củng cố vị thế. Người dùng và doanh nghiệp trên thế giới, cũng như tại Việt Nam, đang khép kín trong hệ sinh thái các sản phẩm và dịch vụ của Facebook.
Facebook tăng tầm phủ sóng
Cô Đặng Thủy, sinh sống ở Canada kết thúc cuộc gọi video qua Facebook chúc mừng sinh nhật mẹ, vốn đã 83 tuổi hồi tuần trước. Đây là cuộc gọi thứ tư trong tuần mà cô thực hiện kể từ khi bà bị cảm vào đầu tuần. Thông qua cuộc gọi video, cô có thể nắm bắt tình hình sức khỏe của mẹ cũng như động viên bà. Cô Thủy nói rằng Facebook đã đem lại một cuộc thay đổi đáng kể trong việc liên lạc với người thân của những Việt kiều như cô. Các chức năng như gọi điện, hay gọi video miễn phí từ mạng xã hội này thực sự giúp cô tiết kiệm nhiều chi phí. “Một điều nữa là cách sử dụng các dịch vụ này thật đơn giản và tiện lợi”, cô Thủy nói.
Tháng 4/2015, Facebook bắt đầu triển khai dịch vụ gọi điện thoại miễn phí từ ứng dụng Messenger toàn cầu. Năm tháng sau, mạng xã hội này lại ra mắt tính năng nhắn tin miễn phí ở thị trường Việt Nam. Đầu năm 2016, Facebook tiếp tục làm nóng cộng đồng người sử dụng trên khắp thế giới bằng việc ra mắt tính năng truyền video trực tiếp (Live video) trên dòng trạng thái. Đây là một trong hàng loạt các động thái giữ chân người sử dụng trên khắp thế giới của Facebook mỗi năm và chiến lược này đã phát huy hiệu quả.
Từ tiện ích cá nhân như cô Đặng Thủy trải nghiệm, Facebook còn trở thành “shop” bán hàng của khoảng 300.000 chủ cửa hàng lớn nhỏ tại Việt Nam. Hoạt động này được cho phép tại Việt Nam (nhưng ít phổ biến ở những quốc gia khác) càng làm cho Facebook trở thành kênh kết nối quan trọng của nhiều người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam.
Theo thống kê tổ chức Internetworldstats, tính đến hết tháng 6/2015, Việt Nam có 45,5 triệu người sử dụng internet (bao gồm những người sử dụng tất cả các phương tiện có thể kết nối internet như máy tính, điện thoại di động), đạt mức thâm nhập/dân số là 48%. Trong đó, theo tổ chức WeAreSocial, tính đến tháng 1/2016, số người dùng Facebook là trên 35 triệu người ở Việt Nam, tạo thành cộng đồng mạng đông đảo nhất cả nước.
|
Số người dùng Facebook là trên 35 triệu người ở Việt Nam, tạo thành cộng đồng mạng đông đảo nhất cả nước. |
Theo đánh giá của Hiệp hội Internet Việt Nam, Facebook đang trở thành một kênh truyền thông có sức ảnh hưởng rất lớn tại Việt Nam, thậm chí có phần vượt so với tất cả các hình thức truyền thông khác. Đặc biệt với việc ra mắt tính năng mới cho phép người dùng truyền hình trực tiếp các sự kiện đang diễn ra và chia sẻ chúng với các cư dân Facebook.
Với lợi thế này, Facebook nghiễm nhiên trở thành công cụ đắt giá trong mắt các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo khảo sát của PV với phòng tiếp thị trực tuyến của các doanh nghiệp như Tiki.vn, Lazada.vn, Tugo.vn, Lingo.vn…, chi phí tiếp thị cho Facebook chiếm trung bình 30-50% tổng chi phí tiếp thị cả năm.
Trên thực tế, bên cạnh lượng người sử dụng rất lớn, yếu tố làm cho quảng cáo trên Facebook hấp dẫn chính là khả năng công nghệ của mạng xã hội này, giúp doanh nghiệp quảng cáo chính xác đến các đối tượng là khách hàng tiềm năng. “Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn loay hoay với hình thức trả tiền thuê banner trực tuyến theo ngày”, trưởng bộ phận tiếp thị một công ty thương mại điện tử ở TP.HCM cho biết.
Bữa trưa không miễn phí
Đến tháng 8/2008, 4 năm rưỡi sau ngày thành lập, Facebook đã có 100 triệu người dùng và chỉ 8 tháng sau, con số này đã tăng gấp đôi. Tới tháng 9/2012, Facebook chính thức chạm ngưỡng 1 tỉ người dùng. Hiện nay, con số này đã là 1,8 tỉ, hay nói cách khác là cứ 4 người trên hành tinh, có 1 người dùng Facebook.
|
Người phương Tây có câu ngạn ngữ “Không có bữa trưa nào miễn phí”, khi người sử dụng Facebook được miễn phí hoàn toàn các dịch vụ đắt giá, ắt phải có người trả tiền cho những đặc ân ấy. Câu trả lời không ai khác hơn là các doanh nghiệp trong những lĩnh vực mà Facebook triển khai.
Từ trò nghịch ngợm ở ký túc xá Harvard năm nào, nay Facebook đã trở thành một đế chế công nghệ khổng lồ có mặt ở khắp mọi nơi trên toàn cầu, với doanh thu, chủ yếu từ quảng cáo, hơn 6,8 tỉ USD và lợi nhuận gần 2,4 tỉ USD chỉ riêng trong quý III/2016 vừa qua.
Nếu nhìn vào vị thế của 3 công ty mạng xã hội lớn nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ (Facebook, Twitter và LinkedIn), thì càng thấy Facebook đang bước vào vị trí “độc tôn” như thế nào. Trong khi Facebook không ngừng tạo ra lợi nhuận khổng lồ và lọt vào top 10 công ty giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới, Twitter đang lay lắt chờ người tới mua, còn LinkedIn may mắn vừa được Microsoft thâu tóm lại sau khi mất tới phân nửa giá trị cổ phiếu hồi đầu năm nay.
Việc Zuckerberg tung ra hàng chục tỉ USD để thâu tóm các đối thủ tiềm tàng như Instagram và WhatsApp cũng bảo đảm là người dùng internet không thể “thoát” khỏi các sản phẩm của tập đoàn Facebook. Theo thống kê của Statista, trong số 6 ứng dụng mạng xã hội và nhắn tin phổ thông nhất thế giới hiện nay, Facebook, WhatsApp và Facebook Messenger đã lần lượt chia nhau top 3, còn Instagram đứng ở vị trí thứ 6.
Với tầm phủ sóng rộng khắp như vậy, chẳng có gì sai khi nói rằng Facebook đã trở thành “kẻ thù” của tất cả các tập đoàn internet khác. Chỉ riêng số người dùng chức năng gọi điện (tiếng lẫn video) trên Facebook Messenger đã là 300 triệu người mỗi tháng, hoàn toàn ngang ngửa với dịch vụ Skype của Microsoft. Về mặt video, trong tháng 10 vừa qua, Facebook đã có 208 tỉ lượt xem, theo Tubular Insights, một con số không thua kém so với YouTube của Google.
Google và Facebook là những công ty công nghệ thu lợi gián tiếp ở thị trường Việt Nam thông qua hình thức: cho phép người tiêu dùng sử dụng mạng xã hội, các công cụ tìm kiếm, thư điện tử... miễn phí. Facebook và Google kiếm lợi nhuận từ mảng quảng cáo hoặc một số dịch vụ, công cụ tiện ích khác trong hệ sinh thái các sản phẩm mà họ phát triển. Số lượng dữ liệu khổng lồ giúp Facebook trở thành công ty quảng cáo trên các thiết bị di động lớn thứ hai trên thế giới. Năm ngoái, Facebook tuyên bố chiếm 19% trong thị trường 70 tỉ USD của quảng cáo di động trên toàn cầu, so với 2,5% thị phần ít ỏi của Twitter. Lợi thế dữ liệu của Facebook sẽ gây khó khăn cho bất cứ đối thủ muốn chiếm thị phần. Điều này giải thích tại sao vốn hóa thị trường của Facebook đã tăng lên khoảng 325 tỉ USD.
|
Khép kín hệ sinh thái khổng lồ
Facebook cho biết tính hết năm 2015, hãng đã đạt được cột mốc 3 triệu nhà quảng cáo hoạt động trên mạng xã hội này, tăng đến 50% so với năm 2014. Đóng góp một phần lớn cho sự tăng trưởng này là các nhà quảng cáo đến từ khu vực Đông Nam Á, những người đang vượt qua các hình thức quảng cáo truyền thống và đang tìm cách tiếp cận đến người dùng thông qua mạng xã hội. Trong khuôn khổ Triển lãm Vietnam ICT Comm 2016, tham khảo từ một hãng nghiên cứu thị trường tại Hàn Quốc, đại diện Vụ Công nghệ Thông tin cho biết, Facebook thu về mỗi năm khoảng 100 triệu USD từ thị trường Việt Nam.
Kể từ khi Facebook gia nhập vào thị trường Việt Nam vào năm 2009, khá nhiều đối thủ trong nước đã phải rời cuộc đua như Cyvee.vn, henantrua.com, FPT 1280… trong đó phải kể đến ZingMe của VNG. Sau đó, mạng xã hội này bắt đầu tấn công vào miếng bánh quảng cáo của các doanh nghiệp Việt Nam. Theo thống kê thị phần quảng cáo của ANTS, sàn giao dịch quảng cáo trực thuộc FPT, nếu như năm 2010, nhóm 4 nhà quảng cáo lớn ở Việt Nam là FPT Online, VCCorp, Zing và 24h vẫn nắm trong tay 75% thị phần quảng cáo, đến 2015, nhóm này chỉ còn khoảng 22% thị phần. Dù rằng thị trường quảng cáo trực tuyến Việt Nam vẫn tăng trưởng trung bình 60% doanh thu mỗi năm.
Từ con số khiêm tốn vào năm 2010, chỉ trong vòng 5 năm, Facebook hiện đang dẫn đầu với doanh thu hơn 3.000 tỉ đồng, vượt qua cả Google, chiếm 42% toàn thị phần. Trước tầm quan trọng của thị trường Việt Nam, Facebook vừa đăng tải thông tin tuyển dụng giám đốc phụ trách kinh doanh doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây cũng là vị trí quản lý cao nhất tại Facebook Việt Nam. Dự đoán tổng doanh thu quảng cáo tại Việt Nam sẽ đạt 1,20 tỉ USD vào năm 2017, gần gấp đôi so với mức cách đây vài năm. Rõ ràng, Facebook muốn phần lớn trong miếng bánh này. “Cán cân vẫn sẽ tiếp tục nghiêng về phía Facebook trong thời gian tới và các doanh nghiệp Việt Nam rất có ít cơ hội để lật ngược”, ông Đinh Lê Đạt, Giám đốc Điều hành kiêm nhà sáng lập Công ty ANTS, dự đoán.
|
Giờ đây, mỗi động thái tiến vào một thị trường mới của Facebook đều có thể làm đảo lộn hoàn toàn luật chơi của thị trường đó. Ra mắt đầu tháng 11 vừa qua, sàn game PC của Facebook là Gameroom đang tìm cách cạnh tranh với sàn game PC lớn nhất thế giới là Steam của Valve. Với 650 triệu người chơi game trên Facebook, tổng giá trị giao dịch liên quan tới game trên mạng xã hội này được ước tính là 3,6 tỉ USD trong năm 2015, hoàn toàn ngang ngửa với giá trị giao dịch của Steam.
Đến cuối tháng 11 vừa qua, Facebook cũng cho phép người dùng chơi game trực tiếp từ trong ứng dụng chat di động Messenger, tạo nên một mối đe dọa khá đáng sợ đối với các cửa hàng ứng dụng Play Store của Google và App Store của Apple, vốn lần lượt có 90% và 75% doanh thu đến từ game (theo App Annie). Nếu biết thêm rằng các ước tính tổng giá trị giao dịch trên Play Store hay App Store đều nằm trong khoảng 20 tỉ USD, có thể thấy Facebook đang đụng tới một thị trường khá lớn của các đối thủ.
Không chỉ bành trướng ở mảng game, Facebook còn đang muốn trở thành một nền tảng thương mại điện tử C2C mới, đe dọa những cái tên truyền thống như Craigslist hay eBay. Từ đầu năm 2015, Facebook đã bổ sung cho phép rao bán hàng trong các nhóm người dùng (Facebook Group), và theo thông tin từ hãng, hiện có tới 450 triệu người dùng hằng tháng ghé vào các nhóm mua bán. Tới đầu tháng 10 năm nay, chợ Facebook Marketplace lại tiếp tục ra đời, tạo điều kiện cho cộng đồng người dùng có thể mua bán trao đổi với nhau dễ dàng hơn nữa (và có thêm cơ hội cho Facebook bán gói quảng cáo).
