Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết đã hoàn thành chương trình cải cách tiền lương cho nhóm lao động đặc thù là phi công gồm 4 đợt điều chỉnh lớn kể từ năm 2008. Đồng thời thực hiện cải cách tiền lương giai đoạn 3 trên diện rộng cho các nhóm lao động còn lại gồm thợ kỹ thuật, tiếp viên, đội ngũ quản lý, chuyên viên, cán sự, nhân viên phục vụ mặt đất...
Cơ trưởng Huỳnh Lý Đông Phương (trái) và cơ phó Nguyễn Ngọc Bích (phải) điều khiển một chuyến bay của Vietnam Airlines - Ảnh: Facebook
Đến nay, thu nhập bình quân của đội ngũ phi công đạt 115,3 triệu đồng/tháng, là mức cao nhất của Vietnam Airlines. Thu nhập bình quân của tiếp viên là 25,5 triệu đồng/tháng, thu nhập của các bộ phận khác là 17,4 triệu đồng/tháng.
Mức tăng trưởng thu nhập trung bình của đội ngũ phi công cũng đạt mức cao nhất, lái chính tăng 32-38%, lái phụ tăng 15-35%. Trong khi đó, thu nhập của cán bộ quản lý cấp ban tăng 16-18%, cấp phòng tăng 11-19%. Các bộ phận khác gồm chuyên viên, cán sự, tiếp viên cũng được tăng thu nhập bình quân từ 9-21%, tuỳ bộ phận.
Ban Cải cách tiền lương của Vietnam Airlines cho biết mục tiêu của cải cách tiền lương nhằm đảm bảo cho người lao động có mức thu nhập bằng khoảng 75% khu vực (tính theo mệnh giá và sức mua đồng tiền), lọt nhóm hàng đầu ngành hàng không trong khu vực Đông Nam Á.
Ngoài việc đảm bảo tăng thu nhập đồng đều cho các chức danh, đợt cải cách tiền lương này cũng nhằm mục tiêu chú trọng đánh giá hiệu quả công việc, thể hiện ở phần tỉ trọng tăng rất cao cho phần lương đánh giá (tăng 1,5 lần đối với tiếp viên, lương đánh giá tối đa sẽ bằng 30% thu nhập hàng tháng). Từ đó sẽ đánh giá được mức độ cống hiến, chăm chỉ và năng lực của người lao động.
Năm 2017, Vietnam Airlines định hướng kế hoạch kinh doanh giữ thị phần trọng điểm, ưu tiên khai thác đường bay trục, giảm chi phí bình quân 5-10% so với mức thực hiện năm 2016. Số lượng máy bay của hãng đưa vào khai thác là hơn 85 chiếc, tổng số lao động là 7.100 người.
Theo NLĐ