Sabeco trở thành doanh nghiệp tỷ đô lớn thứ 2 thị trường

Thứ năm, 15/12/2016, 09:09
Mới chỉ chào sàn ngày 6/12 và sau 7 phiên giao dịch tăng trần liên tiếp, giá trị vốn hoá của Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn – SAB đã lên tới 5,6 tỷ USD.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/12, cổ phiếu SAB tiếp tục tăng trần 12.900 đồng/cổ phiếu so với phiên hôm trước, cán mốc 197.700 đồng/cổ phiếu và ghi nhận phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp.

So với giá niêm yết ban đầu, cổ phiếu SAB đã tăng gần 80%.

Với mức giá 197.000 đồng/cổ phiếu, quy mô vốn hoá của Sabeco trên sàn chứng khoán đã tăng lên 126.781 tỷ đồng, tương đương 5,6 tỷ USD, chiếm 9% vốn hoá toàn thị trường.

Mức vốn hoá 5.6 tỷ USD cũng đưa Sabeco vượt mặt cổ phiếu VCB của Vietcombank và GAS của PV GAS, trở thành doanh nghiệp có vốn hoá lớn thứ 2 thị trường chứng khoán, chỉ sau gã khổng lồ VNM - Vinamilk.

Trước thời điểm Sabeco tiến hành niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM, đã có nhiều ý kiến cho rằng cổ phiếu SAB sau khi lên sàn sẽ vượt xa giá tham chiếu là 110.000 đồng/cổ phiếu. Và không ngoài dự đoán, kể từ hôm chào sàn ngày 6/12, với mức giá đóng cửa phiên giao dịch hôm đó là 132.000 đồng/cổ phiếu, Sabeco đã gia nhập nhóm doanh nghiệp tỷ đô trên thị trường chứng khoán.

SAB đã có phiên tăng trần thứ 7 liền tiếp. Đồ hoạ: Quang Thắng.

Mức giá đóng cửa ngày 14/12 của VNM là 130.800 đồng/cổ phiếu. Hiện vốn hoá thị trường của Vinamilk vào khoảng 189.854 tỷ đồng, tương đương 8,4 tỷ USD.

Nhà nước hiện chiếm 89,59% cổ phần tại Sabeco. Nếu tính theo giá cổ phiếu SAB hiện nay, giá trị phần vốn Nhà nước tại Sabeco lên tới 113.583 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

Với việc giá trị cổ phiếu SAB ngày càng tăng lên, sẽ rất khó để các nhà đầu tư trong nước có thể chen chân trở thành cổ đông của doanh nghiệp này. Trong khi các nhà đầu tư ngoại lại có xu hướng mua dưới giá thị trường.

Mới đây nhất là trường hợp SCIC chào bán cổ phần tại Vinamilk và “ế” tới 40%. Một trong số những lý do đưa ra là do giá khởi điểm cao hơn giá thị trường khá nhiều.

Trước đó, Thủ tướng đã có chỉ thị về việc niêm yết các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trước khi thoái vốn Nhà nước, để đảm báo tính công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích Nhà nước.

Dự kiến quá trình thoái vốn Nhà nước tại Sabeco tiến hành trong 2 đợt. Đợt 1 bán 53.59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đợt 2 tiếp tục bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017, sau khi Sabeco đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Sabeco là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường bia Việt Nam, với hơn 42% thị phần tiêu thụ trong năm 2015. Đây cũng là doanh nghiệp bia nội duy nhất ghi nhận đà tăng trưởng dương về thị phần sau 9 tháng đầu năm 2016 (tăng trưởng 9%).

Theo Zing

Các tin cũ hơn