Trong khi đó, ứng dụng chat Messenger cũng trở thành ngả đường tiến vào thương mại điện tử B2C. Thông qua các mối quan hệ hợp tác giữa Facebook với các thương hiệu khác, người dùng Facebook tại Mỹ giờ đây đã có thể làm được khá nhiều thứ trên Messenger: gọi xe Uber, đặt thức ăn (liên kết với Delivery.com), mua vé sự kiện (liên kết với EventBrite). Theo Facebook trả lời với Quartz, họ không tính phí các doanh nghiệp hợp tác theo dạng này và mục đích chính là muốn gia tăng tính hữu dụng của fanpage Facebook với các doanh nghiệp.
Việc Facebook cho phép các công ty triển khai chatbot (chương trình chat tự động) trên Messenger từ tháng 4/2016 cũng không nằm ngoài điều này. Thông qua chatbot, mọi tương tác với các thương hiệu đều có thể được thực hiện trong vòng 4 bức tường của Messenger. Tính đến giữa tháng 9, trên Messenger đã có tới 30.000 chatbot và Facebook cũng đã cho phép các chatbot được nhận thanh toán trực tiếp trên Messenger mà không cần phải đưa người dùng đến một trang thứ ba nào khác.
|
Từ trò nghịch ngợm ở ký túc xá Harvard năm nào, nay Facebook đã trở thành một đế chế công nghệ khổng lồ có mặt ở khắp mọi nơi trên toàn cầu. |
Trong môi trường doanh nghiệp, Facebook cũng cho ra mắt dịch vụ mạng xã hội doanh nghiệp Workplace hồi đầu tháng 10 vừa qua. Vào thời điểm đó, đã có hơn 1.000 công ty trên toàn cầu sử dụng Workplace. Chỉ riêng tại Mỹ, thị trường phần mềm làm việc nhóm đã có trị giá khoảng 3,4 tỉ USD (theo Trefis) và do đó chẳng có gì lạ khi Facebook cũng muốn được “chia phần”. Với động thái này, Facebook chính thức trở thành đối thủ sống còn của Slack, nền tảng làm việc nhóm phổ thông nhất hiện nay với mức định giá gần 4 tỉ USD.
Nhà sáng lập Stewart Butterfield của Slack hẳn đang cảm thấy “chạy trời không khỏi Facebook”: trước đây, mạng xã hội chuyên về nhiếp ảnh Flickr cũng do ông sáng lập đã bị đè bẹp bởi Facebook và Instagram. Viễn cảnh hoàn toàn có thể lặp lại tại Việt Nam nếu thị trường Việt Nam đủ lớn để hấp dẫn người khổng lồ Facebook.
Nhưng Facebook không phải không có điểm yếu. Theo một doanh nghiệp không muốn nếu tên ở TP.HCM, việc phụ thuộc quá nhiều vào một nền tảng không phải là giải pháp tốt cho doanh nghiệp. Thứ nhất, càng nhiều doanh nghiệp cùng lĩnh vực tham gia, giá quảng cáo sẽ tăng từ đó làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp, giảm lợi nhuận. Thứ hai, việc không kiểm soát thông tin chặt chẽ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của Facebook ở Việt Nam. Và mỗi lần mạng xã hội này bị chậm truy cập là kế hoạch quảng cáo ngày đó xem như đổ bể.
Chưa kể, đi kèm với sự lớn mạnh không ngừng của Facebook là những câu hỏi về trách nhiệm với khách hàng lẫn xã hội. Chỉ trong vòng vài tháng gần đây, Facebook đã dính vào một số scandal khá lớn. Một thách thức khác mà Facebook cũng phải đối mặt là dù muốn hay không, họ cũng đã trở thành cổng thông tin lớn nhất thế giới, và được kỳ vọng là phải có trách nhiệm về độ chính xác và giá trị của những thông tin lan truyền trên hệ thống. “Nhưng chúng tôi vẫn phải sử dụng vì không có nhiều sự lựa chọn”, một giám đốc doanh nghiệp nói.
Theo NCĐT