Vụ “VN trở thành kho nhôm của thế giới?”: Nguy cơ bị kiện vạ lây

Thứ tư, 14/12/2016, 14:38
Trong khi chờ cơ quan chức năng làm rõ lượng lớn nhôm đang nằm kho ngoại quan sử dụng vào mục đích gì, nhiều chuyên gia cho rằng cần cảnh giác việc lợi dụng nguồn gốc xuất xứ (C/O) từ VN để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang các nước.

Kho ngoại quan của Công ty cổ phần Thành Chí ở Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chứa một lượng nhôm rất lớn với lưới đen phủ kín

Theo ông Phạm Chí Cường - chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc - luyện kim VN, hiện VN chưa sản xuất được nhôm do chưa điện phân được alumin nên “có thể nói VN chưa có ngành sản xuất nhôm”.

Đã có bài học về gian lận nguồn gốc, xuất xứ

Do chưa có thông tin đầy đủ, ông Cường cho rằng rất khó xác định số nhôm này được dùng làm nguyên liệu cho nhà máy của Công ty nhôm Toàn Cầu hay nhằm vào mục đích khác.

“Nếu là nhôm nguyên liệu phải được qua một loạt công đoạn chế biến khác mới có thể sản xuất ra nhôm thành phẩm” - ông Cường nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) - cho rằng “cần hết sức cảnh giác” với kho nhôm này.

Theo ông Sưa, cách đây ba năm, Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) từng sang làm việc với VSA do nghi ngờ sản phẩm tôn mạ từ VN xuất sang EU có dấu hiệu gian lận xuất xứ nguồn gốc.

Cụ thể, OLAF nghi ngờ sản phẩm tôn mạ được xuất đi từ VN là của doanh nghiệp Trung Quốc đứng đằng sau, do Trung Quốc đang bị áp thuế chống bán phá giá tại EU.

“Dù chưa có kết quả chính thức, nhưng điều đó cho thấy các nước hết sức cảnh giác trước hiện tượng bỗng dưng gia tăng đột biến một sản phẩm nào đó mà trước đây VN xuất khẩu chưa nhiều, hoặc có rất ít” - ông Sưa cảnh báo.

Cũng theo ông Sưa, VSA vừa có văn bản gửi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) yêu cầu bãi bỏ đơn kiện chống lẩn tránh thuế đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội và tôn mạ nhập khẩu từ VN, với cáo buộc gần như tương tự của OLAF.

“Nếu VN không kiểm soát chặt, ngành thép xuất khẩu của VN có thể bị vạ lây. Dù DOC kiện mình nhưng lại nhắm vào Trung Quốc, vì sản phẩm này của Trung Quốc đã bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá rất cao” - ông Sưa thông tin.

Theo các chuyên gia, trong vòng ba năm gần đây có việc hàng loạt sản phẩm của VN từ gỗ, nhựa, đá granite, máy ép đùn, phun nhựa, tôn, thép... liên tục bị các nước trong và ngoài khu vực ASEAN kiện lẩn tránh thuế chống bán phá giá, trong đó có những sản phẩm VN chưa sản xuất được!

Chẳng hạn, sản phẩm máy ép đùn, phun nhựa xuất khẩu từ VN bị Ấn Độ điều tra chống bán phá giá, dù sản phẩm này VN chưa hề sản xuất hay chế tạo được.

Trong khi đó, Ấn Độ lại đang áp thuế chống bán phá giá 60-174% đối với sản phẩm xuất khẩu từ Trung Quốc.

Lo lợi dụng việc đổi mã số HS để có C/O

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ hải quan cho biết hiện biểu thuế xuất khẩu dành cho nhôm thành phẩm từ 0-7% (tùy mặt hàng), 5-10% đối với nhôm nguyên liệu, khoảng 10% đối với bột nhôm và cao nhất là nhôm phế liệu lên đến 22%.

Trong khi đó, thuế nhập khẩu mặt hàng nhôm chưa gia công (đối với nhôm hợp kim, không hợp kim) là 2%, nhôm dạng thanh, que, hình (hợp kim và không hợp kim) là 5-10% và nhôm dạng tấm, lá và dải dày trên 0,2mm 
chịu thuế 0-3%.

“Về nguyên tắc, không có chuyện chưa xây dựng xong nhà máy mà lại đi nhập sẵn một lượng nguyên liệu lớn như vậy để tại kho ngoại quan. Nếu nguyên liệu này dùng để sản xuất ra thành phẩm nào đó, muốn được cấp C/O phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho từng chủng loại mặt hàng, sản phẩm” - một cán bộ trong lĩnh vực cấp C/O của VCCI chia sẻ.

Tuy nhiên theo vị này, trong thực tế có hiện tượng doanh nghiệp có vốn nước ngoài lợi dụng quy định chuyển đổi mã số HS hàng hóa để xin cấp C/O.

Quy tắc chuyển đổi mã số HS hàng hóa này cho phép doanh nghiệp nhập khẩu 100% linh kiện, nguyên liệu vào VN với điều kiện quy trình sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh phải vượt qua những công đoạn gia công đơn giản, vốn đã được luật hóa theo danh mục quản lý.

“Vấn đề là cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, kiểm soát thế nào về việc doanh nghiệp có sản xuất hay không, chứ không chỉ là làm những phần việc hết sức đơn giản, bởi mã số HS của nguyên liệu nhập khẩu và mã số HS của thành phẩm khi xuất khẩu phải khác nhau về mặt tính năng, công dụng mới được cấp C/O” - vị này khẳng định.

Dự án nhà máy Nhôm toàn cầu tại Bà Rịa - Vũng Tàu:

9 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư

Dự án nhà máy nhôm Toàn Cầu Việt Nam do Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu VN làm chủ đầu tư, được BQL các KCN Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 8-2011.

Đến tháng 4-2016, chủ đầu tư đã thay đổi nội dung trên giấy phép đầu tư lần thứ 9, với diện tích được chủ đầu tư thuê hiện 
30-40ha.

Thay vì vừa xuất khẩu vừa tiêu thụ sản phẩm tại thị trường VN như ban đầu, giấy phép điều chỉnh với 100% sản phẩm nhôm định hình phục vụ mục đích xuất khẩu.

Theo TTO

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích