|
Năm 2016, ngành dầu khí có 3 phát hiện dầu khí mới, giúp đảm bảo sản lượng khai thác theo kế hoạch |
Vẫn còn một số đơn vị thua lỗ lớn
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc PVN cho biết, năm 2016, tổng doanh thu của toàn Tập đoàn đạt 452,5 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách 90,2 nghìn tỷ, lợi nhuận sau thuế năm 2016 đạt 24,4 nghìn tỷ. Năm 2016, PVN đã có 3 phát hiện dầu khí mới, giúp gia tăng trữ lượng ở mức 16,66 triệu tấn dầu quy đổi, đạt 100% kế hoạch.
Ông Sơn cho biết, tuy kết quả trên là đạt kế hoạch đề ra nhưng thực tế, so với năm 2015, doanh thu và lợi nhuận của PVN đều sụt giảm mạnh.
"Doanh thu giảm tới 107.000 tỉ đồng so với năm 2015 và giảm hơn 290.000 tỉ đồng so với năm 2014. Nộp ngân sách nhà nước của Tập đoàn trong năm 2016 cũng giảm gần 25.000 tỉ đồng so với năm 2015", lãnh đạo PVN cho biết.
Một số đơn vị trực thuộc PVN đạt doanh thu, lợi nhuận khá cao như Công ty liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” đạt doanh thu 43.300 tỷ đồng, vượt 3,2% so với kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 6.480 tỷ đồng, vượt 10% kế hoạch. Tuy nhiên, mức lợi nhuận này vẫn kém xa kết quả 10.260 tỷ đồng của năm 2015.
Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng đạt doanh thu hợp nhất khá cao: 30.900 tỷ đồng; tuy nhiên lỗ hợp nhất lên tới 1.980 tỷ đồng. Đáng nói là lợi nhuận trước thuế của PVEP đạt 5.189 tỷ đồng, tuy nhiên do quy định thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là theo khối lượng dầu xuất bán tại các dự án và không phụ thuộc vào lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác nên thuế thu nhập doanh nghiệp mà PVEP phải nộp lên tới 5.189 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận sau thuế bị âm lớn.
Tại Liên doanh Rusvietpetro, tổng doanh thu phía Việt Nam đạt được là 406,1 triệu USD, tương đương 9.140 tỷ đồng. Lợi nhuận của phía Việt Nam thu được là 82,24 triệu USD, tương đương 1.890 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực khai thác khí, Tổng công ty Khí Việt Nam – PV Gas đạt doanh thu hợp nhất là 55.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 5.670 tỷ đồng. Đối với riêng Công ty mẹ- PV Gas, lợi nhuận sau thuế đạt 5.630 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch.
Trong lĩnh vực sản xuất điện của PVN, Tổng công ty Điện lực Dầu khí cũng có kết quả đáng nể. Doanh thu hợp nhất đạt 26.520 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.590 tỷ đồng, trong đó phần của Công ty mẹ - PVPower đạt 918 tỷ đồng.
Về lọc hoá dầu, Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn, lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 2.160 tỷ đồng, vượt 2,4 lần kế hoạch năm.
Về các đơn vị thua lỗ, lãnh đạo PVn cho biết, trong số các doanh nghiệp lỗ có Công ty Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PV Tex) với lỗ luỹ kế tới 31/12/2016 là 3.431,5 tỷ đồng; Tổng công ty cổ phần Dung dịch khoan và Hoá phẩm Dầu khí (DMC) lỗ hợp nhất là 41 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) lỗ 122 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng: Xử lý dứt điểm 5 dự án thua lỗ
Tham dự hội nghị toàn ngành dầu khí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận các kết quả sản xuất, kinh doanh của PVN trong tình hình khó khăn, nhất là giá dầu giảm nhưng khai thác dầu thô trong nước về đích trước kế hoạch 25 ngày, với mức sản lượng khai thác vượt 1,18 triệu tấn. Khai thác khí về đích trước kế hoạch 35 ngày, với mức sản lượng khai thác vượt 1 tỷ m3.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, ngành dầu khí vẫn còn những hạn chế, tồn tại có tính chủ quan như việc quản lý đầu tư ở một số dự án còn yếu kém; quản lý điều hành sản xuất kinh doanh, đặc biệt là quản trị chi phí còn hạn chế…
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2017 giá dầu thô vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, dự báo ở mức thấp, điều kiện triển khai các dự án dầu khí ngày càng khó khăn, nên để đạt các mục tiêu đã nêu là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với PVN. "Cần có giải pháp, chiến lược để tiếp tục duy trì vị thế của PVN là tập đoàn mạnh", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng yêu cầu PVN tập trung các nguồn lực và tìm kiếm các giải pháp thực hiện nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2017. Ông cũng yêu cầu phải tích cực xử lý dứt điểm các tồn tại, yếu kém ở 5 dự án thua lỗ của ngành dầu khí gồm xơ sợi Đình Vũ, ba nhà máy nhiên liệu sinh học, nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Theo Dân Trí